Nghệ An: Chuyển đổi hơn 2.400 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu

31/05/2017 14:29

(Baonghean) - Để chống hạn, vụ hè thu - mùa năm 2017, Nghệ An chuyển đổi khoảng 2.414,8 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác, trong đó, có khoảng 937,3 ha ngô, 334 ha rau đậu.

Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh (Sở NN&PTNT) trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.

Trồng ngô trên đất lúa ở xã Phúc Thành, Yên Thành. Ảnh phú Hương
Trồng ngô trên đất lúa ở xã Phúc Thành, Yên Thành. Ảnh phú Hương

P.V: Sản xuất hè thu luôn là vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn về nguồn nước tưới. Ông có thể cho biết cụ thể về tình hình nguồn cung cấp nước đến thời điểm hiện tại?

Ông Nguyễn Tiến Đức: Vụ hè thu năm 2017 được dự báo là vụ sản xuất trong điều kiện thời tiết bất thường, mưa bão đột biến và không theo quy luật. Đến thời điểm hiện tại, lượng nước ở các hồ đập tương đối đầy và nhiều hơn so với vụ hè thu năm 2016; tuy nhiên có thể xảy ra hạn hán cục bộ nhất là ở những vùng cuối kênh, vùng cao cưỡng.

Theo Chi cục Thủy lợi thì nguồn nước tại các hồ chứa do doanh nghiệp quản lý có 8 hồ đầy nước (cùng kỳ năm 2016 có 6 hồ); 54 hồ có dung tích trên 70% dung tích thiết kế (cùng kỳ năm 2016 có 28 hồ); Có 19 hồ có dung tích từ 50 - 70% dung tích thiết kế (cùng kỳ năm 2016 có 22 hồ); 8 hồ có dung tích dưới 50% dung tích thiết kế (cùng kỳ năm 2016 có 33 hồ). Ngoài ra, các hồ chứa do cấp xã, HTX quản lý đến ngày 17/3/2017 đạt trên 70% dung tích thiết kế.

Mực nước trên sông Cả tại các công trình đầu mối hiện tại đang khá ổn. Thời gian vừa qua, thời tiết có mưa nhiều và với lượng lớn nên sẽ bổ sung lượng nước đáng kể cho các hồ đập cũng như sông, suối. Tuy nhiên nhiều lúc, chỉ qua một đợt bơm tưới, mực nước tại bara Nam Đàn và bara Nghi Quang dễ giảm mạnh, tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn rất dễ xảy ra, nhất là vùng cuối kênh và vùng cao cưỡng. Tại vùng Thuỷ lợi Nam, 85% diện tích tưới của hệ thống sử dụng trạm bơm, việc bơm tưới cho các vùng cuối nguồn rất khó khăn. Thực tế năm nào cũng bị hạn, nhất là các huyện vùng cuối nguồn.

Theo nhận định của ngành Khí tượng thủy văn, những tháng còn lại của năm 2017 mùa mưa đến muộn, nên lượng mưa có khả năng thiếu hụt đầu vụ, trong mùa mưa thì mưa lớn cục bộ có tần suất xuất hiện cao, mưa bão không theo quy luật, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất. Do đó, trong thời gian tới, vùng có khả năng gặp nhiều khó khăn để sản xuất vụ hè thu do mực nước sông Lam xuống thấp là vùng lấy nước qua cống Nam Đàn (tạo nguồn nước tưới cho các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, thành phố Vinh).

Cây rau màu đem lại hiệu quả cao ở Nam Đàn. Ảnh Phú Hương
Cây rau màu đem lại hiệu quả cao ở Nam Đàn. Ảnh Phú Hương

P.V: Cùng với các biện pháp kỹ thuật, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được coi là một biện pháp quan trọng trong chống hạn. Ngành Nông nghiệp đã thực hiện việc chuyển đổi cây trồng để chống hạn như thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Đức: Hiện nay việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những biện pháp quan trọng để chống hạn ngoài các biện pháp về thủy lợi, tưới tiêu. Trong những năm qua, để đảm bảo nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, ngành Nông nghiệp đã khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích trồng lúa bị khô hạn, không đảm bảo tưới suốt cả vụ hoặc trên những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác hiệu quả hơn.

Đối với vùng bị khô hạn, thiếu nước và sản xuất lúa kém hiệu quả thì ưu tiên chuyển sang trồng các cây màu như ngô, lạc, rau đậu, vừng...; đồng thời chuyển đổi mùa vụ, không để nông dân bỏ hoang đất. Vì những vùng nếu đã khô hạn đầu vụ thì lúc chuyển đổi sang trồng cây khác đòi hỏi đất cũng phải có đủ độ ẩm để nảy mầm, nhưng đến khi có nước đã hết thời vụ, do đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải kết hợp với chuyển vụ để nông dân không bỏ hoang trên diện tích đó. Đồng thời, trên những diện tích trồng lúa không hiệu quả (năng suất, sản lượng thấp), đầu tư ít thì việc chuyển đổi sang trồng ngô hay các cây trồng khác sẽ cho thu nhập cao hơn so với trồng lúa từ 5 - 7 triệu đồng/ha (chi phí trồng ngô thấp hơn so với trồng lúa từ 2 - 4 triệu đồng/ha, giá ngô cao hơn so với giá lúa).

Mỹ Sơn, Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây, Bài Sơn, Thái Sơn...là những xã đang phải chịu tình trạng hạn hán nặng nề. Số diện tích buộc phải chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô và cây trồng cạn của toàn huyện đã lên tới hơn 730 ha. Ảnh tư liệu
Khô hạn ở huyện Đô Lương khiến 730 ha diện tích lúa phải chuyển sang trồng ngô và cây trồng cạn trong vụ hè thu 2016. Ảnh tư liệu

Riêng trong năm 2016, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 2.764,8 ha sang trồng ngô, lạc, mía, rau đậu các loại, trong đó diện tích chuyển đổi trên đất 2 vụ lúa sang các cây trồng ngắn ngày là 2.238 ha, diện tích chuyển đổi trên đất 1 vụ lúa sang các cây trồng ngắn ngày khác là 526,8 ha.

P.V: Ông có thể cho biết chủ trương, kế hoạch của ngành Nông nghiệp trong chuyển đổi cây trồng chống hạn trong sản xuất vụ hè thu năm nay?

Ông Nguyễn Tiến Đức: Vụ hè thu - mùa năm 2017 toàn tỉnh dự kiến chuyển đổi khoảng 2.414,8 ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác như ngô, lạc, mía, dưa hấu, rau đậu các loại,… Trong đó, diện tích chủ yếu là chuyển sang trồng ngô với diện tích khoảng 937,3 ha, sang rau đậu các loại khoảng 334 ha. Những diện tích trồng lúa không có khả năng tưới nước trong suốt cả vụ sẽ ưu tiên chuyển sang trồng các cây màu...; đồng thời tiến hành chuyển đổi mùa vụ, không để nông dân bỏ hoang đất.

Đặc biệt, không khuyến cáo nông dân chuyển đổi trên những diện tích không an toàn và ăn chắc. Đối với những diện tích trồng lúa có nước tưới nhưng kém hiệu quả (năng suất sản lượng thấp), các địa phương xây dựng phương án chuyển đổi phù hợp với địa phương mình và có chính sách để khuyến khích nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả hơn.

Nông dân Nghệ An đưa cơ giới hóa và sản xuất nông nghiệp. Ảnh tư liệu.
Nông dân Nghệ An đưa cơ giới hóa và sản xuất nông nghiệp. Ảnh tư liệu.

P.V: Chuyển đổi cây trồng chống hạn có những khó khăn gì trong vấn đề thực hiện? Ngành có khuyến cáo gì tới các địa phương và người dân trong vấn đề này?

Ông Nguyễn Tiến Đức: Do điều kiện tự nhiên một số vùng, đầu vụ thường gặp hạn không có nước để gieo trồng, tuy nhiên giữa hoặc cuối vụ lại thường hay bị lụt, nên việc chuyển đổi sang trồng các cây trồng khác có khả năng không an toàn và sẽ không mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, do tư tưởng, tập quán sản xuất của nông dân nên ngại chuyển đổi, thậm chí bỏ hoang diện tích. Trồng lúa dù mang lại hiệu quả thấp, rủi ro cao nhưng bà con vẫn còn tư tưởng đó là nguồn cung cấp lương thực cho gia đình, chăn nuôi và sản phẩm cũng dễ tiêu thụ hơn nên rất khó khăn trong vận động chuyển đổi.

Trong khi đó, thị trường tiêu thụ các loại nông sản khi chuyển đổi không ổn định, giá cả bấp bênh hơn so với trồng lúa. Cơ sở hạ tầng hiện tại chủ yếu phục vụ cho sản xuất lúa, nên việc chuyển đổi sang cây trồng khác chưa có sự thích ứng kịp thời, hiệu quả sản xuất chưa cao; hệ thống chính sách chưa khuyến khích được bà con nông dân tham gia.

Để chuyển đổi cây trồng chống hạn đạt mục tiêu đề ra, mang lại hiệu quả kinh tế, an toàn và ăn chắc, các địa phương cần xây dựng các chính sách hợp lý để khuyến khích nông dân tham gia chuyển đổi. Tổ chức đánh giá, chọn lựa được các loại cây trồng phù hợp với địa phương mình để tiến hành chuyển đổi. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho nông dân thực hiện chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Phú Hương

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Nghệ An: Chuyển đổi hơn 2.400 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO