Từ làm nông, sau 1 năm tham gia thành viên hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tại địa phương, năm 2020, chị Trần Thị Lê ở thôn 6, xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai mạnh dạn cùng với 10 thành viên khác thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bình An. Chị Lê đồng thời giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc hợp tác xã.
Chia sẻ về con đường “khởi nghiệp”, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bình An cho biết: Từ 5 sào nghệ gia đình trồng với suy nghĩ muốn tạo ra sản phẩm chất lượng do tự tay mình làm, cùng với sự động viên, hướng dẫn, kết nối, hỗ trợ vốn vay của tổ chức hội Phụ nữ để thành lập hợp tác xã. Tuy nhiên, việc thành lập hợp tác xã, sản xuất ra các sản phẩm không khó bằng việc tìm chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường, bởi kinh nghiệm thị trường của chị và các thành viên đều là những nông dân “chân lấm tay bùn” và sản phẩm cũng chưa có “tên tuổi”. Điều khó này được tổ chức Hội Phụ nữ vào cuộc hỗ trợ thông qua việc cho phép hợp tác xã tham gia giới thiệu và trưng bày sản phẩm tại các cuộc hội họp, tập huấn do Hội tổ chức; giới thiệu thông qua các nhóm facebook, zalo, trang điện tử của Hội phụ nữ các cấp; hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm, hội thi để lan tỏa sản phẩm.
Từ sự nhen nhóm ban đầu đó cộng với việc lấy chất lượng làm tiên quyết, hiện nay, các sản phẩm của Hợp tác xã Bình An đã khẳng định được thương hiệu. Trong đó sản phẩm tinh bột nghệ và viên nghệ mật ong đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, đồng thời được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022. Ngoài bán online trên các sàn thương mại điện tử, sản phẩm của hợp tác xã đã có mặt tại các cửa hàng OCOP trong tỉnh, chuỗi cửa hàng OCOP Shop ở Hà Nội, chuỗi siêu thị Mường Thanh và đặc biệt vào 2 siêu thị ở Lào. Doanh thu đạt hơn 5 tỷ đồng/năm và thu nhập của các thành viên ổn định 6 – 7 triệu đồng/tháng.
Trái ngược với chị Trần Thị Lê, trước khi thành lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thảo dược Hằng Moon tại xã Lam Sơn, huyện Đô Lương, chị Nguyễn Thị Hằng đã có 5 năm kinh nghiệm cung ứng dược liệu với lượng khách hàng quen khá nhiều. Song Giám đốc Hằng cho rằng, nếu không có sự vào cuộc của các cấp Hội Phụ nữ thì sản phẩm của công ty khó lan tỏa nhanh như vậy. Bởi các sản phẩm hoàn toàn bằng dược liệu, phù hợp cho phụ nữ và trẻ em, như sữa rửa mặt; nước tắm gội cho bé; dầu gội đầu thảo dược; kem bôi da; dung dịch vệ sinh phụ nữ…, nên việc quảng bá, kết nối, đưa sản phẩm đến với hội viên, phụ nữ của tổ chức Hội các cấp có sức thuyết phục cao hơn. Hiện nay, các tổ chức Hội đang tiếp tục là “kênh” tiêu thụ sản phẩm cho công ty. Bên cạnh đó, tổ chức Hội còn hướng dẫn doanh nghiệp tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp năm 2022” với ý tưởng “Đưa thảo dược vùng quê vươn ra thị trường”, trở thành 1 trong 5 ý tưởng xuất sắc được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh trao giải; đồng thời lựa chọn gửi tham gia cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nghệ An mở rộng 2022 và được trao giải. Đây sẽ là bàn đạp quan trọng để các sản phẩm của công ty tiếp tục phát triển, vươn ra thị trường.
“Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” là đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 939. Đây cũng là khâu đột phá được Nghị quyết Đại hội Phụ nữ tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2021 – 2026 đề ra. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, hoạt động khởi nghiệp được các cấp Hội Phụ nữ đẩy mạnh với nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, góp phần đưa những người phụ nữ nông dân vốn chỉ quen với ruộng vườn, nội trợ hoặc buôn bán nhỏ trở thành những người làm kinh tế thực thụ và làm chủ cuộc sống. Ngoài tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thành công, hàng năm, Hội LHPN tỉnh đều tổ chức phát động cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp và ngày Phụ nữ khởi nghiệp gắn với trao giải các ý tưởng xuất sắc, thúc đẩy, lan tỏa phong trào khởi nghiệp trong hội viên, phụ nữ. Gắn với đó là hỗ trợ để hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ, bao gồm kết nối hỗ trợ vốn vay; hỗ trợ thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp; hỗ trợ tham gia các hội thảo, hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm tại chỗ và thông qua mạng xã hội, xây dựng các gian hàng an toàn vệ sinh thực phẩm; trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP…
Cùng với hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thành công, các cấp Hội cũng có nhiều hoạt động nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, như hỗ trợ nâng cao năng lực cho chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh, quản lý hợp tác xã là phụ nữ; hỗ trợ đào tạo, tư vấn, kết nối, tiếp cận thông tin thị trường cho nữ doanh nghiệp và thành lập doanh nghiệp nữ. Trong năm, có 156 nữ chủ doanh nghiệp; 801 nữ chủ hộ kinh doanh, 29 nữ quản lý hợp tác xã được hỗ trợ nâng cao năng lực kinh tế; hỗ trợ đào tạo, tư vấn, kết nối, tiếp cận thông tin, thị trường cho 570 doanh nghiệp nữ và hỗ trợ thành lập mới 41 doanh nghiệp nữ.
Song hành với hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thành công, các cấp hội cũng đẩy mạnh nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên làm chủ cuộc sống theo từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể từng hội viên. Trọng tâm là phối hợp mở các lớp đào tạo nghề; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn quản lý, sử dụng nguồn vốn, kế hoạch sản xuất kinh doanh; hội thảo tư vấn và giới thiệu việc làm; hỗ trợ vay vốn thông qua ủy thác, tín chấp ngân hàng và phối hợp với tổ chức TYM cho phụ nữ vay vốn.
Trong năm 2022, các cấp hội đã đứng ra ủy thác, tín chấp ngân hàng hỗ trợ vay vốn cho 169 nghìn hộ vay với tổng số tiền hơn 3.743 tỷ đồng và gần 55 nghìn hộ vay qua tổ chức TYM với tổng số tiền hơn 607 tỷ đồng. Đặc biệt, các cấp hội có nhiều hoạt động sáng tạo, huy động các nguồn lực khác như: Tổ chức hoạt động tiết kiệm tại chi hội với 100% chi hội trong toàn tỉnh thực hiện nhằm tạo nguồn quỹ hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế. Hỗ trợ ngày công hoặc đổi công đối với những gia đình thiếu lao động, tạo cơ hội cho các gia đình hội viên duy trì sản xuất, đảm bảo thu nhập tại các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Thanh Chương, Nam Đàn, Con Cuông…
Mô hình thu gom rác thải tái chế gây quỹ để hỗ trợ mô hình sinh kế cho phụ nữ nghèo, yếu thế được triển khai ở tất cả các cơ sở hội trong toàn tỉnh. Điển hình huyện Thanh Chương, hưởng ứng tháng cao điểm Vì người nghèo”, 40/40 cơ sở hội đã tổ chức trao 194 mô hình sinh kế bao gồm bò, dê, lợn, gà với tổng hơn 343 triệu đồng từ phong trào “Tiết kiệm xanh – Biến rác thải thành các hoạt động có ích” của huyện hội phát động.
Một số huyện đã hỗ trợ xây dựng được một số mô hình sinh kế bền vững, như tổ hợp tác bánh gai xứ dừa, tổ hợp tác chế biến các món ăn truyền thống của huyện Anh Sơn; hợp tác xã sản xuất sắn dây an toàn, mô hình sản xuất tương truyền thống của huyện Nam Đàn; tổ hợp tác sản xuất chổi đót, mô hình trồng cây ăn quả của huyện Nghĩa Đàn; mô hình sản xuất cà gai leo, mô hình nuôi lươn không bùn của huyện Quỳnh Lưu; tổ hợp tác chăn nuôi gà của huyện Thanh Chương; tổ hợp tác chăn nuôi vịt bầu và Hợp tác xã dược liệu Tâm Mi của huyện Quế Phong…
Bà Lê Thị Hương Giang – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ, hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, làm chủ cuộc sống tiếp tục được các cấp đặt ra yêu cầu đẩy mạnh với nhiều hoạt động trọng tâm trong năm 2023. Trong đó chú trọng hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thành công; tuyên truyền, vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản xuất gắn với sự tác động, hỗ trợ đào tạo, tập huấn, hỗ trợ vốn vay, mô hình sinh kế từ các cấp Hội Phụ nữ. Năm 2023, ngoài tổ chức Ngày phụ nữ khởi nghiệp, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng sẽ tổ chức “Diễn đàn phụ nữ khuyết tật vượt khó vươn lên” nhằm tạo cơ hội cho những người khuyết tật được giao lưu, nâng cao năng lực và cơ hội phát triển kinh tế./.