Ngẫm chuyện đá - vàng
“Giữ vàng làm gì, nó chỉ là cục đá!” - ông bố nhà tôi vẫn thường nói như vậy khi thấy ai đó tích trữ vàng.
Quan điểm như thế, vậy nên, việc giá vàng quay cuồng lên xuống, đội giá, vượt đỉnh, ông chẳng quan tâm. Và thấy cuộc sống ông vẫn bình thường! Còn chuyện tặng vàng cho đám cưới, ông nói: “Tặng tiền là tốt nhất, bọn trẻ muốn mua gì thì mua”…
Chuyện "ông nhà tôi" nói vàng là đá cũng đúng thôi, nó là khoáng sản, là "đá" đắt tiền. Nhưng ý sâu xa của ông đề cập đến việc nhiều người mua vàng để cất giữ - nó giống như hòn đá vậy thôi, vì không lưu thông, trao đổi.
Thêm đó, cuộc sống hiện đại đã đưa hệ thống giao dịch tài chính toàn cầu, trong nước vận hành qua những nút bấm chuyển khoản, làm cho vàng trở nên “bị bỏ lại phía sau”.
Lịch sử lâu đời, vàng luôn được xem là một trong những tài sản quý giá của thế giới và đóng vai trò không thể phủ nhận trong hệ thống tài chính toàn cầu. Dù nó từng được xác định có vai trò tiền tệ trong trao đổi, mua bán, nhưng nó "tự" đánh mất vai trò đó trong xã hội hiện đại. Bởi vàng không thể (nói đúng hơn là khó) chia thành các đơn vị nhỏ hơn để phục vụ cho các giao dịch cơ bản trong đời sống hàng ngày, nhất là khi cuộc sống hàng ngày phải gắn với những giao dịch “bó rau, con cá, hạt gạo, củ khoai”. Hiếm thấy ai cầm vàng đi mua những thứ đó.
Câu chuyện của "ông nhà tôi" càng có cơ sở khi báo chí đưa tin, tại nhiều địa phương, cho dù giá vàng biến động mạnh, nhưng các cửa hàng vàng bạc lại vắng khách, giao dịch ảm đạm. Ngay cả địa phương sôi động như Quảng Ninh cũng chung tình trạng đó.
Có một điều lạ là trong những ngày sau bầu cử Tổng thống Mỹ, khi ông Trump thắng cử (từ 6/11/2024), vàng xuống giá, như "lao dốc không phanh". Ấy thế mà nhiều người lại ôm vàng đi bán.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia dự báo, giá vàng có khả năng tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Một số cửa hàng lý giải là: Thời điểm khi giá vàng có dấu hiệu tăng, người dân đã mang vàng đi bán. Đến hiện tại khi giá vàng cao kỷ lục thì nhiều người lại có tâm lý muốn chờ giá cao thêm chút nữa mới bán ra, nên khách đến giao dịch tại cửa hàng rất ít. Thế nhưng, có ý kiến ngược lại, rằng: “Vàng đắt mua làm gì?!”. Thế nên, nhiều cửa hàng chỉ ghi nhận có một số người vào mua vàng nhẫn để tặng đám cưới, không phải mua tích trữ.
Câu chuyện ở trên không đề cập đến những người buôn bán vàng. Bởi họ “ôm” vàng khi họ thấy giá phù hợp, để bán khi giá tăng cao. Thế nên, khi vàng tăng cao quá, tất nhiên họ không “ôm” vì sợ lỗ. Bởi như đã đề cập, vàng là khoáng sản quý, nhưng nó đang bị “rớt hạng” về vai trò tiền tệ trong giao dịch thời đại 4.0, khi chuyển khoản lên ngôi.
Trở lại với câu chuyện của "ông nhà tôi" là tặng đám cưới bằng tiền, nó cũng đúng, vì bây giờ nhiều bạn trẻ công khai tài khoản để nhận tiền mừng qua chuyển khoản đó thôi. Nếu “sống” như quan niệm của ông thì đỡ quay cuồng với giá vàng hiện nay! Tất nhiên, vàng vẫn là “cục đá” rất quý!