Nga và Việt Nam sẽ phát triển hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu

PV 25/05/2021 07:23

Hội nghị trực tuyến đánh giá khả năng và triển vọng hợp tác Nga - Việt trong lĩnh vực đóng tàu vừa diễn ra. Các đơn vị tham gia: Tổ chức triển lãm quốc tế "NEVA" cùng "Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu St.Petersburg" và Hội đồng Xúc tiến ngoại thương Việt Nam (Vietrade).

Hội nghị trực tuyến này là một trong những giai đoạn chuẩn bị cho triển lãm NEVA, sẽ được tổ chức tại St.Petersburg vào ngày 21-24 tháng 9 năm nay.

Khai mạc hội nghị, người điều hành - Giáo sư Konstantin Rozhdestvensky - Giám đốc Khoa Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Kỹ thuật hàng hải quốc gia St. Petersburg nhắc lại Việt Nam là một quốc gia “biển cả”, có đường bờ biển dài hơn 3.000 km và đứng thứ 6 trên thế giới về năng lực đóng tàu. Và vì lý do đó, việc gìn giữ và phát triển mối quan hệ giữa hai nhà nước trong lĩnh vực vận tải biển và đóng tàu là vô cùng quan trọng và mang lại nhiều lợi nhuận.

Ngành đóng tàu Nga có những phát triển vượt bậc. Ảnh Sputnik
Ngành đóng tàu Nga có những phát triển vượt bậc. Ảnh: Sputnik

Sức mạnh đóng tàu của Nga và khả năng hợp tác với Việt Nam

Trong bài phát biểu của mình, Vụ trưởng Công nghiệp đóng tàu và công nghệ hàng hải của Bộ Công Thương Nga Ilya Pomylev lưu ý:

"Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Liên bang Nga tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh thương mại thế giới suy giảm do đại dịch, thì ngược lại, kim ngạch thương mại giữa Nga và Việt Nam năm 2020 lại tăng 15% và đạt 5,7 tỷ USD. Xuất khẩu tàu từ Nga sang Việt Nam tăng 48% (từ 10 lên 15 triệu USD), nhưng nhập khẩu giảm mạnh - từ 19 triệu USD xuống 277 nghìn USD. Phương hướng thúc đẩy thương mại song phương tăng trưởng hơn nữa là xuất khẩu các sản phẩm phi tài nguyên và hợp tác công nghiệp sâu rộng. Chúng tôi nhận thấy cơ hội lớn trong lĩnh vực đóng tàu dân dụng".

Trên thế giới vẫn còn lầm tưởng cho rằng ngành đóng tàu Nga được “mài dũa” dành riêng cho quân sự, còn lĩnh vực dân sự thì yếu kém. Quan điểm này đã lỗi thời. Ilya Pomylev đã chứng minh điều này bằng những số liệu và sự kiện:

"Thị trường ngành đóng tàu Nga vào năm 2020 đã tăng giá trị 67%, lên 230 tỷ rúp (gần 3 tỷ 126 triệu USD). Tổng trọng tải các tàu được bàn giao tăng 59%. Hơn 40% tổng giá trị của các tàu đã đóng là các tàu phá băng và tàu trọng tải lớn. Đặc biệt là việc chế tạo tàu phá băng nguyên tử "Arktika" công suất 60 MW, tàu phá băng diesel-điện "Viktor Chernomyrdin" công suất 25 MW và tàu chở dầu "Vladimir Monomakh" (loại Aframax) với trọng tải 114 nghìn tấn đã hoàn thành. Ngoài ra, trong lĩnh vực đóng tàu dân dụng của Nga còn có tàu chở hàng khô, xà lan và tàu chuyên dụng. Cho đến năm 2030, các lĩnh vực hứa hẹn sẽ là các đội tàu trọng tải lớn, tàu đánh cá và tàu phá băng cỡ lớn. Theo kế hoạch của Bộ Công Thương Nga đến năm 2035 dự kiến sẽ đóng hơn 1.000 tàu các loại".

Theo ông Ilya Pomylev, các doanh nghiệp Nga sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam một “dòng” tàu đường sông và đường biển dân dụng. Đã có một kinh nghiệm tích cực trong việc đặt hàng đóng tàu ở Việt Nam. Năm 2015, tàu nạo vét Severnaya Dvina cho Nga đã được hạ thủy tại Nhà máy đóng tàu Sông Thu.

Cũng có vấn đề tàu hỗ trợ phát triển các mỏ dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Đội tàu chuyên dụng của Liên doanh Vietsovpetro lên tới vài chục chiếc và được bổ sung liên tục. Điều này mở ra cơ hội hợp tác rộng rãi giữa các nhà máy đóng tàu Nga và Việt Nam. Ngoài ra, một trong những dự án song phương lớn trong lĩnh vực vận tải biển có thể là hành lang hậu cần phát triển giữa cảng Azov (miền Nam nước Nga, vùng Rostov, một trong những cảng biển lâu đời nhất của Nga) và Hải Phòng. Dự án cũng bao gồm việc thành lập khu công nghiệp Việt-Nga tại tỉnh Quảng Ninh. Chiến lược phát triển các bến cảng cho năm 2023-2024 đã được xây dựng và đang được triển khai. Đại diện Bộ Công Thương Nga Ilya Pomylev khẳng định “luôn cởi mở đối thoại và sẵn sàng hỗ trợ phát triển quan hệ thương mại giữa Nga và Việt Nam”.

Bảo đảm hỗ trợ doanh nghiệp đóng tàu

Ông Dương Hoàng Minh - Tham tán Thương mại Đại sứ quán nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Liên bang Nga, phát biểu tại hội thảo bằng tiếng Nga. Đặc biệt, ông tuyên bố:

"Hai nước chúng ta đã hợp tác từ thời Liên Xô, nhưng trước đó chủ yếu là đóng tàu quân sự. Trong thời gian qua, hai bên đã có nhiều nỗ lực phát triển hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu dân dụng. Ví dụ như việc thành lập Nhóm làm việc chung về đóng tàu trong khuôn khổ Ủy ban liên Chính phủ, tiếp tục chuyển giao công nghệ đóng tàu Nga cho Việt Nam, tham gia các triển lãm chuyên ngành như VIETSHIP.

Tuy nhiên, hợp tác đóng tàu dân dụng vẫn chưa tương xứng với bản chất chiến lược của mối quan hệ cũng như tiềm năng của cả hai nước. Sau khi Hiệp định FTA Việt Nam - EAEU có hiệu lực, các doanh nghiệp đã nhận được nhiều cơ hội giao lưu rộng rãi hơn. Chúng tôi hy vọng tại hội nghị này sẽ đưa ra những đánh giá khách quan về tình hình hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu và đề xuất những bước đi thiết thực để thúc đẩy trong tương lai gần. Chúng tôi mời các công ty Nga, Việt Nam tham gia tích cực hơn vào các triển lãm của hai nước, thăm viếng lẫn nhau thường xuyên hơn để đánh giá tình hình hiện tại của ngành và các cơ hội hợp tác. Đại diện Thương mại và Đại sứ quán Việt Nam sẵn sàng ủng hộ, phối hợp, hỗ trợ doanh nhân hai nước trong lĩnh vực có nhiều tiềm năng này".

Hình minh họa.
Hình minh họa.

Bài phát biểu của đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam Vyacheslav Kharinov gửi đến những doanh nhân và doanh nghiệp đóng tàu Nga đang tìm cách tiếp cận các đối tác Việt Nam, nhưng không biết rõ tình hình Việt Nam hiện tại, thường hoạt động với những ý tưởng lạc hậu vô vọng. Ông đã phác thảo thực trạng ngành đóng tàu, vận tải biển Việt Nam - một ngành công nghiệp cực kỳ quan trọng đối với đất nước, cần được xem xét một cách chính xác về tổng thể.

"Kinh tế biển" là một trong những động lực quan trọng nhất thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế đất nước, ông Vyacheslav Kharinov cho biết - Một phần đáng kể, nếu không muốn nói là chính yếu, lưu lượng hàng hóa chuyên chở bằng đường biển, do đó Nhà nước hỗ trợ tích cực cho ngành. Chiến lược quốc gia quy định việc hình thành 3 trung tâm đóng tàu trong cả nước: miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Tỷ trọng nội địa hóa sản xuất ngày càng tăng, và khung pháp lý đang được cải thiện (bao gồm cả việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, phát triển các tổ chức chuyên ngành). Việt Nam có khoảng 120 cơ sở đóng mới và sửa chữa có khả năng đóng tàu có lượng choán nước trên 1.000 tấn. Tổng năng lực sản xuất là hơn 2,6 triệu tấn (lượng rẽ nước), nhưng thực tế hiện đã hoạt động tới 50% công suất. Công ty đóng tàu chính trong nước là SBIC. Năm 2020, 70% sản lượng doanh nghiệp là đóng mới, 30% sửa chữa. Một số công ty khác cũng tham gia vào ngành này như Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Petrovietnam. Tập đoàn Hyundai là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực đóng tàu của Việt Nam".

Theo ông Vyacheslav Kharinov, để “thúc đẩy” hợp tác Nga-Việt trong lĩnh vực đóng tàu dân dụng, cần cập nhật theo các tài liệu của Nhóm làm việc về lĩnh vực này, hoạt động trong khuôn khổ Ủy ban liên chính phủ. Trong Nghị định thư mới nhất của Nhóm làm việc năm 2018, một số lĩnh vực mới mà cả hai bên cùng quan tâm đã được ghi nhận. Chúng cần phải phù hợp với thực tế của năm 2021.

"Đây là những nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao đặc tính hoạt động, kỹ thuật của tàu và trang thiết bị hàng hải phục vụ phát triển thềm lục địa; liên kết thiết kế tàu vận tải, tàu khách tốc độ cao; phát triển công nghệ, thiết bị sản xuất để đóng mới và sửa chữa tàu biển; các dự án hiện đại hóa cơ sở sản xuất hiện có; tổ chức hợp tác đóng tàu tại nhà máy đóng tàu của Việt Nam và Nga vì lợi ích của hai nước", ông Vyacheslav Kharinov nói.

Từ những dự án thực tế, theo đại diện thương mại Nga, việc sản xuất (hoặc chuyển giao) tàu khách cao tốc đóng sẵn cho Việt Nam để phục vụ tuyến ven biển đến đảo Phú Quốc hay thậm chí "Phú Quốc - Sihanoukville (Campuchia)" là rất phù hợp. Một hướng khác là các tàu mới có sức chở đủ lớn để kết nối đất liền Việt Nam với các đảo trên Biển Đông. Đội tàu hiện đang hoạt động trên tuyến này có khả năng đi biển hạn chế và đặc biệt cần được hiện đại hóa.

Ông Vyacheslav Kharinov lưu ý: Phái đoàn Thương mại Liên bang Nga liên hệ chặt chẽ với Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp đóng tàu, và đại diện vận tải thủy của Nga trong việc tìm kiếm đối tác tại Việt Nam. Không chỉ là khách hàng tiềm năng của các sản phẩm, công nghệ Nga, mà còn cả các nhà thầu cho các đơn đặt hàng của Nga.

Các tuyến vận chuyển lâu đời hiện vẫn còn phù hợp

Hợp tác Nga-Việt trong lĩnh vực vận tải sông cũng không kém phần quan trọng. Ở đây nói về cả tàu tuần tra tìm kiếm, cứu nạn Việt Nam và cảnh sát thủy, có khả năng hoạt động ở vùng nước nông đông đúc, cũng như tàu vận tải hành khách - hàng hóa.

Ảnh tư liệu minh họa.

"Có các tuyến đường thủy nội địa ở miền Nam Việt Nam, theo đó có thể đến các nước Đông Nam Á khác như Campuchia, Lào, Thái Lan và thậm chí đến cả Myanmar. Đây là hướng đi hấp dẫn đối với cả vận tải hàng hóa và khách du lịch, trong đó có khách Nga", đại diện thương mại Nga tại Việt Nam lưu ý.

Xoay quanh chủ đề về tàu sông, một đại biểu khác của hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nga - Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cảng biển Azov Andrian Sinebok, cũng có ý kiến.

"Việt Nam quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng. Thị trường đóng tàu và vận tải thủy đang phát triển rất sôi động ở đó. Chương trình phát triển đường thủy nội địa đang được triển khai. Tỷ trọng vận tải thủy nội địa trong tổng khối lượng vận tải hàng hóa hiện là 15,5%, hành khách - chỉ 1,9%. Tốc độ tăng lưu lượng vận tải đến năm 2030 đạt 5,5% / năm, trong đó hàng hóa - 1,4%. Đến năm 2030, khối lượng vận tải thủy đạt 655 triệu tấn hàng hóa, trong đó container - 5,5 triệu TEU (container 20 feet), và 200 triệu hành khách. Lưu lượng giao thông đường sông - biển đạt 30 triệu tấn. Tổng trọng tải tàu hàng của Việt Nam sẽ là 30-33 triệu tấn, trong đó đội tàu sông 1,5-2 triệu tấn. Các tàu chở khách sẽ được tính toán cho 950 nghìn chỗ ngồi", Andrian Sinebok nói.

Theo đó, nhu cầu về các con tàu hiện đại, cả đường biển và đường sông, cũng sẽ tăng lên. Với khả năng và năng lực của mình, Việt Nam khó có thể đương đầu với nhiệm vụ đó mà đòi hỏi phải thu hút vốn nước ngoài. Theo Andrian Sinebok, Nga nhất định phải tận dụng các cơ hội mới để củng cố vị thế của mình trên thị trường Việt Nam trong cả lĩnh vực đóng tàu và vận tải thủy.

Hội nghị cũng thảo luận về việc trao đổi công nghệ trong lĩnh vực đóng tàu, các dự án đầu tư chung và đào tạo nhân sự.

Theo vn.sputniknews.com
Copy Link

Mới nhất

x
Nga và Việt Nam sẽ phát triển hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO