Ngành Giáo dục kêu gọi toàn ngành chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông
(Baonghean.vn) -Sáng 16/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức Lễ phát động học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đầu năm học mới 2023-2024.
Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp phối hợp trực tuyến, nối điểm cầu với 63 sở giáo dục và đào tạo trong cả nước. Tại Nghệ An, lễ hướng ứng phát động được tổ chức tại Trường THPT Lê Viết Thuật, với sự tham gia của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban An toàn giao thông tỉnh, các ban, ngành liên quan, các nhà trường đóng trên địa bàn thành phố Vinh và đông đảo học sinh trong toàn trường.
Trong những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tai nạn giao thông ở nước ta đã giảm mạnh theo từng năm về cả 3 tiêu chí: số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, tai nạn giao thông vẫn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Với ngành Giáo dục, hiện nay có một thực tế đó là học sinh, sinh viên vừa là nạn nhân, vừa là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, do một số học sinh, sinh viên có ý thức và kỹ năng khi tham gia giao thông hạn chế, vi phạm pháp luật ATGT như: không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy, xe đạp điện (đặc biệt, trong những năm gần đây, hiện tượng học sinh phổ thông đi học bằng xe đạp điện, xe mô tô, xe gắn máy diễn ra phổ biến ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước), đi hàng đôi, hàng ba, chở quá số người quy định, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, uống rượu, bia khi tham gia giao thông…
Hiện toàn ngành Giáo dục có trên 23 triệu học sinh, sinh viên, là thế hệ tương lai, nhân tố quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân phát triển toàn diện về sức khỏe, trí tuệ, ý thức tuân thủ pháp luật là mục tiêu chủ yếu của các cơ sở giáo dục. Trong đó, công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ các em trước hiểm họa tai nạn giao thông.
Việc triển khai công tác này cũng nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư và Nghị quyết của Chính phủ về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, góp phần vào mục tiêu giảm thiểu số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông và hạn chế thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra trong thời gian tới.
Năm học 2023-2024 là năm học đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục an toàn giao thông trong học sinh, sinh viên , góp phần giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho thế hệ trẻ.
Để làm tốt hơn nữa công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học, phát biểu tại lễ phát động, ông Trần Văn Đạt - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên – Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các sở giáo dục và đào tạo, các nhà trường tập trung thực hiện tốt đợt cao điểm hướng ứng Tháng hành động An toàn giao thông (tháng 9 năm 2023) và cả năm học 2023-2024. Trong đó, cần tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT theo hướng tăng tính chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên, lồng ghép với các phong trào, các hoạt động của nhà trường một cách phù hợp, hiệu quả.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa ngành Giáo dục và các cơ quan liên quan, đặc biệt là cơ quan công an để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và tạo tác động từ nhiều phía đối với công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên.
Trong năm học này, các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết với nhà trường trong việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy và phương tiện xe 2 bánh chạy bằng điện tham gia giao thông; mặc áo phao khi đi đò…
Các nhà trường cũng cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng tự bảo vệ bản thân... để các em học sinh, sinh viên nâng cao khả năng tự giải quyết các vấn đề trong học tập, cuộc sống, tăng sự an toàn khi tham gia giao thông.
Các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm cần quán triệt tới cán bộ, nhà giáo và sinh viên nghiêm túc thực hiện quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; quy định về đội mũ bảo hiểm; thực hiện các hành vi văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông; tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông.
Tôi kêu gọi các thầy, cô giáo, các em học sinh, sinh viên chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATGT, cụ thể: Phải đội mũ bảo hiểm; Phải đi đúng phần đường, làn đường; Phải giảm tốc độ từ đường phụ ra đường chính; Không lái xe sau khi đã uống rượu, bia; Không phóng nhanh, vượt ẩu; Không điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, chưa có Giấy phép lái xe.