Nghệ An bội chi hơn 1.000 tỷ đồng quỹ bảo hiểm y tế

09/10/2017 17:59

(Baonghean.vn) - Tính đến cuối tháng 8, quỹ bảo hiểm y tế đã bội chi 1.020 tỷ đồng. Trong khi đó, ngành bảo hiểm và ngành y tế vẫn tiếp tục có những ý kiến khúc mắc khiến người bệnh lo âu.

Đây là nội dung trọng tâm được thảo luận tại buổi làm việc giữa đoàn ĐBQH tỉnh với BHXH Nghệ An chiều 9/10, về việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội khoá XIII về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Phước Anh
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Phước Anh

Tham dự buổi làm việc có Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Công an tỉnh; Nguyễn Thanh Hiền - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Văn Mão - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo BHXH tỉnh Nghệ An và các phòng, ban chuyên môn.

Bội chi quỹ BHYT 1.020 tỷ đồng

Theo báo cáo của BHXH tỉnh, tính đến ngày 31/8/2017, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 84,5%, cao hơn tỷ lệ chung của cả nước là 82,6%.

8 tháng đầu năm 2017, cân đối quỹ khám chữa bệnh BHYT, toàn tỉnh vượt 1.020 tỷ đồng. Nghệ An là tỉnh có số bội chi quỹ BHYT tuyệt đối cao nhất so với các tỉnh trong cả nước.

Ông Lê Trường Giang - Giám đốc BHXH tỉnh nói: “Nếu so với dự toán chi được giao năm 2017 thì Nghệ An đã sử dụng 119% tổng dự toán của cả năm và không thể đảm bảo thực hiện dự toán giao năm 2017. Đây là điều đáng báo động vì có thể những tháng đầu năm luôn có số chi nhỏ hơn những tháng cuối năm”.

Phân tích nguyên nhân bội chi quỹ BHYT, người đứng đầu ngành BHXH tỉnh nhà chỉ rõ 3 vấn đề chính: do thay đổi chính sách, do tăng số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh, do chi phí điều trị ngoại trú, nội trú cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Ông Lê Trường Giang - Giám đốc BHXH tỉnh phân tích nguyên nhân bội chi quỹ BHYT. Ảnh: Phước Anh
Ông Lê Trường Giang - Giám đốc BHXH tỉnh phân tích nguyên nhân bội chi quỹ BHYT. Ảnh: Phước Anh

Cụ thể, từ ngày 1/1/2017, các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An được điều chỉnh giá dịch vụ kỹ thuật theo Công văn của Bộ Y tế, bao gồm cả phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, tiền trực và lương của nhân viên y tế, do vậy chi phí khám chữa bệnh BHYT gia tăng 450 tỷ đồng. Mặt khác, tác động chính sách khám chữa bệnh BHYT thông tuyến toàn tỉnh khiến số lượng bệnh nhân đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện trong toàn tỉnh gia tăng rất lớn…

Ông Lê Trường Giang chỉ rõ, bệnh nhân đến khám chữa bệnh gia tăng nhưng việc đánh giá, phân loại bệnh nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh chưa thực hiện đúng theo quy chế của Bộ Y tế, có nhiều bệnh viện có biểu hiện thu hút bệnh nhân đến bằng nhiều hình thức khác nhau.

Bên cạnh đó, 8 tháng đầu năm 2017, tổng số chi khám chữa bệnh BHYT ngoại trú tăng 23% (tương ứng 138 tỷ đồng), tổng chi phí nội trú tăng 44% (tương ứng 440 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2016.

Thiệt thòi nhất là người bệnh

Lắng nghe các ý kiến của đại diện BHXH tỉnh tại buổi làm việc, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Công an tỉnh đặt vấn đề: “Trong mối quan hệ “tay ba”: BHXH - Y tế - người bệnh thì rõ ràng người bệnh đang chịu thiệt thòi nhất. Ngành BHXH và ngành Y tế có những lý giải khác nhau để đảm bảo cho sự phát triển ổn định của ngành mình. Với tư cách là đại biểu dân cử, chúng tôi quan tâm nhất là quyền lợi của người dân”.

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu đề nghị BHXH tỉnh làm rõ, tiêu chí và phương thức hoạt động của giám định viên BHYT là như thế nào?; Định mức giá của các dịch vụ khám chữa bệnh BHYT là do ai đặt ra?; Những khúc mắc giữa ngành BHXH và ngành Y tế có cần cơ quan độc lập để hạ hồi phân giải hay không?

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu nêu một số vấn đề yêu cầu lãnh đạo ngành BHXH tỉnh lý giải. Ảnh: Phước Anh
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu nêu một số vấn đề yêu cầu lãnh đạo ngành BHXH tỉnh lý giải. Ảnh: Phước Anh

Ông Lê Trường Giang - Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, hiện ngành BHXH tỉnh Nghệ An có 33 giám định viên, tiêu chuẩn và phương thức hoạt động theo quy chế ngành đặt ra. Tính đến ngày 31/8/2017, toàn tỉnh có 59 cơ sở khám chữa bệnh, như vậy, trung bình mỗi giám định viên đang phải phụ trách công tác giám định khoảng 2 cơ sở khám chữa bệnh. Hiện nay, việc áp dụng công nghệ thông tin đã phần nào giảm gánh nặng cho công tác giám định.

Về vấn đề định mức, ông Lê Trường Giang cho biết, ngành BHXH dựa trên định mức quy định tại Quyết định 3955/QĐ-BYT định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ KCB theo Thông tư 37/2015/TT-BYT và Quyết định 3959/QĐ-BYT 2015 định mức nhân lực thời gian xây dựng giá dịch vụ KCB.

Thời gian qua, BHXH tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT. Theo đó, đã thảo luận, thương thảo ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn tỉnh để tăng cường công tác quản lý quỹ; ứng dụng CNTT để kiểm soát chi phí khám chữa bệnh; điều động cán bộ các phòng nghiệp vụ tăng cường cho công tác giám định; tăng cường thanh, kiểm tra, kiên quyết từ chối thanh toán chi phí không đúng quy trình…

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền kết luận buổi làm việc. Ảnh: Phước Anh
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền kết luận buổi làm việc. Ảnh: Phước Anh

Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Hiền - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định tính nhân văn của chính sách BHYT; đồng thời ghi nhận những nỗ lực của ngành BHXH tỉnh Nghệ An trong công tác thực hiện chính sách.

Với những khó khăn, vướng mắc và hạn chế, tồn tại được phân tích trong buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Hiền yêu cầu ngành quan tâm hơn nữa trong công tác tuyên truyền; tiếp tục nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ giám định viên; nhanh nhạy hơn trong dự báo tình hình phát triển quỹ BHYT và kịp thời có những đề xuất, giải pháp giải quyết.

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác phối hợp với ngành Y tế, gắn liền với hoạt động thanh, kiểm tra thường xuyên, sâu rộng. Sau buổi làm việc, BHXH tỉnh cần có báo cáo bằng văn bản để đoàn ĐBQH tỉnh nghiên cứu sâu, nêu ý kiến tại kỳ họp sắp tới.

Phước Anh

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Nghệ An bội chi hơn 1.000 tỷ đồng quỹ bảo hiểm y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO