Phương Tây lo ngại Nga ngày càng kiểm soát ngành ngũ cốc
(Baonghean.vn) - Bloomberg cho hay, Nga đang tìm cách kiểm soát một phần đáng kể ngành công nghiệp ngũ cốc của mình, điều này có thể mang lại cho Moskva quyền lực lớn hơn trong xuất khẩu ngũ cốc. Các thương nhân nước ngoài ngày càng không nắm được nguồn cung cấp từ Nga.
Theo đài RT ngày 27/5, Bloomberg đưa tin, Nga đang thắt chặt kiểm soát ngành ngũ cốc của mình, có khả năng trao cho nhà nước quyền lực lớn hơn trong việc xuất khẩu ngũ cốc, trong bối cảnh toàn cầu ngày càng lo ngại về giá lúa mì tăng cao.
Các "ông lớn" trong ngành kinh doanh thực phẩm nông nghiệp của phương Tây, bao gồm Cargill và Viterra, đã rời khỏi thị trường Nga vào tháng 7 năm 2023, sau khi chính phủ yêu cầu họ phải nhường chỗ cho các công ty địa phương, càng tạo thêm áp lực lên thương mại hàng hóa. Do đó, Bloomberg lưu ý, thị trường ngũ cốc vẫn ít nằm trong tay của doanh nghiệp, khiến Moskva có nhiều ảnh hưởng đối với nguồn cung lúa mì, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc kiềm chế khủng hoảng lương thực toàn cầu trong vài năm qua.
Hơn nữa, theo Bloomberg, việc các công ty "thân cận với chính phủ" nắm nhiều sự kiểm soát ngành ngũ cốc, đã hạn chế thương nhân nước ngoài tiếp cận nguồn cung của Nga, trong khi giá lúa mì thế giới đang tăng nhanh do mùa màng không mấy bội thu.
Theo các chuyên gia của Bloomberg, ảnh hưởng của Nga đối với lĩnh vực ngũ cốc ngày càng tăng. Và câu hỏi quan trọng là điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với thị trường toàn cầu. Đặc biệt, Moskva đang cố gắng thiết lập mức giá tối thiểu không chính thức cho các loại cây trồng của mình, và việc thắt chặt kiểm soát hơn nữa đối với lĩnh vực ngũ cốc sẽ cho phép chính phủ dễ dàng tác động đến lượng xuất khẩu hơn.
Có thể thấy, lương thực cũng là một trong những công cụ chiến lược có thể chi phối các vấn đề quân sự, chính trị và kinh tế. Điều này đã được thể hiện rõ ràng qua cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine và các hệ quả kéo theo cho tới thời điểm hiện tại. Nga hiện vẫn cáo buộc phương Tây áp đặt các rào cản trong việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của nước này và từ chối khôi phục thỏa thuận Biển Đen bất chấp kêu gọi từ Liên hợp quốc.
Nếu xảy ra gián đoạn lúa mì từ Nga, khả năng thị trường sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn về nguồn cung khi các nước sản xuất khác đều khó có đủ khả năng bù đắp. Tình trạng này có thể đẩy giá lúa mì toàn cầu tăng trở lại./.