Tâm sự của lính cứu hỏa: Khi sự sống, cái chết chỉ cách nhau tích tắc

Diệp Thanh 09/08/2022 10:57

(Baonghean.vn) - Trong số những người lính cứu hoả của đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ số 1 (Phòng PC 07), Thượng uý Hồ Đình Khánh (sinh năm 1992) và Thượng uý Nguyễn Đức Tuấn (sinh năm 1993) được đánh giá là 2 chiến sỹ thiện chiến, xông pha, dày dặn kinh nghiệm. Chuyện nghề của Khánh và Tuấn đầy rủi ro, nguy hiểm, những cảm xúc khó gọi tên và cả niềm hạnh phúc chỉ những người hùng mới cảm nhận được.

Lựa chọn hiểm nguy

Cả Khánh và Tuấn bước chân vào nghề như một lựa chọn tình cờ. Nếu như Tuấn "bén duyên" từ nghĩa vụ công an và có 11 năm gắn bó với ngành từ khi rời ghế nhà trường, thì Khánh lại được điều động sang nhận nhiệm này vụ cách đây 7 năm. Trong vai trò chiến sỹ cảnh sát phòng cháy chữa cháy, họ đã cùng nhau vượt qua những khoảnh khắc sinh - tử, được đánh giá là những gương mặt thiện chiến, sẵn sàng hy sinh, cống hiến và có nhiều thành tích trong nhiệm vụ chuyên môn.

Thượng uý Hồ Đình Khánh (trái) và Thượng uý Nguyễn Đức Tuấn (phải) từng đạt nhiều thành tích cao trong nhiệm vụ chuyên môn. Ảnh: NVCC

Gặp Khánh và Tuấn sau buổi diễn tập, tôi có thể hình dung sự vất vả mà cả 2 vừa trải qua trên khuôn mặt đỏ gay vì nắng, mồ hôi ướt đẫm bộ quần áo bảo hộ. Dù những kỳ huấn luyện, những buổi diễn tập có căng thẳng, vất vả đến thế nào thì cũng không thể so với sự khắc nghiệt, hiểm nguy của những tình huống thực tế - những câu chuyện ít người chứng kiến và ít khi được những người lính cứu hoả kể.

Vì chẳng ai dại dột lao vào một đám cháy nên sẽ rất ít người hình dung ra bên trong đó – nơi những người lính cứu hoả liều mình làm nhiệm vụ, sẽ như thế nào. “Những đám cháy dân sự trong các toà nhà thường có rất nhiều khói đen, lấp đầy không gian theo 2 hướng (từ dưới lên và từ trên xuống), khói đặc đến mức không thể nhìn thấy gì, mùi vật liệu cháy nồng nặc, bụi tro bám thành lớp dày trên nền nhà đến mức phải bò mới có thể không trượt ngã, bụi có thể nhiều đến mức tối hôm đó về chúng tôi có thể sẽ đau họng, vài ngày sau vẫn ho ra những gợn đen. Bình dưỡng khí đủ để thở 15 phút trong điều kiện bình thường. Nhưng trong điều kiện làm việc của lính cứu hoả, có khi lượng khí trong bình chỉ dùng được từ 5-10 phút, thường xuyên trao đổi với nhau bằng kí hiệu, mọi thao tác phải nhanh chóng, tính toán chính xác để tiết kiệm thời gian, bởi sự sống, cái chết chỉ cách nhau trong tích tắc…” - Tuấn bắt đầu câu chuyện nghề của mình với những gì chung nhất.

Những người lính cứu hoả khống chế một vụ cháy lớn. Ảnh: ĐVCC

Không như lý thuyết, không như diễn tập, trên thực tế, không có vụ cháy nào giống vụ cháy nào nên người lính cứu hoả vừa cần vững chuyên môn, vừa phải giỏi ứng biến, xử lý. Chia sẻ về một tình huống đáng sợ từng trải qua, Nguyễn Đức Tuấn kể về lần dập lửa trong vụ cháy quán bar trên đường Lý Thường Kiệt (thành phố Vinh). Được phân công vào nhóm trinh sát, Tuấn cùng 1 đồng nghiệp lên tầng 2 của toà nhà khi đám lửa đã được khống chế tương đối. Tuấn nhớ lại: “Độ dày của mặt sàn tầng 2 rất mỏng, phần ốp phía dưới làm bằng các vật liệu dễ cháy đã bị thiêu rụi. Trước khi quyết định bước chân lên, chúng tôi cũng đã dẫm thử độ chắc của sàn rồi nhưng đi giữa chừng thì mặt sàn vẫn bị bục ra và sập xuống một cách bất ngờ. Theo phản xạ, 2 anh em dang tay ra và may mắn bám được vào xà ngang nên không bị rơi xuống. Từ độ cao 4m so với mặt đất, phía dưới lại ngổn ngang những bàn ghế cháy đen, trơ khung thép, nếu bị rơi thì chắc chắn sẽ bị thương nặng”.

Đội Phòng cháy chữa cháy - Cứu nạn cứu hộ số 1 (Công an thành phố Vinh) dập lửa trong một đám cháy dân sự. Ảnh: ĐVCC

Còn với Hồ Đình Khánh, trong những vụ cháy đáng nhớ nhất, phải kể đến vụ ở Chung cư Tân Thịnh (thành phố Vinh). “Vụ cháy được phát hiện lúc 4 giờ sáng, có nguyên nhân từ chập điện, bắt nguồn từ phòng điện ở tầng 6 nhưng khói đen đã bay lên kín các tầng trên. Sau khi giải cứu các nhà ở tầng 6, 7, xác định còn 1 gia đình đang mắc kẹt ở tầng 13, tôi quấn một khăn tắm ướt quanh đầu và nhận nhiệm vụ đưa những người này xuống. Trong nhà có 2 ông bà, 1 người mẹ và 2 trẻ nhỏ. Người mẹ bế 1 bé, tôi bế một bé rồi dẫn cả nhà men theo cầu thang bộ đi xuống. Đến tầng 9, người mẹ đuối sức nên tôi bế cả 2 bé. Giữa đường, chiếc khăn bị tuột ra nhưng tôi không thể dừng lại để sửa nên khói, bụi, hơi nóng cứ thế xộc thẳng vào mũi. Khi ra đến sảnh chung cư, giao 2 bé an toàn cũng là lúc tôi kiệt sức hoàn toàn, không biết gì nữa” – Khánh kể. Anh bất tỉnh và được đưa đi cấp cứu ngay sau đó.

Nếu những đám cháy dân sự là muôn hình vạn trạng thì sự vất vả khi dập lửa cháy rừng dễ hình dung hơn nhiều. Đối mặt với những ngọn lửa khổng lồ vần vũ trong nhiều giờ đồng hồ, thậm chí trong nhiều ngày trời, lính cứu hoả chỉ có thể trang bị cho mình những bảo hộ đơn giản nhất.

Tuấn chia sẻ: “Điều đáng sợ nhất khi dập cháy rừng là gió đổi hướng. Rất nhiều trường hợp người dân bị lửa táp vào người khi gió đột ngột thổi lửa theo hướng ngược lại. Ngoài ra, dập cháy rừng thường rất mất sức vì làm việc lâu trong điều kiện khắc nghiệt, địa hình phức tạp, các đám cháy lại diễn ra với mật độ dày trong mùa nắng nóng. Có những ngày chúng tôi xử lý đến 15 đám cháy, mệt đến mức nghe thấy chuông điện thoại là anh em lại rùng mình, chữa cháy xong là nằm lăn ra đất, không đứng lên nổi”.

Dập lửa một đám cháy rừng tại Hưng Nguyên. Ảnh tư liệu: Trọng Kiên

Sự vất vả, gian khổ trên từng được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông, nhưng có lẽ không nhiều người biết chuyện uống nước vũng, nước sông trong quá trình dập lửa của những người lính cứu hoả.

Khánh giải thích: “Nước dập lửa trong xe cứu hoả là nước máy, nhưng khi hết nước, xe sẽ lấy nước từ bất cứ nguồn nào gần nhất, kể cả nước mương, nước ao, hồ... Trong nhiều trường hợp, khi mất nước, khát nước mà không được tiếp tế, nguồn nước đó cũng chính là nước uống của chúng tôi. Lúc đó không nghĩ gì đến chuyện sạch, bẩn đâu, uống để không chết khát cái đã”. Nói đoạn, Khánh vỗ vai người đồng nghiệp, hài hước liệt kê những con sông mà 2 anh em từng “thẩm vị”.

Nỗi ám ảnh, sự thanh thản và niềm tự hào

Khi được hỏi về nỗi ám ảnh của nghề, cả Khánh và Tuấn đều chùng lại. Với họ, nỗi ám ảnh là một phần công việc, một phần luôn hiện hữu - một phần rất buồn.

“Ám ảnh về những cái chết” - Tuấn trả lời.

Dừng một lúc, anh tiếp: “Thời gian đầu, những người mới vào nghề sẽ bị ám ảnh về những gì mình chứng kiến, đến mức có thể mất ngủ suốt đêm. Sau một thời gian làm nghề, nỗi ám ảnh về hình ảnh sẽ hết. Nhưng những ám ảnh về sự mất mát, đau thương, bi kịch thì không, mỗi lần lại là một câu chuyện, một nỗi đau khác nhau”.

Dù đã nhiều năm làm nghề, những người lính cứu hoả như Tuấn và Khánh vẫn sẽ không bao giờ quen được với cảm giác tim mình thắt lại khi chạm được vào nạn nhân nhưng da họ đã lạnh toát, không quen được cảnh tượng những bộ xương của một gia đình nhỏ xếp cạnh nhau trên một chiếc giường, không quen được với nỗi đau nhìn thấy một em bé còn chưa kịp chào đời…

Hiện trường một vụ cháy nghiêm trọng tại TP. Vinh, sau khi được dập tắt. Ảnh tư liệu: Nam Phúc

Chính những ám ảnh đó là lý do để mỗi lần nhận nhiệm vụ, cả 2 luôn nỗ lực, xông pha với cùng một quyết tâm. “Lúc lao vào lửa, chúng tôi chỉ nghĩ 1 mục tiêu là làm sao để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Mục tiêu đó như mệnh lệnh từ bên trong bản thân mình, hoàn thành thì chúng tôi mới cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản” – Khánh nói.

Bản thân nỗ lực nhưng không phải lúc nào những người lính như Khánh và Tuấn cũng được ghi nhận xứng đáng. “Chúng tôi có 90 giây kể từ khi nhận được tin báo cháy đến khi xe ra khỏi cổng đơn vị. Mọi tư trang, dụng cụ phải luôn ở trong trạng thái sẵn sàng. Trong ca trực, trang phục bảo hộ luôn được mặc sẵn trên người. Tuy nhiên, giao thông ở Vinh vào giờ tan tầm cũng rất đông và phức tạp nên việc di chuyển không phải lúc nào cũng nhanh được, nếu chẳng may đến chậm thì sẽ bị trách móc. Bên cạnh đó, trong một số tình huống, nhận định khu vực trung tâm đã cháy hết, không thể cứu chữa, chúng tôi tập trung khoanh vùng, xịt nước xung quanh thì cũng bị người dân hiểu nhầm” - Tuấn chia sẻ.

Niềm vui khi đám cháy được dập tắt. Ảnh: NVCC

Hẳn vì đã có cho mình một mục tiêu cụ thể, một mệnh lệnh tối cao từ bên trong nên Tuấn và Khánh nhắc chuyện bị hiểu nhầm một cách nhẹ tênh, y như cái cách nói về niềm vui được người dân viết thư cảm ơn, tặng quà, niềm vui khi được sống trong một tập thể anh em đoàn kết, gắn bó với nhau…

“Trải qua nhiều nguy hiểm như vậy, nếu được lựa chọn, Khánh và Tuấn có chọn trở thành một người lính cứu hỏa nữa không?” – tôi hỏi. “Chúng tôi vẫn sẽ là những người lính cứu hoả và nguyện làm công việc này cho đến khi sức khoẻ còn cho phép. Bởi, cảm giác cứu sống một mạng người, dập tắt một đám cháy nguy hiểm là cảm giác vô cùng hạnh phúc, nó xứng đáng để chúng tôi đánh đổi và đối mặt với những hiểm nguy” – Khánh giãi bày trong sự đồng tình của Tuấn.

Còn tôi, tôi cho rằng những chiến sỹ ấy đã sinh ra với sứ mệnh của những người hùng.

Mới nhất

x
Tâm sự của lính cứu hỏa: Khi sự sống, cái chết chỉ cách nhau tích tắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO