Nghệ An bố trí gần 2.000 tỷ đồng thực hiện các cơ chế, chính sách đầu tư phát triển
(Baonghean.vn) - Báo cáo kết quả giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết về cơ chế, chính sách, HĐND tỉnh đã làm rõ sự quan tâm của cử tri về nguồn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng được UBND tỉnh bố trí từ năm 2021 đến nay.
Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu được nghe Thường trực HĐND tỉnh, đồng chí Cao Tiến Trung - Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về việc thực hiện các nghị quyết được ban hành từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay liên quan đến cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Bố trí hơn 1.974,5 tỷ đồng thực hiện các chính sách do HĐND tỉnh ban hành
Theo Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 25 nghị quyết về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Trong phạm vi giám sát, Thường trực HĐND tỉnh đã lựa chọn 11 nghị quyết, gồm 6 nghị quyết lĩnh vực kinh tế - ngân sách và 5 nghị quyết lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Thông qua giám sát 11 nghị quyết cho thấy, UBND tỉnh và các sở, ngành cấp tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến, gắn với bố trí kinh phí để đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Kết quả bố trí ngân sách 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) trong 3 năm (2021 – 2023), với tổng hơn 1.974,5 tỷ đồng; trong đó, kết quả thực hiện là 1.602 tỷ đồng.
Việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách do HĐND tỉnh ban hành đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được thụ hưởng giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; đồng thời, nâng cao hiệu quả giá trị sản xuất, thúc đẩy phát triển; góp phần thực hiện các mục tiêu Đại hội Đảng bộ các cấp, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Điển hình là chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương: Đô Lương, TX.Thái Hòa, TX. Cửa Lò…
Làm rõ 3 tồn tại, hạn chế
Bên cạnh kết quả, báo cáo cũng làm rõ 3 vấn đề tồn tại, hạn chế.
Theo đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách hiệu quả chưa cao. Bằng chứng là nhiều người dân, doanh nghiệp, các đối tượng thụ hưởng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa nắm bắt hoặc nắm bắt không kịp thời, đầy đủ các cơ chế, chính sách do HĐND tỉnh bàn hành. Có một số địa phương chưa chỉ đạo triển khai thực hiện hoặc triển khai chậm, tỷ lệ giải ngân thấp.
Việc lập dự toán, bố trí, cấp phát kinh phí có những bất cập. Một số địa phương, đơn vị đăng ký, tổng hợp, lập dự toán chậm so với kế hoạch; không sát với nhu cầu thực tế, thừa - thiếu cục bộ, có chính sách có nhu cầu nhưng kinh phí cấp không đáp ứng, hoặc có chính sách được cấp kinh phí nhưng thực tế không có nhu cầu.
Một số chính sách được bố trí nguồn kinh phí lớn, nhưng kết quả thực hiện manh mún, nhỏ lẻ, đạt tỷ lệ thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra… Trình tự, thủ tục thực hiện thanh, quyết toán một số chính sách chưa thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Công tác theo dõi, đôn đốc, rà soát, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết chưa thường xuyên và chưa kịp thời; thiếu sự phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện. Một số sở, ngành chậm tham mưu, hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh.
Kiến nghị nhiều vấn đề
Trên cơ sở những hạn chế, tồn tại, Thường trực HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh căn cứ Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn, thời kỳ để xây dựng hệ thống các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tập trung nguồn lực, có trọng tâm, trọng điểm, tránh manh mún, dàn trải, có tính khả thi cao, có khả năng kích cầu đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.
Đồng thời với đó, rà soát để bãi bỏ các chính sách không còn phù hợp, manh mún, ít đối tượng thụ hưởng, kém hiệu quả, phạm vi tác động hẹp.
Thường trực HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh tăng cường lãnh đạo chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả; nhất là các chính sách chưa thực hiện hoặc thực hiện chậm và các chính sách ban hành sau năm 2023 cho đến hết nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Bên cạnh đó, chỉ đạo rà soát, ban hành các văn bản hướng dẫn, hoặc phối hợp ban hành các hướng dẫn liên ngành để triển khai thực hiện; thường xuyên chỉ đạo theo dõi để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện các chính sách. Phân công thống nhất các cơ quan đầu mối, chủ trì theo dõi, tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết thuộc lĩnh vực phụ trách; phân cấp, chuyển đầu mối thực hiện một số cơ chế, chính sách từ các sở, ngành về cho các địa phương quản lý.
Chú trọng nâng cao chất lượng lập dự toán kịp thời, sát với nhu cầu thực tế của địa phương, đơn vị; việc bố trí nguồn lực thực hiện chính sách cần đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đáp ứng mục tiêu, định hướng khi xây dựng, ban hành chính sách. Tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chính sách ở cấp cơ sở, nhất là công tác lập, lưu trữ hồ sơ thanh, quyết toán ở cơ sở.