Ở Việt Nam, hoạt động xuất bản sách đã có từ lâu, thời phong kiến, sách được xuất bản chủ yếu của vua như kim sách (sách vàng), ngân sách (sách bạc) được khắc trên lá vàng, lá bạc, viết trên lụa để tấn phong chức tước hay ghi lại gia phả dòng họ vua… Trong nhân gian, các cuốn sách chủ yếu được viết tay. Ở các triều đại, theo lịch sử để lại, một số vị vua quan tâm tới việc xuất bản, in ấn sách như Lê Thánh Tông, Minh Mạng…
Việc in ấn sách ở nước ta phải kể từ thời Lê sơ (1428-1527) có Lương Như Hộc mở ra nghề in mộc bản nửa sau thế kỷ 15 nhưng chưa phát triển do giấy hiếm. Phải đến thời chúa Trịnh Căn nửa cuối thế kỷ 17 mới học được nghề làm giấy của phương Bắc từ đó có nghề giấy ở phường Yên Thái, Thăng Long nên việc in ấn, xuất bản sách mới phát đạt. Giai thoại làng Nho cho hay thời chúa Trịnh Giang đã cấm hẳn việc mua sách Tàu, việc in, xuất bản Tứ thư, Ngũ kinh đã chủ động bằng giấy của ta.
Khi bước vào thời Pháp thuộc, người Pháp ban hành luật, sắc lệnh như Luật Tự do báo chí 1881, Sắc lệnh 1927,… quy định việc in ấn, bán sách báo nhưng điểm chung là đều kiểm duyệt chặt chẽ. Vào đầu thế kỷ 20, hệ thống nhà in có nhiều ở Sài Gòn như nhà in Phat Toan, nhà in Nguyễn Văn Của; Ở Hà Nội như nhà in Thực Nghiệp Ấn Quán, nhà in Thụy Ký… giúp cho việc xuất bản sách báo trở nên thuận tiện và hướng tới nền công nghiệp với máy móc được nhập từ nước Pháp.
Trải qua các cuộc kháng chiến trường kỳ, Đảng ta rất coi trọng lĩnh vực báo chí, xuất bản. Dấu mốc đầu tiên của nền xuất bản cách mạng là việc biên soạn, in và phát hành cuốn sách Đường Kách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trước những yêu cầu về sách báo của cán bộ và quần chúng, các nhà xuất bản: Sự thật, Lao động, Vệ quốc quân được thành lập; các cơ sở in: Việt Nam Quốc gia ấn thư cục, Tiến bộ, Trần Phú, Cứu quốc, Lao động lần lượt ra đời. Công tác phát hành trước còn riêng lẻ sau được tập trung thành Tổng phát hành sách báo cứu quốc.
Năm 1952, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn mới, nhu cầu về sách báo ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Trong bối cảnh đó, cần có một cơ quan thống nhất điều hành cả ba khâu xuất bản, in, phát hành để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới. Theo đề nghị của Nha Tuyên truyền Văn nghệ, ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia.
Sắc lệnh 122/SL ra đời có ý nghĩa cực kỳ to lớn. Lần đầu tiên từ khi giành được chính quyền, Nhà nước Dân chủ Nhân dân đã thành lập một doanh nghiệp quốc gia đồng thời là cơ quan quản lý ba khâu xuất bản – in và phát hành. Từ đó, ngày 10/10 trở thành Ngày truyền thống của ngành Xuất bản, In, Phát hành sách Việt Nam.
Nghệ An là tỉnh dân số đông, giàu truyền thống văn hoá, nhân dân ham đọc sách cùng với đời sống văn hoá và lịch sử hết sức đa dạng chứa đựng nhiều đề tài xuất bản hấp dẫn, là nguồn tiềm năng phong phú có tác động rất thuận lợi đến sự phát triển của ngành Xuất bản, In, Phát hành.
Tính đến tháng 6 năm 2022, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 02 nhà xuất bản; 16 cơ sở được cấp giấy phép hoạt động in; 25 đơn vị được cấp giấy đăng ký hoạt động ngành in; 04 đơn vị được cấp phép hoạt động phát hành xuất bản phẩm.
Có thể nói một trong những thuận lợi cơ bản và lớn nhất của các doanh nghiệp ngành Xuất bản, In, Phát hành trên địa bàn tỉnh Nghệ An là sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý nhà nước. Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An là một trong rất ít các tỉnh, thành trong cả nước tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2971/QĐ- UBND ngày 13 tháng 7 năm 2010 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Xuất bản, In, Phát hành tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 – 2020 trong đó có danh mục các đề án, dự án trọng điểm nhằm đưa ngành Xuất bản, In, Phát hành nói chung và ngành In nói riêng trở thành trung tâm phát triển của vùng Bắc Trung bộ.
Đặc biệt, Hiệp hội in Nghệ An được thành lập ngày 05/9/2019 theo Quyết định số 3498/QĐ-UBND của UBND tỉnh, là một dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường. Hiệp hội là chỗ dựa của cộng đồng doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp, hội viên hoạt động chủ động, tự tin và hiệu quả hơn trong quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh và theo đuổi các mục tiêu của mỗi doanh nghiệp trong sự hài hòa với các lợi ích khác.
Hoạt động đặt hàng xuất bản phẩm cũng rất sôi nổi và được duy trì, từ năm 2013 đến 2022, Sở TT&TT đã tham mưu đặt hàng được gần 100 đầu sách, số lượng hơn 60.000 bản với rất nhiều đầu sách có giá trị cao như: Lịch sử Đảng bộ Nghệ An, tập 1; Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ Nghệ An (2005 -2015); Nghệ An – những con người tiêu biểu; Nghệ An – những nhạc sĩ và ca khúc tiêu biểu; 05 cuốn Tài liệu giảng dạy Tiếng Thái hệ Lai – Pao; Đánh một tiếng Cồng, Đường đến Truông Bồn huyền thoại; Bàn về Mỹ thuật – Minh họa cho tác phẩm Văn học tranh vui; Văn hóa cổ truyền dân tộc Thổ ở Nghệ An;…
Các hoạt động tổ chức hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21/4 hằng năm triển khai trên địa bàn tỉnh Nghệ An với các chuỗi các hoạt động phong phú, đa dạng. Từ năm 2014 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông cùng với các đơn vị như Nhà xuất bản Nghệ An, các đơn vị phát hành trong tỉnh đã tổ chức trao tặng được gần 30.000 bản sách cho thư viện các trường học có điều kiện khó khăn, đồn biên phòng, trại giam…
Công tác phối hợp trong thanh, kiểm tra đã được triển khai chặt chẽ và có hiệu quả. Đội liên ngành phòng chống in lậu tỉnh Nghệ An được UBND tỉnh thành lập từ năm 2009 do Sở Thông tin và Truyền thông làm cơ quan thường trực với sự tham gia của các ngành Công an, Quản lý thị trường. Hàng năm, Đội đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật đến các cơ sở in, xuất bản, phát hành bằng nhiều hình thức như tổ chức hội nghị, in ấn tài liệu, phổ biến hướng dẫn trực tiếp… Đặc biệt, Đội đã thực hiện hơn 20 cuộc thanh, kiểm tra với gần 100 lượt đối tượng là các cơ sở nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. Trong hơn 10 năm đã thực hiện xử lý vi phạm hành chính nhiều tổ chức, cá nhân thu nộp ngân sách nhà nước hàng trăm triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy hàng nghìn xuất bản phẩm được in, sao, tàng trữ, phát hành trái phép. Các hoạt động của Đội liên ngành trong những năm vừa qua đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý ngành xuất bản, in, phát hành trên địa bàn tỉnh.
Ở lĩnh vực xuất bản:
Gần 42 năm hoạt động, cán bộ, viên chức lao động Nhà xuất bản Nghệ An đã phát huy tinh thần trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo trong công việc, bám sát nội dung công tác và định hướng nhiệm vụ hàng năm để hoàn thành tốt các chỉ tiêu về công tác Xuất bản. Từ năm 1980 – nay, đã xuất bản hơn 70 nghìn đầu sách, với hàng vạn bản được phát hành. Đảm bảo các đầu sách đúng định hướng chính trị, không ngừng nâng cao chất lượng về mặt nội dung và hình thức. Kịp thời loại bỏ hoặc cắt bỏ những chi tiết, bản thảo có tư tưởng lệch lạc, sai trái về tư tưởng chính trị hoặc về giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục,… Trong nhiều năm qua, một số nhà xuất bản đã có nhiều xuất bản phẩm sai phạm cả về nội dung chính trị tư tưởng và học thuật nhưng Nhà Xuất bản Nghệ An luôn được Cục Xuất bản đánh giá cao về chất lượng xuất bản phẩm.
Là đơn vị thực hiện tốt mảng sách đặt hàng hàng năm của UBND tỉnh, đã kịp thời tuyên truyền các đường lối, chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Đảng bộ và chính quyền tỉnh đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, đưa sách phục vụ các vùng sâu vùng xa, vùng miền núi, đặc biệt khó khăn,…
Nhà Xuất bản Đại học Vinh được thành lập năm 2011. Là một đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Trường Đại học Vinh, có chức năng, nhiệm vụ tổ chức xuất bản các tài liệu chính trị, pháp luật về giáo dục; các giáo trình, sách chuyên khảo, tham khảo và các tài liệu học tập khác phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường; sách giáo khoa, sách giáo viên, sách tham khảo dùng cho giáo viên các bậc phổ thông và các ấn phẩm khác phù hợp với tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ và đối tượng phục vụ theo quy định tại Giấy phép thành lập.
Sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển với nhiều khó khăn thách thức, đến nay Nhà xuất bản Đại học Vinh đã khẳng định được uy tín về chất lượng ấn phẩm đã xuất bản, có sức lan tỏa và ảnh hưởng không chỉ trên địa bàn Nghệ – Tĩnh mà còn khắp cả nước. Không chỉ các sách, giáo trình của Trường Đại học Vinh mà còn của các trường đại học khác, như ĐHSP Kỹ thuật Vinh, Đại học Y khoa Vinh,… cũng đã được xuất bản tại Nhà xuất bản Đại học Vinh. Mỗi năm, Nhà xuất bản cho ra đời khoảng 80 xuất bản phẩm (trong đó có 32-35 giáo trình) với khoảng 300.000 bản in, góp phần vào sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo của Trường Đại học Vinh và của tỉnh Nghệ An.
Ở lĩnh vực in:
Các đơn vị in ấn đã nỗ lực để đảm bảo doanh thu giữ mức ổn định, tạo được việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Hiệp hội in đã đi vào hoạt động và tạo ra một sân chơi lành mạnh, có sự kết nối về máy móc thiết bị và khách hàng giữa những đơn vị in tham gia hiệp hội. Các đơn vị in ấn đã nỗ lực để đảm bảo doanh thu giữ mức ổn định, tạo được việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Xuất bản phẩm ngày càng được nâng cao cả về chất và lượng, doanh thu hằng năm của các đơn vị in đạt và vượt kế hoạch đề ra, tiêu biểu có Công ty TNHH MTV In báo Nghệ An, Công ty TNHH một thành viên In tem Bưu điện – Chi nhánh Nghệ An,… doanh thu hằng năm đều trên 30 tỷ đồng. Nhiều đơn vị in trẻ như Công ty In Âu Việt, Công ty TNHH in Phát hành sách Nghệ An… với sự điều hành và đam mê với nghề cũng đã góp phần rất lớn vào sự phát triển chung, với doanh thu trung bình trên 15 tỷ đồng hằng năm.
Ở lĩnh vực phát hành:
Các công ty phát hành sách đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành kế hoạch năm, triển khai các hoạt động thiết thực góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ kinh doanh của đơn vị như tổ chức nhiều đợt phát hành sách phục vụ các ngày thành lập Đảng (3/2), ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6), ngày khai giảng năm học mới (5/9),… Nhịp độ tăng trưởng của công tác phát hành xuất bản phẩm cũng đã gia tăng đáng kể với việc đổi mới hình thức kinh doanh, mặt hàng sản phẩm đa dạng, chất lượng cao đã đáp ứng nhu cầu của người dân và bạn đọc trong tỉnh. Đóng góp vào các hoạt động thiện nguyện, cùng Sở TT&TT tham gia các chương trình tặng sách… tiêu biểu như Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Nghệ An hiện có doanh thu hằng năm đạt trên 100 tỷ đồng; các công ty phát hành trẻ như Công ty CP Sách Alpha… cũng đã và đang nỗ lực không ngừng để đẩy mạnh doanh thu và đem tri thức đến gần hơn với bạn đọc với các hình thức triển lãm sách…
Với xu thế hiện nay, khi cả nước đang dịch chuyển dần tiến tới chuyển đổi số trên các lĩnh vực thì chuyển đổi số của ngành Xuất bản cũng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, nhằm đưa xuất bản điện tử thành mũi nhọn phát triển. Chuyển đổi số có thể mang đến những thay đổi ngày càng rõ nét trong các khâu xuất bản, truyền thông, phát hành nhằm xóa nhòa mọi giới hạn, ranh giới về không gian, thời gian, mở ra một bước ngoặt mới về tốc độ chia sẻ và lan tỏa. Những công đoạn của xuất bản truyền thống sẽ được giảm đi rất nhiều để tác phẩm đến được tay nhiều độc giả nhất trong thời gian nhanh nhất. Chuỗi quá trình, từ sáng tạo tác phẩm đến khi được phát hành đến bạn đọc, có thể được điều chỉnh phù hợp với nhiều mô hình kinh doanh khác nhau như xây dựng nền tảng số xuất bản và phát hành sách điện tử dùng chung; xây dựng mạng kết nối các nhà xuất bản; xây dựng cơ sở dữ liệu và website về mã số ISBN của Việt Nam; xây dựng hệ thống nhận xuất bản phẩm lưu chiểu điện tử.
Có thể nói hoạt động của ngành xuất bản, in, phát hành đã góp một phần vào sự phát triển chung của ngành kinh tế và quan trọng hơn cả là góp phần không nhỏ vào việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị tinh thần và truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung và tỉnh nhà nói riêng. Trong vòng xoáy của cơ chế thị trường, trong sự khốc liệt của những toan tính, cạnh tranh, hy vọng ngành Xuất bản, In, Phát hành sẽ “Vững bước trên con đường mình đã chọn” như một sự quyết tâm vì sự phát triển chung của ngành Xuất bản, In, Phát hành trong thời kỳ đổi mới./.