Ngân hàng cho vay ngoại tệ đáp ứng kỳ vọng của thị trường
Việc ngân hàng cho vay ngoại tệ trở lại sẽ là cú hích quan trọng, đáp ứng kỳ vọng của thị trường, doanh nghiệp cũng như định chế tài chính.
Theo Thông tư số 07 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), bắt đầu từ ngày hôm qua (1/6), các ngân hàng thương mại đã chính thức thực hiện hoạt động cho vay bằng ngoại tệ sau 2 tháng ngừng cho vay. Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia, đây là tín hiệu đáng mừng mừng, là cú hích quan trọng, đáp ứng kỳ vọng của thị trường.
Thực hiện cho vay ngoại tệ là cú hích quan trọng đáp ứng kỳ vọng thị trường. |
Bắt đầu thời điểm Thông tư 07 có hiệu lực, các ngân hàng thương mại áp dụng cho vay ngoại tệ ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn trong nước và nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu cần vốn để trang trải chi phí sản xuất, chế biến trong nước. Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng: Việc chính thức áp dụng thông tư này góp phần giúp doanh nghiệp trang trải các chi phí về sản xuất, chế biến, đầu tư thiết bị công nghệ mới.
Bà Trịnh Thị Ngân, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, việc các ngân hàng thương mại cho vay ngoại tệ trở lại là một tín hiệu mừng cho các doanh nghiệp.
“Hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải mua thiết bị bằng USD, do đó được vay USD sẽ thuận lợi hơn việc vay bằng VND. Thời gian qua các doanh nghiệp vẫn phải chuyển tiền VND sang USD để mua, khi đó lãi suất sẽ cao hơn. Do đó, đây là cơ hội để doanh nghiệp đầu tư và đổi mới thiết bị công nghệ rất tốt”, bà Ngân cho biết.
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Thái, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Hải Vân cho biết, hiện doanh nghiệp đang xuất khẩu nhiều mặt hàng cơ khí đi các nước Nhật, Austria, Hàn Quốc… Trong 2 tháng qua, doanh nghiệp không được vay ngoại tệ nhưng phải vay VND với lãi suất cao, khiến chi phí, giá thành sản phẩm đội lên, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước quay lại chủ trương cho doanh nghiệp được vay ngoại tệ là một tin vui.
“Lãi suất cho vay nội tệ đang áp dụng từ 8 - 11%, trong khi ngoại tệ chỉ có 3 - 4% cho thấy, sự chênh lệch về lãi suất khi được vay ngoại tệ sẽ tạo cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, lợi nhuận tăng cao. Tuy nhiên, đến ngày 31/12 sẽ kết thúc chương trình này nên doanh nghiệp phải có sự chủ động, có chủ trương ứng phó khi hết thời hạn áp dụng vay ngoại tệ để giảm bớt khó khăn”, ông Thái cho biết.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, sau 2 tháng doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu không được tiếp cận nguồn vốn ngoại tệ đã dẫn đến nhiều khó khăn. Do đó, triển khai áp dụng cho vay ngoại tệ lần này sẽ là cú hích quan trọng, đáp ứng kỳ vọng của thị trường, doanh nghiệp, định chế tài chính. Đồng thời, góp phần cho tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng xuất khẩu của cả năm. Tuy nhiên, thông tư này chỉ được áp dụng đến hết ngày 31/12 tới khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, đây là một chính sách tạm thời, do dó sẽ có thời hạn. Hiện chúng ta vẫn đang trong quá trình chống đô la hóa. Do đó, cuối năm nay, NHNN, các bộ ngành và Chính phủ lại phải rà soát tổng thể các chính sách chống đô la hóa, trong đó có thông tư 07. Nếu như thị trường có những đòi hỏi yêu cầu mới, chắc chắn phải có điều chỉnh phù hợp bởi vì chúng ta không chống đô la hóa bằng mọi giá mà vẫn hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là xuất khẩu.
“Tôi nghĩ rằng ổn định chính sách, nhất quán chính sách là những yếu tố mà doanh nghiệp cũng như là người dân hết sức mong muốn. Tuy nhiên, chúng ta phải chia sẻ vì hiện nay chúng ta hoạt động trong một môi trường rất nhiều biến động cả trong nước và ngoài nước. Đều này đòi hỏi chính sách phải có những điều chỉnh phù hợp, không thể cố định chính sách trong một thời gian dài. Việc thực hiện ổn định chính sách chỉ thực hiện được trong trường hợp nền kinh tế hết sức ổn định không có biến cố xảy ra. Rõ ràng từ đầu năm đến giờ, nhiều việc đã xảy ra đối với cả kinh té thế giới và kinh tế Việt Nam và cần phải có tháo gỡ kịp thời nhất là trong bối cảnh năm nay”, chuyên gia Cấn Văn Lực nêu quan điểm.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|