Nghệ An chuẩn bị tốt cho vụ tôm năm 2025
Từ tháng 2, miền Bắc sẽ có thêm các đợt rét đậm nên bà con nuôi tôm Nghệ An cần lưu ý chấp hành nghiêm túc lịch và con giống đảm bảo cho vụ nuôi năm 2025.
Chấp hành nghiêm lịch xuống giống
Để chuẩn bị cho vụ nuôi tôm năm 2025, ngày 31/12/2024, Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An đã có thông báo khung lịch mùa vụ nuôi trồng thủy sản năm 2025, theo đó, các hộ nuôi tôm trên địa bàn Nghệ An đồng loạt được phép thả tôm giống cho vụ nuôi chính năm 2025. Cụ thể:
Nuôi tôm thẻ chân trắng, thời gian thả giống bắt đầu từ ngày 1/4 đến 30/6. Tùy vào điều kiện sản xuất cụ thể để thả nuôi mật độ nuôi phù hợp. Đối với ao nuôi có lót bạt, thả từ 70 - 100 con/m2 còn đối với ao đất, chỉ thả từ 30 - 50 con/m2. Các vùng nuôi có điều kiện hạ tầng, môi trường nước đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, có thể chủ động kiểm soát được nhiệt độ và các điều kiện khác trong mùa Đông, có thể thả giống từ ngày 1/9 đến 30/10/2025; mật độ dày hơn, từ 80 - 120 con/m2.

Riêng đối với hình thức nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh, mật độ cao từ 200 đến 400 con/m2. Kích cỡ tôm giống ở tất cả các hình thức nuôi phải đạt tối thiểu P12.
Bên cạnh ban hành khung lịch mùa vụ nuôi trồng thủy sản năm 2025, hiện ngành Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị bàn giải pháp. Mới đây, tại hội nghị tổng kết, nhân rộng mô hình tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất trong ngành tôm do Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Thủy sản tổ chức vào ngày 3 và 4/11/2024, tại huyện Quỳnh Lưu, đồng chí Trần Xuân Học - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã nêu một số định hướng để phát triển ngành tôm bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, hiệu quả, trách nhiệm cần phải kết hợp hài hòa với các ngành kinh tế khác, đồng thời, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, không gây ảnh hưởng đến lợi ích giữa các ngành sản xuất khác…

Theo Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư, năm 2025, đối tượng nuôi chủ lực của Nghệ An vẫn là tôm thẻ chân trắng, nuôi thâm canh. Bên cạnh đó, phải áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật nuôi tiên tiến, tiếp tục khuyến khích người nuôi ứng dụng các tiến bộ khoa học, nuôi VietGAP, nuôi nhiều giai đoạn, Biofloc. Không sử dụng kháng sinh, hạn chế tối đa hóa chất ở tất cả các phương thức nuôi và các khâu trong chuỗi sản xuất, lưu thông sản phẩm tôm...
Đồng thời, người nuôi cũng cần thực hiện nghiêm túc các quy chuẩn, tiêu chuẩn để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường vùng nuôi. Hiện tại, lãnh đạo sở đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các chi cục: Thủy sản - Kiểm ngư, Chăn nuôi thú y, Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản và các trung tâm khuyến nông, giống thủy sản phải làm tốt công tác quản lý về thủy sản…
Kỹ thuật "cứng" nuôi tôm
Rút kinh nghiệm từ những khó khăn của năm 2024 như bệnh EHP, phân trắng, gan tụy... thời điểm này, các hộ nuôi tôm đang khẩn trương cải tạo ao, đầm, lấy nước và tìm nguồn tôm giống chất lượng để thả nuôi cho kịp thời vụ cần lưu ý các giải pháp phòng tránh bệnh thường gặp trên ở tôm.
Hiện các hộ nuôi đã tuân thủ các quy định, khuyến cáo của cơ quan chức năng như khung lịch mùa vụ, nạo vét lại ao nuôi, loại bỏ lớp bùn đen ra khỏi ao (đối với ao cũ), tiến hành cải tạo bằng cơ giới hóa (áp dụng đối với ao cũ và ao mới). Tuy nhiên, quá trình cải tạo ao cần đảm bảo các tiêu chí như ao diện tích thích hợp từ 0,3 - 0,5 ha, độ sâu mức nước đạt 1,2 - 1,5m, tiến hành bón vôi CaO hoặc CaCO3 với liều lượng khuyến cáo từ 700 - 1.000 kg/ha (pH đất > 6), phơi ao 7 - 10 ngày với mục đích tiêu diệt hết mầm bệnh của vụ nuôi trước.

Bên cạnh đó, lấy và xử lý nước qua hệ thống ao chứa, lắng với tỷ lệ khoảng 70% tổng diện tích chủ động việc cấp nước vào ao nuôi. Bà con phải thường xuyên theo dõi kết quả quan trắc môi trường mỗi khi cần lấy nước vào ao.
Nước cấp vào ao nuôi cần cho qua túi lọc và xử lý thông qua ao lắng bằng cách để nước 3 - 5 ngày kết hợp với quạt nước để trứng giáp xác nở hết, sau đó, bà con tiến hành diệt tạp bằng saponin với liều lượng 15 - 20 kg/1.000m3 hoặc một số sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép sử dụng; diệt khuẩn, virus trong ao bằng Chlorine với liều lượng 25 - 30kg/1.000m3, Formol với liều lượng 20- 30 lít/1.000m3; hoặc thuốc tím (KMnO4), liều lượng 5 - 8 kg/1.000m3.
Bà con sử dụng các sản phẩm có chứa các thành phần chủ yếu như các vi sinh vật có lợi (nhóm Bacillus subtilis, Lactobacillus…), các vitamin, axit amin thiết yếu theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Đối với những ao khó gây màu, bà con có thể sử dụng các chế phẩm sinh học kết hợp với bón phân urê (2 - 3 kg/1.000m3), bột cá (0,5 - 1 kg/1.000m3) liên tục vài ngày đến khi ao nuôi đạt chuẩn về độ trong (30 - 40cm), pH (7,5 - 8,5), độ kiềm (80 - 120 ppm), khí độc (< 0,1 ppm)… nhằm gây màu nước cho ao nuôi có màu xanh lục, vàng khuê thì tiến hành thả tôm giống.

Chọn tôm giống, cần chọn con giống đạt chuẩn Post 12 đối với tôm thẻ chân trắng, đồng thời, thử chất lượng tôm giống bằng cảm quan với các tiêu chí như kích cỡ đồng đều, đường ruột to, tỷ lệ ruột/cơ đạt chuẩn 1/4, bơi lội linh hoạt. Tiếp đó, tiến hành gây sốc bằng cách hạ đột ngột độ mặn chỉ còn 50% (từ 20‰ xuống 10‰), hoặc sốc Formol với liều lượng 2 lít/10 lít nước trong 1 giờ, nếu tỷ lệ sống tôm trên 90% là đạt yêu cầu. Tiến hành kiểm dịch tôm giống bằng phương pháp PCR tại các cơ quan kiểm dịch giống thủy sản của các tỉnh để chắc chắn tôm giống khỏe mạnh, không mang mầm bệnh; tôm giống trong đàn có độ đồng đều cao.
Về việc thả giống, bà con nên yêu cầu các trại giống thuần hóa độ mặn giữa trại ương tương ứng với độ mặn trong ao, bể nuôi.
Về quản lý và chăm sóc, bà con cần nêu cao tinh thần “phòng bệnh hơn chữa bệnh” và “nuôi tôm là nuôi nước” để từ đó có định hướng chăm sóc tôm sao cho có hiệu quả. Cho tôm ăn đủ lượng, phối trộn thêm một số vitamin, khoáng chất và thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho tôm, tăng cường kiểm tra chất lượng của nước nuôi để có giải pháp xử lý kịp thời. Trong suốt quá trình nuôi, cần áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp.