Ngày này năm xưa 6/10: Các sự kiện lịch sử nổi bật trong ngày 6/10
Ngày này năm xưa 6/10. Các sự kiện nổi bật nhất diễn ra vào ngày 6/10, từ những sự kiện lịch sử chính trị đến những sự kiện văn hóa và xã hội.
Sự kiện trong nước diễn ra trong ngày 6/10
Ngày 6/10/1292: Ngày sinh nhà giáo, nhà thơ Chu Văn An. Chu Văn An, Hàn Thuyên, và Nguyễn Sĩ Cố là những người đầu tiên dùng chữ Nôm để sáng tác văn học. Sau khi mất, ông được đưa vào thờ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Ngày 6/10/1907: Ngày sinh Thế Lữ, người sớm có mặt trong Tự lực văn đoàn và nổi tiếng với bài thơ Nhớ rừng. Ông cũng là một trong những người mở đầu phong trào Thơ mới 1930-1945. Trong kháng chiến chống Pháp, ông phụ trách Đoàn kịch Chiến Thắng của quân đội.
Ngày 6/10/1955: Ngày mất Trần Đăng Ninh, nhà hoạt động cách mạng và quân sự, chủ nhiệm đầu tiên của Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần) Quân đội nhân dân Việt Nam (1950-1955).
Ngày 6/10/1984: Hội đồng Nhà nước tặng thưởng thủ đô Hà Nội Huân chương Sao Vàng, tặng thưởng lực lượng vũ trang Thủ đô Huân chương Hồ Chí Minh, tặng thưởng lực lượng công an nhân dân Thủ đô Huân chương Hồ Chí Minh.
Ngày 6/10/2021: Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem “Kỷ niệm 50 năm Cuộc thi viết thư quốc tế UPU (1971-2021)”.
Ngày 6/10/1969: Công ty Điện lực (tiền thân của Tổng công ty Điện lực miền Bắc - EVNNPC) được thành lập theo Quyết định số 106/QĐ-TC của Bộ trưởng Bộ Điện và Than.
Sự kiện quốc tế diễn ra trong ngày 6/10
Ngày 6/10/1977: Mẫu thử nghiệm của dòng máy bay tiêm kích phản lực thế hệ thứ tư Mikoyan MiG-29 của Liên Xô/Nga tiến hành chuyến bay đầu tiên.
Ngày 6/10/1981: Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat bị ám sát.
Ngày 6/10/1981: Ai Cập tổ chức diễu binh ở Cairo kỷ niệm 8 năm sự kiện quân đội Ai Cập vượt qua kênh đào Suez trong chiến dịch Badr.
Ngày 6/10/1995: Hai nhà thiên văn người Thụy Sĩ Michel Mayor và Didier Queloz công bố đã phát hiện hành tinh giống Sao Mộc được đặt tên là 51 Pegasi b - hành tinh đầu tiên ngoài hệ mặt trời được chứng minh là có quỹ đạo quay quanh một ngôi sao cùng loại với mặt trời. Với phát hiện này, họ đã giành giải Nobel Vật lý năm 2019.
Ngày 6/10/2007: Nhà thám hiểm người Anh Jason Lewis kết thúc hành trình vòng quanh thế giới dài 13 năm sau khi quay lại điểm xuất phát ở Greenwich (Anh). Điều đáng nói là Lewis không sử dụng bất cứ phương tiện giao thông hiện đại nào mà chỉ sử dụng sức người trong suốt hành trình như: đạp xe, chèo thuyền, đi bộ.
Ngày 6/10/2021: Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển công bố Giải Nobel Hóa học 2021. Theo AP, Giải Nobel Hóa học 2021 được trao cho nhà khoa học Benjamin List của Viện Max Planck (Đức) và nhà khoa học David W.C. MacMillan của Đại học Princeton (Mỹ) với công trình khoa học nghiên cứu phát triển xúc tác hữu cơ bất đối xứng.