Nghệ An có 240 điểm cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất
(Baonghean.vn) - Nghệ An hiện có hàng trăm điểm cảnh báo nguy cơ, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân. Tuy nhiên, để dự báo, cảnh báo được chính xác, kịp thời về thời gian, địa điểm xảy lũ quét, sạt lở đất hiện vẫn là “bài toán khó”.
Lũ quét làm hư hỏng công trình tràn ở huyện Tương Dương. Ảnh: Văn Trường |
Như địa bàn huyện rẻo cao Tương Dương có địa hình phức tạp, sông núi xẻ dọc, cắt ngang, đã từng xảy ra lũ ống, lũ quét, gây thiệt hại nặng nề. Tại xã Yên Hòa, có 12 bản, trong đó có bản Xiềng Líp và bản Hào trên 320 hộ dân, đều nằm ở sát các dòng khe Chà Hạ, khe Líp. Vào mùa mưa, nguy cơ lũ quét đe dọa tính mạng và tài sản của nhân dân là rất lớn.
Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương cho biết: Địa bàn huyện hiện có trên 30 điểm có nguy cơ lũ ống, lũ quét, tập trung ở chủ yếu ở các xã Yên Na, Yên Hoà, Nga My, Lượng Minh, Tam Hợp…
Đối với nguy cơ sạt lở đất, có trên 10 điểm thuộc bản Lả, Minh Phương, Xốp Mạt và bản Côi, xã Lượng Minh nằm dọc tuyến đường từ Cửa Rào - Thuỷ điện bản Vẽ. Khu vực các bản Phá Kháo, xã Mai Sơn, các hộ dân nằm ven hồ thủy điện Khe Bố, thủy điện Nậm Nơn; các khu tái định cư có địa hình dốc và mái taluy cao...
Sạt lở đất tại xã Mai Sơn (Tương Dương). Ảnh: Văn Trường. |
Với huyện Kỳ Sơn, có trên 30 điểm sạt lở núi và trên 20 điểm xảy ra nguy cơ lũ quét, lũ ống, có khoảng gần 500 hộ ảnh hưởng vùng lũ quét, lũ ống thuộc các xã Tà Cạ, Phà Đánh, Hữu Kiệm, Chiêu Lưu, Keng Đu, Bắc Lý, Mỹ Lý…
Theo báo cáo của Chi cục Thuỷ lợi, hiện Nghệ An có 240 điểm cảnh báo nguy cơ lũ ống, lũ quét ở 25 xã của 6 huyện: Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp với 2.124 hộ (12.387 người).
Đối với vùng nguy cơ lũ quét, xác định có khoảng 2.575 hộ, trên 15.000 người bị ảnh hưởng cần phải sơ tán khi xảy ra sự cố. Qua khảo sát Nghệ An hiện còn 244 hộ dân ở các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương… cần phải bố trí khẩn cấp đến nơi ở mới để tránh nguy cơ lũ ống, lũ quét đe dọa đến tính mạng và tài sản.
Tuy nhiên, để dự báo, cảnh báo được chính xác, kịp thời về thời gian, địa điểm xảy lũ quét, sạt lở đất hiện vẫn là “bài toán khó”. Theo các nhà chuyên môn, hiện chưa có khả năng dự báo được lũ quét, sạt lở đất (mới cảnh báo nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét tại một vùng hoặc khu vực rộng) do các mô hình dự báo quá trình mưa, lũ còn hạn chế.
Mặt khác, do thiếu dữ liệu về quan trắc, địa hình, thiếu thông tin số liệu về cấu trúc thảm phủ, lớp đất, tính chất cơ lý của đất. Sự thay đổi về sử dụng đất, phá rừng, khai thác khoáng sản, làm đường… cũng là những nhân tố gây khó khăn trong công tác dự báo lũ quét, sạt lở đất.
Có khá nhiều hộ dân xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn làm nhà ven khe suối. Ảnh: Văn Trường. |
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để giảm thiểu nguy cơ do lũ ống, lũ quét gây ra. Nghệ An sẽ tập trung nguồn lực, từng bước bố trí, sắp xếp lại dân cư gắn với sinh kế các khu vực có nguy cơ lũ quét. Đặc biệt, ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn xây dựng, bố trí chỗ ở an toàn cho các hộ dân bị ảnh hưởng lũ quét của các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu...
Nghệ An từng bước đầu tư xây dựng, lắp đặt tăng mật độ hệ thống quan trắc và cảnh báo sớm tại những khu vực dân cư sinh sống có nguy cơ cao về lũ quét, để cảnh báo kịp thời, phục vụ sơ tán dân cư. Phối hợp với nước bạn Lào để nắm bắt tình hình nước từ thượng nguồn đổ về, từ đó có phương án phòng tránh lũ quét ở các huyện giáp biên giới.