Nga – Trung quan ngại 'thùng thuốc súng' trên bán đảo Triều Tiên
Quan chức Nga và Trung Quốc đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước tình huống có thể “bùng nổ” bất cứ lúc nào sau vụ Triều Tiên thử tên lửa Hwasong-15.
Ngày 29/11, Triều Tiên đã phóng thử một quả tên lửa đạn đạo mới nhất có khả năng bay cao hơn bất cứ quả tên lửa nào của nước này trước đây. Truyền hình nhà nước Triều Tiên cho biết, “sau khi giám sát vụ phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa mới, Hwasong-15, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tuyên bố đầy tự hào rằng, giờ đây chúng ta [Triều Tiên – ND] cuối cùng đã nhận ra động cơ lịch sử vĩ đại của việc hoàn thiện lực lượng hạt nhân quốc gia cũng như căn nguyên của việc xây dựng sức mạnh tên lửa.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un giám sát một cuộc tập trận hồi tháng 4/2017. (Ảnh: KCNA) |
Người phát ngôn Cảnh Sảng cho biết, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ “quan ngại sâu sắc và phản đối” việc Triều Tiên tiếp tục phát triển chương trình tên lửa đạn đạo, đồng thời hy vọng “tất cả các bên sẽ hành động một cách cẩn trọng để đảm bảo hòa bình và ổn định”.
Ngay trong ngày 29/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về biện pháp xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sau vụ thử tên lửa trên. Ông Trump “nhấn mạnh việc Trung Quốc cần phải dùng tất cả những ‘đòn bẩy’ cần thiết để thuyết phục Triều Tiên chấm dứt gây hấn và trở lại con đường phi hạt nhân hóa”.
Nga cũng cho rằng vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên là một hành động gây hấn.
“Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, đồng thời kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc kiềm chế tiến hành các cuộc tập trận trên không ngoài kế hoạch và có quy mô lớn chưa từng có, dự kiến diễn ra vào tháng 12 này, bởi vì điều đó sẽ trầm trọng hóa tình hình vốn chỉ trực bùng nổ”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Hồi tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis vẫn khẳng định “ưu tiên giải pháp ngoại giao” đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon cho rằng hy vọng của ông Mattis giờ đây khó có thể đạt được.
“Triển vọng đối thoại với Triều Tiên đang ngày càng mong manh”, ông Lee Nak-yon nhận định. “Làm như thế là phi thực tế trong khi đất nước này [Triều Tiên – ND] vẫn cứ phát triển tên lửa”.
Ông Lee Nak-yon khẳng định, chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục gây sức ép với Triều Tiên trong khi phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế ở mức độ cao nhất, bao gồm việc áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đơn phương với Bình Nhưỡng nếu cần thiết./.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|