Nghệ An: 11 tháng ước đạt trên 271 triệu USD kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản Nghệ An đạt

28/11/2017 18:31

(Baonghean.vn) - Chiều 28/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Nghệ An tổ chức hội thảo Giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ và xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Các đại biểu chủ trì hội thảo. Ảnh: Quang An
Tham dự hội thảo có T.S Nguyễn Quốc Toản - Phó Cục trưởng Thường trực Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VCCI Nghệ An và hơn 70 đại biểu đến từ các huyện, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản tại Nghệ An. Ảnh: Quang An

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe tổng quan về các lợi thế, tiềm năng của Nghệ An trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Theo báo cáo của Sở Công thương, trong 11 tháng đầu năm 2017, với sự tham gia xuất khẩu của 35 doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông lâm thủy sản tỉnh Nghệ An ước đạt 271,35 triệu USD, gấp 2,07 lần so với kim ngạch cùng kỳ 2016, chiếm 45,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa….

Mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu khá phong phú, đa dạng với hơn 15 mặt hàng/nhóm mặt hàng, bao gồm: Hoa quả tươi và hoa quả chế biến, dăm gỗ, nhóm nhựa thông, tinh dầu thông và tùng hương, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, gạo, chè, cà phê, tinh bột sắn, hạt tiêu, hàng thủy sản,...

Đáng chú ý hơn cả là xuất khẩu nhóm hàng hoa quả tươi và hoa quả chế biến đạt 128,09 triệu USD, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2016.

T.S Nguyễn Quốc Toản - Phó Cục trưởng thường trực Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
T.S Nguyễn Quốc Toản - Phó Cục trưởng thường trực Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Quang An

Tuy nhiên trên thực tế, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Nghệ An còn tồn tại nhiều hạn chế. Nhiều cơ sở chế biến nông sản còn hoạt động dưới hình thức thủ công truyền thống. Các sản phẩm đa số có giá trị kinh tế thấp, chưa tạo dựng được thương hiệu riêng, dẫn đến khả năng cạnh tranh trên thị trường chưa cao. Đa phần là hàng sơ chế, số lượng sản phẩm công nghiệp chế biến tinh có giá thị lớn còn ít.

Việc xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản hiện nay đang gặp nhiều vướng mắc: Có những sản phẩm, vùng nguyên liệu dồi dào lại gặp khó khăn do công tác chế biến, tìm đầu ra cho sản phẩm. Còn với các sản phẩm có thị trường tiêu thụ thì vùng nguyên liệu không đáp ứng, quy mô hàng hóa nhỏ, giá thành cao. Bên cạnh đó rất nhiều mặt hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp vẫn còn phụ thuộc vào nguồn hàng của các tỉnh lân cận và thị trường ngoài nước như: Dăm gỗ, tinh bột sắn, cao su, gạo tẻ, nguyên liệu chanh leo, sản phẩm gỗ ...

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Quang An
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Quang An

Tại hội thảo, các doanh nghiệp đã nêu những khó khăn và thỏa luận phương pháp tháo gỡ. Đại diện công ty TNHH Đức Phong chia sẻ về những khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng mây tre đan và thủ công mỹ nghệ. Nguyên liệu mây tre đan hiện đang dần khan hiếm trên địa bàn tỉnh, giá thành nhập vào đắt, thị trường cạnh tranh khốc liệt, thiết kê sản phẩm so với nước bạn còn hạn chế...

Để tồn tại, công ty đã chọn hướng đi riêng, đó là sản xuất sản phẩm đặc thù, riêng biệt, không chạy theo dòng sản phẩm đã có trên thị trường. Bên cạnh đó tích cực tham gia các hội chợ quốc tế để biết được xu hướng sản xuất các mặt hàng cho những năm tiếp theo.

Đại diện công ty TNHH chế biến phụ phẩm thủy sản Xuri Việt Trung thì cho rằng bột cá Việt Nam xuất sang Trung Quốc phải đạt 5 tiêu chuẩn mà bộ Nông nghiệp của Trung Quốc quy định, nên đó là một thách thức không nhỏ cho các công ty chế biến thủy sản vì quy trình kiểm tra khắt khe và rào cản kỹ thuật ngặt nghèo. Bên cạnh đó, các nhà máy sản xuất và xuất khẩu theo hướng tiểu ngạch đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tiêu thụ của các công đi xuất khẩu chính ngạch..

Công ty TNHH MTV Quốc tế Nafoods chia sẻ: các doanh nghiệp cần tập trung phát triển các sản phẩm đặc thù và phát triển theo chuỗi giá trị.

Chanh leo trồng tại Nghệ An mang lại hiệu quả kinh tế cao và có thị trường tiêu thụ mạnh trong và ngoài nước. Ảnh: Quang An
Chanh leo trồng tại Nghệ An mang lại hiệu quả kinh tế cao và có thị trường tiêu thụ mạnh trong và ngoài nước. Ảnh: Quang An

T.S Nguyễn Quốc Toản - Phó Cục trưởng Thường trực Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đại biểu đại diện sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra định hướng và giải pháp cho vấn đề phát triển thị trường tiêu thụ và xuất khẩu nông lâm thủy sản như: Ưu tiên các chính sách tín dụng, thúc đẩy đầu tư cho nông nghiệp, đặc biệt là các đặc sản địa phương, vùng miền; hỗ trợ nhằm phát huy tiềm lực về đất đai, tài chính, khoa học kỹ thuật, thúc đẩy sự liên kết giữa các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân.

Tăng cường các chính sách tích tụ ruộng đất, tạo vùng chuyên canh hàng hóa. Tăng hiệu quả liên kết vùng. Hỗ trợ công tác nghiên cứu, khảo nghiệm, thiết lập hệ thống cung ứng giống, vật tư đầu vào đến truy xuất nguồn gốc. Phát triển hệ thống xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm có thương hiệu. Tích cực tuyên truyền bà con tham gia các hội, hiệp hội, làng nghề,.... Đầu tư nghiên cứu, dự báo thị trường nhằm tìm đầu ra cho nông sản.

Quang An

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nghệ An: 11 tháng ước đạt trên 271 triệu USD kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản Nghệ An đạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO