Ngành Giáo dục Nghệ An tăng cường các giải pháp phòng chống bạo lực học đường

Mỹ Hà 04/05/2023 10:54

(Baonghean.vn) - Đây là chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo trước tình trạng bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng, nhất là bạo lực tinh thần.

Trước đó, qua nắm bắt thông tin, Sở Giáo dục và Đào tạo nhận thấy tình trạng bạo lực học đường tại các trường học đang có xu hướng gia tăng, nhất là bạo lực tinh thần. Một số trường, lớp xảy ra tình trạng học sinh chia rẽ bè phái, cô lập bạn bè (nhất là những bạn có thành tích nổi trội hoặc có năng khiếu, sở thích khác...); lập tài khoản Facebook giả để vu khống, nói xấu bạn bè, đe dọa và đánh nhau hội đồng dẫn đến tình trạng một số học sinh có tâm lý buồn, chán, không muốn đi học, sợ trường, lớp và đã có trường hợp học sinh bị tự kỷ, trầm cảm...

Để ngăn chặn kịp thời các hiện tượng trên, đảm bảo an ninh, an toàn trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, có kiểm tra, đánh giá đối với các quy định về trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường.

Một buổi ngoại khóa về phòng chống bạo lực học đường ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: NTCC

Đồng thời, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật; kiến thức, kỹ năng về thực hành xã hội; giáo dục tình yêu thương con người, quý trọng sức khỏe, sinh mạng; nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ tư vấn tâm lý học đường và công tác xã hội trường học trong việc phòng ngừa và tư vấn, hỗ trợ cho học sinh liên quan đến bạo lực học đường.

Các nhà trường cũng cần tích cực phối hợp với gia đình, phát huy vai trò của gia đình trong quản lý và giáo dục học sinh; hỗ trợ, cung cấp cho cha mẹ học sinh kiến thức, kỹ năng trong việc đồng hành, giáo dục giúp con tiến bộ. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội liên quan tại địa phương, đơn vị cùng hỗ trợ, giúp đỡ và tham gia giáo dục học sinh.

Tiếp tục xây dựng trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện. Thực hiện hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục, bảo đảm các giá trị cốt lõi: nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực trong mối quan hệ của mỗi thành viên trong cơ sở giáo dục đối với người khác, đối với môi trường xung quanh và đối với chính mình.

Phát triển các câu lạc bộ phù hợp với năng khiếu, sở thích, điều kiện và lứa tuổi học sinh. Tăng cường các hoạt động trải nghiệm, trải nghiệm hướng nghiệp, hoạt động thể thao, hoạt động xã hội để hình thành, phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh, đồng thời tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó, sự hiểu biết và chia sẻ lẫn nhau trong học sinh.

Cũng trong văn bản này, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu giáo viên (đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm) trong quá trình giảng dạy, giáo dục cần đảm bảo khách quan, công bằng, không thiên vị; thường xuyên khích lệ, động viên học sinh; tăng cường trao đổi, chia sẻ, gần gũi để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tâm lý của từng em; giải quyết kịp thời và dứt điểm đối với những khó khăn, vướng mắc của học sinh (nếu có).

Buổi tuyên truyền về bạo lực, xâm hại trẻ em ở Trường Tiểu học Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc. Ảnh: NTCC

Các giáo viên cũng cần nhắc nhở, giáo dục học sinh thường xuyên xây dựng và củng cố tình đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, trong cuộc sống; phân công cán bộ lớp giúp đỡ, kèm cặp những học sinh có khó khăn; tuyệt đối không phân biệt, kỳ thị đối với những học sinh có sự khác biệt. Cùng với đó, thường xuyên thông tin hai chiều giữa nhà trường và gia đình học sinh về hoạt động của trường, của lớp; tình hình học tập, rèn luyện, các dấu hiệu bất thường để phối hợp triển khai các biện pháp giáo dục học sinh.

Để hạn chế tình trạng bạo lực học đường, cần phát huy vai trò của cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Đội trong việc phối hợp với giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội, công tác tư vấn tâm lý và công tác xã hội trường học để chủ động nắm bắt diễn biến tâm lý của học sinh, phát hiện những dấu hiệu bất thường, từ đó có biện pháp phối hợp với gia đình học sinh, các thầy cô giáo bộ môn và các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội, các cơ quan chức năng để kịp thời chia sẻ, quan tâm, giúp đỡ các em tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn; phòng ngừa, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực, hành vi bạo lực và các sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Sở cũng yêu cầu đội ngũ cán bộ quản lý nhà giáo cần nâng cao năng lực, phẩm chất, gương mẫu trong đạo đức, lối sống; giữ gìn danh dự, đạo đức nhà giáo, lương tâm nghề nghiệp; tích cực học tập, bồi dưỡng để nâng cao năng lực tư vấn tâm lý, năng lực kiểm soát cảm xúc cá nhân và kỹ năng ứng xử, giải quyết các tình huống sư phạm.

Trong quá trình dạy và học, thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện những vụ việc, thông tin liên quan đến bạo lực học đường, vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nhà giáo để kịp thời chấn chỉnh; có biện pháp phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đảm bảo an ninh an toàn trường học và xây dựng môi trường giáo dục thực sự an toàn, lành mạnh, thân thiện, tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra gây hậu quả nặng nề cho học sinh, gia đình và cộng đồng./.

Mới nhất

x
Ngành Giáo dục Nghệ An tăng cường các giải pháp phòng chống bạo lực học đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO