Việc xây dựng dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ cho học sinh học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh đã được Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện trong năm 2023.
Bước sang năm 2024, để hoàn thiện dự thảo, vào ngày 20/2, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có văn bản, tài liệu gửi đến Ban Văn hóa xã hội – HĐND tỉnh; Ủy ban MTTQ tỉnh; các sở, ngành và các huyện, thành, thị liên quan để lấy ý kiến góp ý. Một trong những tài liệu đó đã nêu lên thực trạng khó khăn, bất cập của công tác giáo dục ở vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện miền núi, khẳng định “đang có bất bình đẳng trong giáo dục xói mòn động lực phấn đấu của người trẻ”.
Cụ thể, theo Sở Giáo dục và Đào tạo, những năm qua tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề; nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo vùng đặc biệt khó khăn như Nghị quyết số 57/2016/NQ-HĐND ngày 16/12/2016; Nghị quyết số 10/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019; Nghị quyết số 31/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020… Dẫu vậy, chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền trong tỉnh còn có sự chênh lệch lớn; cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Trường, lớp học chưa đảm bảo, các yêu cầu về chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục; nơi ăn, chỗ ở của học sinh các trường có học sinh dân tộc bán trú còn nhiều thiếu thốn; chế độ cho học sinh, giáo viên, nhân viên còn có một số bất cập; sự bất bình đẳng cơ hội tiếp cận các dịch vụ giáo dục ngày càng lớn. Bất bình đẳng trong giáo dục xói mòn động lực phấn đấu của người trẻ, làm giảm mức độ năng động của sự dịch chuyển xã hội, là nguồn gốc tạo ra bất ổn xã hội.
Mặt khác, các chính sách của Nhà nước cho học sinh trong trường có học sinh dân tộc bán trú cơ bản đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu trong cả nước. Tuy nhiên, mỗi địa phương lại có các đặc thù riêng nên trong quá trình thực hiện không tránh khỏi các khó khăn, vướng mắc, bất cập mà các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước không thể bao quát hết các phát sinh từ thực tiễn.
Vì vậy, để thực hiện mục tiêu đưa giáo dục Nghệ An dẫn đầu trong khu vực Bắc Trung Bộ theo Nghị quyết chuyên đề số 03-NQ/TU, ngày 19/11/2021; Đề án phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2022-2025 định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 3279/QĐ-UBND ngày 24/10/2022 của UBND tỉnh, thì việc ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ cho học sinh học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An là hết sức cần thiết và cấp bách.
Cũng tại văn bản này, Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất hỗ trợ một lần bằng hiện vật cho học sinh mỗi cấp học, học sinh gồm chăn, màn và các đồ dùng cá nhân khác; mỗi năm học, học sinh được cấp 2 bộ quần áo đồng phục và học phẩm vở, giấy, bút và các dụng cụ học tập khác. Việc hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội đến trường, giảm áp lực kinh tế cho gia đình người học; học sinh được cấp một lần bằng hiện vật như chăn, màn và các đồ dùng cá nhân khác để yên tâm học, giảm tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng do kinh tế gia đình khó khăn, tăng tỷ lệ huy động học sinh tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần phát triển giáo dục phổ thông đồng đều giữa các vùng, duy trì vững chắc và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Bên cạnh đó, đề nghị hỗ trợ kinh phí cho các trường thí điểm mô hình trường PTDT bán trú kiểu mới, tối đa không quá 6 tiết/tuần và không quá 35 tuần/năm học; hỗ trợ kinh phí mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ nhà ăn, nhà bếp; hỗ trợ kinh phí xây dựng tủ sách giáo khoa dùng chung để cho mỗi học sinh mượn 1 bộ sách tương ứng với từng lớp học mà học sinh đó đang theo học; hỗ trợ kinh phí làm thẻ học sinh và phù hiệu cá nhân, công tác tuyển sinh đầu cấp, thi cuối khóa; hỗ trợ kinh phí chi trả tiền điện, nước phục vụ học tập và sinh hoạt cho số học sinh ở bán trú tại trường; mức hỗ trợ là 12kW điện/tháng/học sinh và 2m3 nước/tháng/học sinh theo giá quy định tại địa phương và được hưởng không quá 9 tháng/năm học…
Tìm hiểu được biết, từ khoảng tháng 10/2023 đến nay, Ban Văn hóa xã hội – HĐND tỉnh cùng các sở, ngành và các huyện, thành, thị có liên quan đã góp nhiều ý kiến cho việc xây dựng chính sách hỗ trợ cho học sinh học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tựu trung, đều nhận thấy đây là một nội dung cần thiết phải thực hiện.
Gần nhất, vào ngày 14/3/2024, Sở Tư pháp có Văn bản số 421/STP-VB góp ý, trong đó khẳng định: “Hiện nay chính sách cho học sinh các trường có học sinh dân tộc bán trú đã được Đảng, Nhà nước và tỉnh quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, đa phần học sinh sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh đời sống kinh tế còn khó khăn, thiếu thốn. Do đó, việc tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ cho học sinh tại các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường có tổ chức ăn ở, tập trung cho học sinh bán trú ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An là cần thiết”.
Cũng đồng tình xây dựng chính sách Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ cho học sinh học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú, nhưng với Sở Tài chính, tại Văn bản số 684/STC-NSHX ngày 1/3/2024, nêu thực tế nguồn lực của ngân sách tỉnh còn khó khăn, để có thêm ý kiến: “Theo dự kiến của cơ quan soạn thảo văn bản, nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách hàng năm trung bình khoảng 30 – 50 tỷ đồng và tăng dần theo hàng năm. Tuy nhiên, hiện nay nguồn lực của ngân sách tỉnh còn khó khăn, do đó sẽ không cân đối được để thực hiện các chính sách như đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo. Sở Tài chính đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cân đối, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi; rà soát, xem xét lại đưa vào đề cương nghị quyết các chính sách thực sự cần thiết; phối hợp với Sở Tài chính trình phân bổ trong phạm vi nguồn lực chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo bố trí cho ngành năm 2024 và các năm tiếp theo, trong khả năng cân đối của ngân sách tỉnh tăng chi ngân sách trong phạm vi tối đa 10 tỷ đồng/năm”.
Trao đổi với PV Báo Nghệ An, bà Lục Thị Liên – Phó Trưởng ban Văn hóa xã hội – HĐND tỉnh, nói: “Theo kế hoạch, đề cương nghị quyết sẽ được trình HĐND tỉnh ở phiên họp cuối năm 2023, tuy nhiên, do chưa chuẩn bị kịp hồ sơ liên quan nên cơ quan soạn thảo đã xin rút. Năm nay, theo kế hoạch đã được HĐND tỉnh chấp thuận thì dự thảo nghị quyết sẽ được trình các đại biểu HĐND tỉnh tại phiên họp giữa năm. Ban Văn hóa xã hội và HĐND tỉnh nhìn nhận đây là một nội dung rất cần thiết, nhằm hỗ trợ việc thực hiện bán trú cho các học sinh vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn các huyện miền núi, bởi vậy ủng hộ việc xây dựng nghị quyết này…”.