Nghệ An: Giá thịt lợn ‘hạ nhiệt’, giá rau xanh đội lên

Thanh Phúc 15/10/2021 10:47

(Baonghean.vn) - Liên tục trong những tháng qua, giá lợn hơi giảm sâu nên giá thịt lợn ở các chợ dân sinh cũng hạ nhiệt theo. Trong khi đó, do mưa bão, lại vào thời điểm rau xanh khan hiếm nên giá rau tăng mạnh, có những loại rau đội giá gấp 2-3 lần.

Giá thịt giảm sâu, sức mua thấp

Liên tiếp thời gian gần đây, giá lợn hơi giảm mạnh. Hiện, giá lợn tại các trang trại chỉ dao động Quang mức 41.000 đồng -45.000 đồng/kg. Ảnh: Thanh Phúc
Liên tiếp thời gian gần đây, giá lợn hơi giảm mạnh. Hiện, giá lợn tại các trang trại chỉ dao động Quang mức 40.000 - 44.000 đồng/kg. Ảnh: Thanh Phúc

Hiện nay, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh duy trì ở mức 40.000 đồng – 44.000 đồng/kg. Giá lợn giảm, kéo theo đó là giá thịt lợn tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn cũng giảm mạnh. Theo ghi nhận, tại các chợ dân sinh thịt lợn có giá từ 80.000-120.000 đồng/kg (tùy loại). Cụ thể, thịt ba chỉ, sườn non có giá 120.000 đồng/kg; thịt vai, thịt mông có giá 90.000 đồng/kg; thịt tai, chân giò có giá 70.000-80.000 đồng/kg.

Tại các chợ nông thôn, giá thịt chỉ ở mức 70.000 - 100.000 đồng. Riêng ở các siêu thị, các cửa hàng thực phẩm sạch, giá thịt cũng giảm nhẹ từ 15.000 -20.000 đồng/kg.

Chị Hà Thị Anh Nhung, một tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Quán Lau cho biết: “Đợt này giá lợn hơi giảm mạnh, giá thịt lợn cũng được điều chỉnh giảm sâu. Theo đó, mỗi kg thịt giảm từ 30.000-50.000 đồng”.

Giá thịt được điều chỉnh giảm từ 20-50.000 đồng/kg (tùy loại). Ảnh: Thanh Phúc
Giá thịt được điều chỉnh giảm từ 20.000-50.000 đồng/kg (tùy loại). Ảnh: Thanh Phúc

Theo các tiểu thương, sở dĩ giá thịt giảm sâu ngoài giá lợn hơi giảm mạnh thì còn là do dịch được kiểm soát, lưu thông thuận tiện, tiểu thương các nơi đều được mở bán nên nguồn cung dồi dào.

Mặc dù giá thịt giảm mạnh song sức mua tại các chợ khá thấp, nhiều quầy thịt ế ẩm. Nguyên nhân được cho là hiện các quán hàng đã mở cửa trở lại song người dân vẫn e ngại dịch bệnh nên khách vắng; Nhiều hoạt động như cưới hỏi, liên hoan, giỗ và nhiều bếp ăn tập thể… vẫn chưa tổ chức trở lại vì công tác phòng dịch nên sức tiêu thụ bị chững lại.

Dù giảm sâu nhưng thịt lợn vẫn ế ẩm, khó tiêu thụ. Ảnh: Thanh Phúc
Dù giảm giá sâu nhưng thịt lợn vẫn ế ẩm, khó tiêu thụ. Ảnh: Thanh Phúc

Anh Nguyễn Văn Kiếm, chủ một quán ăn tại thị trấn Quán Hành, Nghi Lộc cho biết: “Dịch bệnh khiến khách hàng thay đổi thói quen ăn uống. Thay vì đến nhà hàng, họ chọn lựa ăn tại nhà. Do đó, nếu như trước, bình thường mỗi ngày, quán sử dụng khoảng 10kg thịt lợn để chế biến các món ăn phục vụ thực khách thì nay, do lượng khách giảm nên chỉ cần khoảng 2kg thịt”.

Bên cạnh đó, khi các địa phương chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, chợ khôi phục hoạt động, hàng hóa đa dạng, người dân đi chợ thường xuyên hơn, có nhiều lựa chọn khi mua thực phẩm như tôm, cá, thịt bò, gà… thay vì mua nhiều thịt lợn để dữ trữ như trước đó.

Rau xanh khan hiếm, đội giá cao

Ảnh hưởng liên tiếp của mưa bão nên nhiều vùng trồng rau màu bị ngập úng, rau chết chưa kịp khôi phục. Ảnh: Thanh Phúc
Ảnh hưởng liên tiếp của mưa bão nên nhiều vùng trồng rau màu bị ngập úng, rau thối rữa trên các cánh đồng. Ảnh: Thanh Phúc

Liên tiếp các đợt mưa lớn khiến nhiều vùng trồng rau chuyên canh như: Quỳnh Lưu, Diễn Châu bị ngập úng. Đặc biệt, các ruộng rau tại nhiều địa phương vùng bãi ngang Quỳnh Lưu mất trắng. Bên cạnh đó, thời tiết bất lợi khiến diện tích rau vụ Đông vừa xuống giống đã bị ngập úng, phải gieo trỉa lại.

Trong khi đó, đất chưa kịp khô ráo thì lại liên tiếp gặp mưa nên việc khôi phục sản xuất gặp khó khăn. Nhiều vùng đồng trồng màu vẫn chưa được khép kín diện tích. Đây cũng là thời điểm các loại rau khan hiếm khi rau hè thu đã thu hoạch hết, rau vụ đông chưa kịp lên.

Ông Hồ Mậu Tuấn, Giám đốc HTX nông diêm Quỳnh Minh cho biết: “Mưa lũ vừa qua khiến 80% diện tích rau màu, chủ yếu là hành hoa bị ngập úng, hư hỏng nặng phải gieo trồng lại. Rau khan hiếm nên giá đội lên cao so với trước”.

Cộng với đó, rau vụ Đông vừa xuống giống, bén rễ, phải một thời gian nữa mới cho thu hoạch nên nguồn cung rau ra thị trường khan hiếm. Ảnh: Thanh Phúc
Cộng với đó, rau vụ đông vừa xuống giống, bén rễ, phải một thời gian nữa mới cho thu hoạch nên nguồn cung rau ra thị trường khan hiếm. Ảnh: Thanh Phúc

Nguồn cung hạn chế khiến giá rau đội lên cao, nhiều loại rau giá tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với trước. Cụ thể, rau muống từ 4.000-5.000 đồng/bó, nay tăng lên 7.000 - 8.000 đồng/bó; cải ngọt, cải ngồng, cải chíp 15.000-17.000 đồng/kg, tăng lên 25.000-30.000 đồng/kg; mướp từ 15.000 đồng/kg tăng lên 30.000 đồng/kg; đặc biệt, hành lá tăng từ 25.000 đồng/kg lên 70.000 đồng/kg; rau gia vị từ 5.000 đồng/bó to lên 14.000/bó to.

Hiện giá rau tại các chợ dân sinh tăng giá mạnh, có những loại tăng gấp 2-3 lần so với trước. Ảnh: Thanh Phúc
Hiện giá rau tại các chợ dân sinh tăng giá mạnh, có những loại tăng gấp 2-3 lần so với trước. Ảnh: Thanh Phúc

Chị Nguyễn Thị Nhàn, tiểu thương kinh doanh rau củ tại chợ Hưng Dũng cho biết: “Giá tất cả các loại rau đều tăng. Một phần là do mưa bão nên rau nội tỉnh cũng như các tỉnh khác bị ngập úng, hư hỏng; phần nữa, thời điểm này, các vùng trồng vừa vào vụ sản xuất, chưa có rau bán ra thị trường nên nguồn cung khan hiếm”.

Tuy nhiên theo nhận định, việc giá rau xanh tăng đột biến chỉ là tạm thời, khi thời tiết tốt lên, sản xuất vụ đông được đẩy mạnh, các vùng màu khôi phục sản xuất, cùng với đó, giao thương thuận lợi, nguồn cung dồi dào hơn thì chắc chắn giá rau, củ quả sẽ ổn định trở lại.

Mới nhất
x
Nghệ An: Giá thịt lợn ‘hạ nhiệt’, giá rau xanh đội lên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO