Cách tiếp cận mới trong phát triển kinh tế biển

Trên đây là khuyến nghị của PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản trong quá trình góp ý vào Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

Cơ sở để đưa ra những khuyến nghị trên chính là Nghệ An có đường bờ biển dài đến 82 km, với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển như diện tích vùng biển lên đến 4.230 hải lý vuông mặt nước địa phương quản lý. Biển và vùng ven biển của tỉnh lại nằm ở vị trí trung tâm của các tuyến giao thương quốc tế và liên vùng, trên tuyến trục Bắc – Nam và Đông – Tây của miền Trung.

Một góc xã biển Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Thành Cường
Một góc xã biển Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Thành Cường

Hiện nay, tính trong cơ cấu nền kinh tế của Nghệ An, các địa phương vùng ven biển của của tỉnh bao gồm: Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai và cả thành phố Vinh (tính đến yếu tố sắp mở rộng để trở thành đô thị biển) đang là vùng động lực rất quan trọng của tỉnh. Năm 2021, tỷ trọng GRDP của 6 địa phương trên đã đóng góp đến 50,44% GRDP của cả tỉnh; 15 địa phương còn lại chỉ chiếm 49,56%. Giá trị tăng thêm bình quân đầu người đạt 58,47 triệu đồng, gấp 1,34 lần so với mức bình quân chung của tỉnh.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định: Khai thác bền vững tiềm năng, lợi thế nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế biển và vùng ven biển; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; đẩy nhanh xây dựng, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, dịch vụ logistics, khu đô thị ven biển theo hướng tiếp cận mô hình sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư, là những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Nghệ An.

Tỉnh Nghệ An có 82 km đường bờ biển. Ảnh: Thành Duy
Tỉnh Nghệ An có 82 km đường bờ biển. Ảnh: Thành Duy
4 hành lang kinh tế của tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
4 hành lang kinh tế của tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng thẩm định của quốc gia thông qua đã xây dựng các định hướng phát triển trọng tâm gồm: 2 khu vực động lực tăng trưởng, 3 đột phá chiến lược; 4 hành lang kinh tế; 5 lĩnh vực trụ cột phát triển, 6 trung tâm đô thị.

Trong đó, có thể thấy phát triển vùng ven biển và vùng biển là một trong những trọng tâm ưu tiên cốt lõi nhằm tạo ra sự phát triển đột phá cho tỉnh. Đặc biệt, Quy hoạch xác định 2 khu vực động lực tăng trưởng đều thuộc khu vực ven biển là thành phố Vinh mở rộng (sáp nhập thị xã Cửa Lò và một số xã của huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên vào thành phố Vinh) và Khu Kinh tế Nghệ An mở rộng (sẽ đổi tên từ Khu Kinh tế Đông Nam). Đồng thời, trong 4 hành lang kinh tế của Nghệ An thì hành lang ven biển phía Đông (gắn với trục Quốc lộ 1, cao tốc Bắc – Nam, đường ven biển, đường sắt quốc gia và đường biển) là hành lang được xem là chủ lực.

Hệ thống giao thông kết nối trục Đông Tây trong hành lang kinh tế phía Đông đang ngày một hoàn thiện. Trong ảnh là đường N5. Ảnh: Thành Cường
Hệ thống giao thông kết nối trục Đông Tây trong hành lang kinh tế phía Đông đang ngày một hoàn thiện. Trong ảnh là đường N5. Ảnh: Thành Cường

Thực hiện các định hướng, chiến lược phát triển kinh tế biển, Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được bàn thảo và sẽ ban hành trong thời gian tới. Điều này thể hiện sự thay đổi rất lớn trong quan điểm, chiến lược phát triển của tỉnh, cụ thể là thể hiện tính trọng tâm, trọng điểm trong đầu tư phát triển, tránh dàn trải, hiệu quả thấp, mà trước mắt cần cơ bản ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư cho khu vực phía Đông ven biển phát triển mạnh, tạo đột phá, từ đó tạo lực đẩy kéo theo sự phát triển của miền Tây.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, kinh tế của vùng ven biển sẽ đạt khoảng 57 – 60% GRDP của tỉnh. Giá trị tăng thêm đầu người sẽ đạt khoảng 248 triệu đồng. Đồng chí Phạm Hồng Quang – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các số liệu, chỉ tiêu đã được tính toán kỹ lưỡng dựa trên căn cứ cụ thể, vừa đảm bảo có tính phấn đấu.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Nghệ An tập trung, phát huy tối đa các nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đối với vùng ven biển là phát triển 2 động lực tăng trưởng (thành phố Vinh mở rộng, trở thành thành phố ven biển; Khu Kinh tế Đông Nam mở rộng, trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển).

Cầu Cửa Hội nối Nghệ An và Hà Tĩnh qua sông Lam sẽ mở rộng tính kết nối của hành lang kinh tế phía Đông Nghệ An.
Cầu Cửa Hội nối Nghệ An và Hà Tĩnh qua sông Lam sẽ mở rộng tính kết nối của hành lang kinh tế phía Đông Nghệ An.

Đồng thời, Nghệ An hình thành hành lang kinh tế phía Đông, đây là tuyến hành lang kinh tế biển, có chiều dài khoảng 90 km. Phạm vi bán kính của hành lang này rộng nhất so với 3 tuyến hành lang còn lại trên địa bàn tỉnh do là khu vực có địa hình bằng phẳng và kết nối thuận tiện với các tuyến, loại hình vận tải khác.

Việc phát triển hành lang kinh tế ven biển sẽ gắn với phát triển đô thị, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tổng hợp và các ngành kinh tế biển; có sự liên kết với các hành lang kinh tế còn lại làm động lực phát triển của tỉnh gồm: Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, Hành lang kinh tế Quốc lộ 7 và Hành lang kinh tế Quốc lộ 48; gắn với đó là tạo sự liên kết lãnh thổ gắn với biển theo hướng Đông – Tây (Lào – cửa khẩu – cảng biển và miền Tây – biển); hướng Bắc – Nam (với Thanh Hóa, Hà Tĩnh) để có thể tạo nên sự hợp tác phân công lao động giữa các tiểu vùng cũng như giữa các tỉnh với nhau; xây dựng cơ chế hợp tác, thu hút đầu tư, tăng cường cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động.

Toàn cảnh thị trấn Diễn Châu. Ảnh: Sách Nguyễn
Toàn cảnh thị trấn Diễn Châu. Ảnh: Sách Nguyễn

Tuy nhiên, để hiện thực hóa các chỉ tiêu trên cũng như định hướng phát triển 2 khu vực động lực tăng trưởng, hình thành Hành lang kinh tế phía Đông và xây dựng 3 trung tâm đô thị ven biển đòi hỏi cách tiếp cận theo hướng trọng tâm, trọng điểm, có ưu tiên lựa chọn. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất 4 ưu tiên thúc đẩy phát triển kinh tế biển tại Nghệ An theo thứ tự gồm: Phát triển hạ tầng đồng bộ về giao thông, khu công nghiệp; thu hút đầu tư; phát triển du lịch, đô thị ven biển; phát triển đánh bắt, nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản.

Thế kỷ XXI là “thế kỷ của biển và đại dương”, vấn đề khai thác và phát triển kinh tế biển chiếm vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia ven biển, trong đó có nước ta, mà Nghệ An là một trong những địa phương có nhiều lợi thế, được kỳ vọng sẽ có đóng góp quan trọng vào thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quá trình thực hiện, như đồng chí Thái Thanh Quý – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nhấn mạnh tại phiên họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thảo luận về nội dung này, đó là cần lượng hóa, đảm bảo phù hợp thực tiễn của tỉnh, thể hiện được tính năng động, sáng tạo.

Toàn cảnh thị xã biển Cửa Lò - địa phương  trong tương lai gần sẽ trở thành một phần của đô thị Vinh mở rộng. Ảnh: Thành Cường
Toàn cảnh thị xã biển Cửa Lò - địa phương trong tương lai gần sẽ trở thành một phần của đô thị Vinh mở rộng. Ảnh: Thành Cường