Nghệ An đứng thứ 3 toàn quốc về xây dựng nông thôn mới
(Baonghean.vn) - Chiều 19/1, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã có chương trình làm việc với UBND về việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010 – 2015, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Tham dự cuộc làm việc có các đồng chí Phạm Văn Tấn – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An; Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành liên qua.
Quang cảnh cuộc làm việc. |
Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định kết quả xây dựng NTM ở Nghệ An đứng thứ 3 trong cả nước sau tỉnh Thái Bình và Thành phố Hà Nội. |
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong những năm qua, vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân tiếp tục được Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Nghệ An tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên, hỗ trợ đầu tư, khuyến khích phát triển.
Chương trình MTTQ xây dựng nông thôn mới được cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị quan tâm, xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương; được các tầng lớp nhân dân đồng thuận, góp sức để thực hiện.
Phó Giám đốc Sở NN & PTNT Nguyễn Văn Đệ báo cáo tình hình thực hiện phong trào xây dựng NTM trong 5 năm 2010 - 2015 |
Nhờ đó, từ chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới và có 50 xã “trắng” tiêu chí thì đến 30/12/2015, toàn tỉnh có 114 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Số tiêu chí nông thôn mới bình quân toàn tỉnh tăng lên, từ 2,64 tiêu chí/xã (năm 2010) lên 12,27 tiêu chí/xã (năm 2015) và không có xã nào “trắng” tiêu chí.
Nghệ An đã có 1 đơn vị cấp huyện là thị xã Thái Hòa đạt chuẩn NTM và xã nghèo 30a đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM (xã Thạch Giám, huyện Tương Dương).
Phong trào xây dựng NTM ở Nghệ An được xếp thứ 3 toàn quốc về số lượng xã được công nhân NTM, sau Thái Bình và thành phố Hà Nội.
Ông Nguyễn Hồ Lâm - Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình NTM tỉnh nêu một số bất cập quy định về tiêu chí NTM |
Tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM trong 5 năm (2010 – 2015) là 20.912,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước cấp trực tiếp chiếm 13%; vốn thông qua các chương trình, dự án lồng ghép chiếm 35%; vốn từ các ngân hàng thương mại 13%; vốn từ doanh nghiệp 8% và vốn do nhân dận tự nguyện đóng góp chiếm 31%.
Tại cuộc làm việc, các đại biểu cũng đã làm rõ mối quan hệ, sự tác động của chương trình xây dựng NTM đối với việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp; vấn đề xây dựng NTM kiểu mẫu đối với các xã đạt được công nhận đạt chuẩn NTM; quan tâm đến tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM, tiêu chí về môi trường sống....
Đồng chí Phạm Văn Tấn - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận những khó khăn vướng mắc và đề xuất của tỉnh để kiến nghị với Trung ương quan tâm tháo gỡ. |
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung làm rõ những bất cập trong thực tiễn xây dựng NTM, kiến nghị Trung ương nghiên cứu. Đó là yêu cầu tiêu chí về diện tích nhà văn hóa thôn, bản và khu vui chơi giải trí ở các xã vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển; tiêu chí về quy định chiều rộng tối thiểu mặt đường cấp nội thôn, liên thôn; tiêu chí yêu cầu điện chiếu sáng công cộng đối với khu vực miền núi....
Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp, các đại biểu cho rằng, muốn làm được thì cần phải đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy, đề nghị Trung ương cần có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Mai Hoa
TIN LIÊN QUAN