Nghệ An: Gian nan cuộc chiến chống hàng giả, gian lận thương mại

18/12/2017 06:22

(Baonghean) - Với vị trí nằm trên các tuyến đường quốc lộ Bắc - Nam có cảng biển, đường biên giới tiếp giáp nước bạn Lào, Nghệ An có điều kiện thuận lợi đẩy mạnh giao thương và phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ, vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội cho tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Hàng giả vẫn hoành hành

Nghệ An có 11.868 doanh nghiệp và 143.479 hộ kinh doanh, cùng với mạng lưới hạ tầng thương mại phát triển rộng khắp với khối lượng hàng hóa lưu thông đa dạng, phong phú. Những năm gần đây, Nghệ An không còn là điểm nóng về buôn lậu của cả nước như trước đây nhưng với cơ chế thị trường, hàng giả hàng nhái vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp.

Ngay trên tuyến đường Quang Trung (TP. Vinh), vào một cửa hàng điện tử điện máy, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hàng nhái thương hiệu. Đó là máy sấy tóc Panasonis - nhái thương hiệu Panasonic được bán với giá 150.000 đồng; nồi cơm điện TCSHLBA nhái nồi cơm điện Toshiba - được bán với giá 120.000 đồng... Chị chủ cửa hàng không giấu giếm cho hay, các sản phẩm này do Trung Quốc sản xuất, chúng tôi bán cho các đối tượng thu nhập thấp như công nhân lao động, học sinh sinh viên thuê trọ.

Lực lượng chức năng tiêu huỷ hàng giả, hàng nhập lậu. Ảnh: Tùng Chi
Mỹ phẩm nhập lậu bị lực lượng Quản lý thị trường thu giữ.. Ảnh: Tùng Chi


Không chỉ điện tử điện máy, hàng giả hàng nhái khá phổ biến ở các sản phẩm mỹ phẩm, và nguy hiểm hơn, ngay cả thuốc đông dược, tân dược cũng bị làm giả, làm nhái. Vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả chủ yếu là sản xuất thủ công, pha chế, đóng gói lại, thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa của các thương hiệu nổi tiếng nhằm đưa ra thị trường lừa dối người tiêu dùng để trục lợi.

Hàng gian lận thương mại đang thách thức các lực lượng chức năng. Buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả không những làm thất thu ngân sách, làm suy yếu nền kinh tế, nảy sinh tệ nạn tham nhũng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã có sự chung tay vào cuộc tích cực nhưng đến nay hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh ATTP vẫn là mối lo của người tiêu dùng.

Đâu là giải pháp?

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao Sở Công Thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 (Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại) của tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành và triển khai kịp thời các kế hoạch và văn bản chỉ đạo điều hành để thực hiện.

Đồng thời, Sở đã chỉ đạo Chi cục QLTT chủ động xây dựng và ký quy chế phối hợp lực lượng với Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Cục Hải quan, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Chi cục ATVSTP... xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra thường xuyên, thanh tra chuyên ngành theo quy định, tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả... 21 huyện, thành phố, thị xã đã thành lập Ban chỉ đạo 389 của địa phương.

Lực lượng chức năng tiêu huỷ hàng giả, hàng nhập lậu. Ảnh: Tùng Chi
Lực lượng chức năng tiêu huỷ hàng giả, hàng nhập lậu. Ảnh: Tùng Chi

Tuy vậy, bên cạnh kết quả đạt được, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của lực lượng quản lý thị trường còn một số tồn tại, hạn chế. Công tác quản lý địa bàn, quản lý các đối tượng kinh doanh chưa chặt chẽ và toàn diện, có lúc còn chưa kịp thời nắm bắt thông tin, nắm bắt tình hình để tham mưu các cấp có biện pháp xử lý.

Tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh ATTP vẫn còn diễn ra trên thị trường. Công tác quản lý nhà nước về giá còn nhiều bất cập: việc kê khai, đăng ký giá chưa được các doanh nghiệp thực hiện thường xuyên; việc niêm yết giá nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức, đối phó; bán không đúng giá niêm yết nhất là tại các chợ, các điểm du lịch. Công tác củng cố lực lượng còn chậm so với yêu cầu đề ra.

Đặc biệt, số lượng vụ kiểm tra tuy nhiều, nhưng mới chỉ dừng lại ở hình thức xử phạt vi phạm hành chính là chủ yếu, số vụ việc lớn chuyển cho cơ quan điều tra để khởi tố hình sự chưa nhiều nên tính răn đe đối với các đối tượng vi phạm chưa cao. Ngoài ra, dư luận cũng đặt ra câu hỏi vai trò trách nhiệm của cơ quan QLTT ở đâu khi một số chuyên án liên quan đến kinh doanh xăng dầu nhưng đều do thanh tra Sở KH&CN phát hiện, xử lý. Đó là chuyên án phá đường dây sản xuất IC giả gian lận xăng dầu (năm 2014) và mới đây là chuyên án phát hiện 20 doanh nghiệp, cửa hàng xăng dầu pha chế, kinh doanh xăng "bẩn". Vì có lỗ hổng trong công tác quản lý chất lượng, kinh doanh xăng dầu nên các hành vi kinh doanh xăng "bẩn", gian lận trong đo đếm vẫn tiếp tục len lỏi vào thị trường.

Nồi cơm điện nhái thương hiệu Toshiba bán trên phố Quang Trung, Tp.Vinh. Ảnh: Tùng Chi
Nồi cơm điện nhái thương hiệu Toshiba bán trên phố Quang Trung, Tp.Vinh. Ảnh: Tùng Chi


Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh cho biết: “Mặc dù công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả được thực hiện quyết liệt nhưng vẫn còn tồn tại những bất cập. Trong đó, nguyên nhân nổi cộm là do vấn đề nguồn lực, cơ chế thực thi cũng như phối hợp giữa các cơ quan ban ngành liên quan thiếu đồng bộ, có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Ngoài ra, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác đấu tranh chống hàng giả phương tiện giám định, phân biệt hàng thật, hàng giả, còn thiếu và yếu...”.

Từ thực tế đó, để chống nạn hàng giả, hàng nhái, ông Hoàng Văn Tám - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về kiểm tra, kiểm soát thị trường; Xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của các ngành, các lực lượng, các tổ chức và chính quyền địa phương trong công tác quản lý thị trường để phân công, phân cấp rõ một số nhiệm vụ; Thành lập một số đoàn kiểm tra liên ngành để tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường đối với các ngành hàng trọng điểm như: Xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, vệ sinh an toàn thực phẩm... Cùng với đó, tăng cường thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và hạ tầng thương mại;

Đối với lực lượng thanh kiểm tra như Chi cục Quản lý thị trường - Cơ quan Thường trực BCĐ 389 tỉnh, cần tăng cường phối hợp các lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm theo đúng quy định, tập trung triển khai có hiệu quả quy chế phối hợp đã ký với Công an tỉnh, Cục Hải quan, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Kiểm lâm để nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, chống sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn...

Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi trách nhiệm của không chỉ cơ quan QLTT mà cần sự vào cuộc của toàn xã hội, kể cả người tiêu dùng.

11 tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng tham gia Ban Chỉ đạo 389 trên địa bàn tỉnh đã tổ chức kiểm tra xử phạt 12.045vụ; Tổng giá trị thu phạt hơn 65 tỷ đồng. Riêng cơ quan QLTT, 11 tháng đầu năm đã tổ chức kiểm tra 8.643 vụ, xử lý 7.156 vụ, tổng giá trị thu phạt hơn 12 tỷ đồng. Trong đó: Phạt hành chính hơn 7,6 tỷ đồng; tịch thu, tiêu hủy hàng hóa trị giá hơn 4,6 tỷ đồng. Một số loại hàng giả, hàng kém chất lượng đã bị bắt giữ và xử lý như: mỹ phẩm, nước giải khát, bánh kẹo, bột ngọt, bột giặt, ke chống bão, phân bón, xăng dầu...


Tùng Chi

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nghệ An: Gian nan cuộc chiến chống hàng giả, gian lận thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO