Nghệ An được JICA chọn tiếp tục khảo sát, xây dựng dự án chuỗi giá trị thực phẩm
(Baonghean.vn) - Nghệ An là 1 trong 4 tỉnh của Việt Nam (cùng với Lâm Đồng, Cần Thơ, Bến Tre) được Cơ quan JICA Nhật Bản chọn để tiếp tục khảo sát xây dựng Dự án Chuỗi giá trị thực phẩm. Đồng thời được JICA mời tham dự Hội thảo xúc tiến thương mại dự kiến tổ chức tại Hà Nội vào ngày 14/1/2019.
Chiều 2/12, dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh đã có cuộc làm việc với đoàn chuyên gia Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về định hướng phát triển chuỗi giá trị thực phẩm.
Làm việc với tỉnh, về phía đoàn có ông Naoki Kayano, cố vấn hình thành dự án, văn phòng JICA Việt Nam; ông Yuchi Fukasaka - Trưởng nhóm - chuyên gia chính sách phát triển nông nghiệp.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Phú Hương |
Tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu đã thông tin đến đoàn về tình hình sản xuất nông nghiệp của Nghệ An hiện nay. Nghệ An có gần 1,2 triệu ha đất lâm nghiệp; trên 250 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp; hạ tầng giao thông thuận lợi.
Đến nay, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm đạt từ 4,2-4,5%; Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 1,2 triệu tấn; Đã hình thành các vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến.
Các lĩnh vực chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản đều có những bước phát triển đáng ghi nhận. Nghệ An hiện có 150 làng nghề truyền thống được tỉnh công nhận; 690 hợp tác xã và trên 8.000 doanh nghiệp; Có 182 sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản, dịch vụ.
Tỉnh Nghệ An làm việc với đoàn dưới sự chủ trì của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu. Ảnh: Phú Hương |
Tuy nhiên, sản xuất đang nhỏ lẻ, manh mún; Năng suất, chất lượng thấp, giá thành sản phẩm cao; sức cạnh tranh thấp; đặc biệt sự kết nối giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ chưa tốt.
Qua thời gian khảo sát, đoàn chuyên gia JICA Nhật Bản đã đưa ra nhiều phát hiện và phân tích chuỗi giá trị thực phẩm tại Nghệ An. Đại diện đoàn đã nêu ra nhiều vấn đề còn tồn tại, bất cập như: Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn thiếu vốn lưu động và vốn đầu tư, ruộng đất canh tác có diện tích nhỏ, hệ thống giao thông nhánh còn bất cập, thiếu thông tin thị trường...
Đại diện Đoàn JICA Nhật Bản làm việc với tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phú Hương |
Đồng thời nêu ra hướng phát triển chuỗi giá trị thực phẩm như: tập trung vào hoa quả và rau có tiềm năng để phát triển trong tương lai; đáp ứng nhu cầu thị trường bằng cách tăng cường Diễn đàn Thị trường nông nghiệp; phát triển cơ sở hạ tầng; hỗ trợ thực tập sinh kỹ thuật sang Nhật Bản và bố trí làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp sau khi trở về Việt Nam…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đồng tình và đánh giá cao những nội dung mà JICA đã nêu ra, khẳng định Nghệ An sẽ nỗ lực xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm - đang được coi là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Đồng thời hứa sẽ chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ với nhóm nghiên cứu để cung cấp đầy đủ mọi thông tin cần thiết cho việc xây dựng dự án chuỗi giá trị thực phẩm tại Nghệ An.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu cũng bày tỏ vinh dự khi Nghệ An được JICA mời tham dự Hội thảo xúc tiến thương mại dự kiến tổ chức tại Hà Nội vào ngày 14/1/2020; nhấn mạnh đây là cơ hội để Nghệ An có thể giới thiệu quảng bá một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, đồng thời cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Nghệ An kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản.
Dịp này, Nghệ An là 1 trong 4 tỉnh cùng với Lâm Đồng, Cần Thơ, Bến Tre được JICA chọn để tiếp tục khảo sát xây dựng dự án chuỗi giá trị thực phẩm.
JICA hỗ trợ huyện Tương Dương mô hình khôi phục cà chua múi. Ảnh: Hồ Phương. |
CÁC DỰ ÁN JICA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
I.Dự án Hợp tác kỹ thuật về quy hoạch phát triển ngành Nông nghiệp
Dự án được triển khai theo Biên bản Thảo luận ký kết giữa Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An vào ngày 15/10/2015. Mục tiêu của dự án là: xây dựng “Kế hoạch Tổng thể phát triển nông nghiệp cho tỉnh Nghệ An” và “Kế hoạch hành động” để đạt được các mục tiêu của kế hoạch tổng thể thông qua giới thiệu “Nông nghiệp Hợp đồng” nhằm thúc đẩy chuỗi giá trị sản phẩm ở tỉnh Nghệ An. Thời gian thực hiện Dự án là từ T3/2016 -T3/2019.
II. Dự án khôi phục, nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An (Dự án vốn vay ODA từ Nhật Bản).
Tổng quan chung: Dự án Khôi phục, nâng cấp Hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An được Bộ Nông nghiệp & PTNT phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 1929/QĐ.BNN-TCTL ngày 14/8/2012 với Tổng mức đầu tư là 5.705.456.505.000 đồng, vay vốn ODA Nhật Bản (JICA); gồm hai hợp phần:
- Hợp phần 1: Khôi phục, nâng cấp Hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An do Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư là 5.205,583 tỷ đồng.
- Hợp phần 2: Tăng cường năng lực quản lý thủy lợi và cơ sở đào tạo của Viện khoa học thủy lợi Việt Nam do Viện làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư là 499,874 tỷ đồng.
Mục tiêu: Khôi phục, nâng cấp Hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An để bảo đảm tưới ổn định cho 27.656 ha đất nông nghiệp; tạo nguồn cấp nước cho công nghiệp 1,89m3/s và sinh hoạt 1,59m3/s (900.000 nhân khẩu) cho 5 huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Nâng cấp, mở rộng cống Diễn Thành đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt, tạo nguồn cấp nước cho 15.000 ha.
III. Dự án phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ tỉnh Nghệ An (Dự án JICA2)
Mục tiêu chính của dự án:
+ Quản lý và bảo vệ bền vững rừng phòng hộ ở Nghệ An;
+ Phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh học;
+ Xóa đói, giảm nghèo ở khu vực miền núi.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Phục hồi và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn tại 3 huyện Tương Dương, Tân Kỳ và Quỳnh Lưu;
+ Tăng cường năng lực cho chính quyền địa phương và chủ rừng phòng hộ;
+ Cải thiện sinh kế cho các cộng đồng, những người sẽ quản lý rừng phòng hộ.
- Tổng mức đầu tư dự án: 709 triệu Yên Nhật, tương đương 134.415 triệu VNĐ. Trong đó:
+ Nguồn vốn vay JICA là: 586 triệu Yên Nhật, tương đương 111.077 triệu VNĐ;
+ Nguồn vốn đối ứng của tỉnh: 123 triệu Yên Nhật, tương đương 23.338 triệu VNĐ.
(được điều chỉnh tại Quyết định số 4214/QĐ-UBND ngày 13/9/2017)
IV. Dự án đa dang hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản tại các bản làng nông, ngư nghiệp
Dự án được UBND tỉnh tiếp nhận tại Quyết định số 6215/QĐ-UBND ngày 28/12/2015. Dự án nhận được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của tổ chức JICA Nhật Bản; tổ chức hỗ trợ trực tiếp là Trưởng Đại học Nữ Chiêu Hòa (Showa) – Nhật Bản, địa bàn triển khai dự án thuộc 2 huyện Nam Đàn và Con Cuông.
Thời gian: Từ năm 2016 đến tháng 8 năm 2018. Qua 2 năm hoạt động, dự án đã cải thiện sinh kế cho người dân tại các bản Nưa, bản Pha, bản Xiềng, Khê Rạn, huyện Con Cuông, các xã Vân Diên, Nam Anh, Kim Liên tại huyện Nam Đàn.
(Baonghean.vn) - Việc ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh Nghệ An, JICA Việt Nam và JETRO Hà Nội được kỳ vọng sẽ là mốc son đánh dấu chặng đường mới trong quan hệ hợp tác giữa Nghệ An và Nhật Bản. (Baonghean.vn) - Cống tiêu Diễn Thành có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn mặn, đảm bảo tưới tiêu, cung cấp nước sạch cho sản xuất và sinh hoạt là khẳng định của ông Tetsuo KONAKA, Trưởng đại diện văn phòng JICA Việt Nam khi đi kiểm tra chất lượng công trình này. (Baonghean.vn) - Ngày 22/12, đoàn famtrip lữ hành doanh nghiệp du lịch Nghệ An do ông Nguyễn Mạnh Lợi - Phó Giám đốc Sở Du lịch và các chuyên gia truyền thông đến từ Văn phòng JICA Việt Nam dẫn đầu đã đến khảo sát các điểm du lịch tại huyện Nam Đàn.Nghệ An ký kết biên bản hợp tác với JICA Việt Nam và JETRO Hà Nội
JICA Việt Nam kiểm tra chất lượng công trình cống tiêu Diễn Thành
30 doanh nghiệp du lịch và cơ quan truyền thông JICA Việt Nam khảo sát du lịch Nghệ An