Nghệ An đề nghị hỗ trợ hơn 637.000 người gặp khó khăn do dịch Covid-19
(Baonghean.vn) - Đến ngày 6/5, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã đề nghị Sở Tài chính, trình UBND tỉnh hỗ trợ 637.064 người gặp khó khăn do dịch Covid-19 với kinh phí gần 610 tỷ đồng.
Thông tin này được ông Bùi Văn Hưng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nêu ra tại Hội nghị giao ban báo chí tháng 5/2020 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Nhà báo và Sở TT&TT tỉnh Nghệ An tổ chức vào chiều 6/5.
Ông Bùi Văn Hưng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh thông báo kết quả hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ảnh: P.B |
Theo ông Bùi Văn Hưng, thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã tổng hợp đề nghị Sở Tài chính, trình UBND tỉnh (3 đợt), với số đối tượng là 637.064 người, kinh phí đề nghị hỗ trợ gần 610 tỷ đồng.
Cụ thể, đợt 1 UBND tỉnh đã ban hành quyết định giải quyết kinh phí cho 26.927 người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi thuộc diện hỗ trợ, với số tiền hơn 40,3 tỷ đồng. Đợt 2, Sở đã trình UBND tỉnh để xem xét, bố trí kinh phí hỗ trợ 228.434 người, tổng kinh phí đề nghị là trên 255 tỷ đồng. Dự kiến, đợt 3 Sở LĐ-TB&XH tổng hợp đề nghị Sở Tài chính soát xét, xác định nguồn kinh phí để tham mưu cho UBND tỉnh quyết định hỗ trợ 381.703 người, tổng kinh phí đề nghị trên 314,1 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, hiện các huyện, thành phố, thị xã đang tập trung tiếp nhận hồ sơ các nhóm đối tượng theo quy định. Riêng 10 huyện, thị xã và 2 đơn vị điều dưỡng thương binh đang tiến hành chi trả chế độ cho các đối tượng.
Ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cùng lãnh đạo Bưu điện Nghệ An, lãnh đạo huyện Nghi Lộc kiểm tra việc chi trả đợt I gói an sinh xã hội tại Bưu điện văn hóa xã Nghi Thuận, Nghi Lộc. Ảnh: Vũ Trung Hậu |
Để công tác chi trả được thực hiện nhanh, Sở LĐ-TB&XH đề nghị các cấp, ngành tiếp tục tập trung quán triệt, tuyên truyền, phổ biến công khai, sâu rộng đến cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và toàn thể cán bộ, đảng viên và người dân nhằm nâng cao nhận thức và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, thành, thị, UBND cấp xã bám sát trách nhiệm được UBND tỉnh giao tại Kế hoạch số 226 để tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Trong đó, lưu ý UBND cấp xã phải thành lập tổ công tác, gồm: đại diện chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên để triển khai và giám sát quá trình thực hiện chế độ.
“Quá trình thực hiện phải đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng từ khâu lập hồ sơ, danh sách đến thẩm định, phê duyệt, chi trả chế độ. Và luôn có sự phối hợp, đối chiếu thông tin giữa các bên liên quan, có sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức, đoàn thể và của người dân để tránh tình trạng tiêu cực, trục lợi”, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nói và đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục, thường xuyên tuyên truyền, định hướng thông tin để các cấp, ngành và nhân dân thực hiện tốt nhất chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với người dân, trong quá trình chuẩn bị hồ sơ giấy tờ, kê khai, nếu có vướng mắc hoặc phát hiện tiêu cực trong việc thực hiện chính sách thì đề nghị phản ánh về UBND xã, UBND cấp huyện hoặc trực tiếp qua đường dây nóng của Sở LĐ-TB&XH theo số điện thoại: 02383.592.021; hệ thống tổng đài 111 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.