Nghệ An: Giáo viên hợp đồng khấp khởi chờ tuyển dụng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn)- Sau nhiều tháng chờ đợi, chỉ tiêu biên chế giáo viên năm 2022 đã được UBND tỉnh thông qua và phân bổ về từng địa phương. Vấn đề bây giờ là phải tuyển dụng sao cho đúng quy định, đảm bảo công bằng, khách quan.

Những hy vọng

Cô giáo Vương Thị Hà là giáo viên Âm nhạc của Trường Tiểu học Nghi Hòa – thị xã Cửa Lò và đã từng 2 lần đạt Giáo viên dạy giỏi thị xã, 1 lần đạt Giáo viên dạy giỏi tiết đọc thư viện của tỉnh. Ở tuổi ngoài 30, có gần 10 năm gắn bó với trường, cô cũng được xem là giáo viên kỳ cựu, được đánh giá cao về năng lực, chuyên môn và tận tụy với nghề. Tuy nhiên, một điều thiệt thòi cho cô giáo Vương Thị Hà đó là đến nay cô vẫn đang là giáo viên hợp đồng của thị xã.

Giáo viên Trường Tiểu học Nghi Hòa - thị xã Cửa Lò mong sớm được vào biên chế. Ảnh: Mỹ Hà

Giáo viên Trường Tiểu học Nghi Hòa - thị xã Cửa Lò mong sớm được vào biên chế. Ảnh: Mỹ Hà

Đây có lẽ cũng là thiệt thòi lớn nhất của cô cho đến thời điểm này và bản thân cô mỗi lần nói đến công việc của mình lại thường tủi lòng. Nữ giáo viên này cũng nói rằng, dù là giáo viên hợp đồng, mọi chế độ quyền lợi không thể so sánh như những giáo viên khác nhưng cô chưa bao giờ nản lòng. Ngược lại, cô lại tự nhủ bản thân phải luôn cố gắng, hoàn thành nhiệm vụ được giao và còn phải đi tiên phong trong dạy học. Ước mơ lớn nhất của cô hiện nay đó là sớm được vào biên chế để có thể yên tâm công tác, gắn bó với công việc.

“Hiện nay, hệ số lương của tôi chưa được 3.0, cộng với thâm niên, phụ cấp cũng chỉ được hơn 5 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền này cũng chỉ được hưởng trong 9 tháng thực dạy. Còn lại, 3 tháng nữa chúng tôi chỉ được nhận mỗi tiền lương không có thêm các khoản hỗ trợ khác. Với mức thu nhập này để có thể nuôi hai cháu đang độ tuổi đi học và trang trải sinh hoạt gia đình thực sự khó khăn”.

Cô giáo Vương Thị Hà - giáo viên Âm nhạc của Trường Tiểu học Nghi Hòa – thị xã Cửa Lò

Trường Tiểu học Nghi Hòa đang còn 2 giáo viên hợp đồng thị xã. Trong khi đó, số giáo viên biên chế để bổ sung cho trường lại đang rất thấp, chưa đủ 1,1 giáo viên/lớp. Điều này, gây khó khăn rất nhiều cho nhà trường trong quá trình hoạt động. Chính vì vậy, trước thông tin có chỉ tiêu biên chế bổ sung, cô giáo Nguyễn Thị Phúc – Hiệu trưởng nhà trường rất mong chờ sẽ có biên chế dành cho các trường tiểu học và có chính sách ưu tiên để những giáo viên đã hợp đồng lâu năm ở nhà trường sớm được vào biên chế.

“Tỷ lệ giáo viên ở trường tôi rất thấp và thời gian tới sẽ tiếp tục có một số giáo viên nghỉ sinh nên việc thiếu giáo viên là điều đã dự báo trước. Trong hoàn cảnh hiện nay, tôi rất mong thị xã cần quan tâm tới những giáo viên đã hợp đồng lâu năm, bởi nếu không được vào biên chế có thể nhiều giáo viên sẽ bỏ việc. Như tại trường chúng tôi, chỉ 2 năm trở lại đây, có đến 2 giáo viên hợp đồng sau khi thi đậu viên chức đã xin chuyển sang địa phương khác công tác”.

Cô giáo Nguyễn Thị Phúc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò

Tốt nghiệp loại Giỏi Trường Đại học Vinh và đã ký hợp đồng theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP nên cô giáo Võ Thị Thanh Nhàn – giáo viên Trường Mầm non Hưng Thắng – Hưng Nguyên rất hy vọng sẽ sớm được tuyển dụng vào biên chế. Trong thời gian qua, để đón đầu cơ hội này, cô giáo Võ Thị Thanh Nhàn cũng không ngừng cố gắng, trau dồi chuyên môn, đăng ký tham gia các cuộc thi giáo viên dạy giỏi để có thể làm giàu thành tích cho mình.

“Từ đầu năm đến nay, giáo viên mầm non thuộc diện hợp đồng phải trải qua nhiều cảm xúc khác nhau, hồi hộp, lo lắng và có khi bị chậm lương, sợ bị cắt hợp đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này chúng tôi đã cơ bản yên tâm vì tỉnh đã có chính sách để chi trả lương và hiện cũng đã có biên chế để ưu tiên tuyển dụng. Mong muốn của chúng tôi là trong quá trình thực hiện, các đơn vị liên quan sẽ thực hiện theo đúng quy định và văn bản hướng dẫn để đảm bảo quyền lợi cho mọi giáo viên.

Cô giáo Võ Thị Thanh Nhàn – giáo viên Trường Mầm non Hưng Thắng – Hưng Nguyên

Hiện Trường Mầm non Hưng Thắng cũng là một trong những trường mầm non có số giáo viên hợp đồng thuộc diện 06, 09 nhiều nhất huyện Hưng Nguyên với 3 giáo viên. Vì vậy, cũng như các giáo viên khác, cô giáo Nguyễn Thị Trà – Hiệu trưởng nhà trường cũng cho rằng: Nếu tất cả các giáo viên hợp đồng đều được vào biên chế sẽ thuận lợi cho cả giáo viên và cả nhà trường, sẽ là một cơ sở để giáo viên gắn bó lâu dài với công việc chuyên môn.

Đảm bảo khách quan, đúng đối tượng

Tình trạng thiếu giáo viên ở Nghệ An đã diễn ra trong nhiều năm nay, đặc biệt là với giáo viên mầm non, tiểu học và giáo viên ở một số môn học đặc thù. Chính vì thế, vào giữa năm 2022, khi Bộ Nội vụ quyết định bổ sung cho Nghệ An 2.820 chỉ tiêu được xem là một tin vui cho không chỉ các giáo viên mà còn cho các địa phương và các nhà trường. Theo hướng dẫn của UBND tỉnh, trong số 2.820 chỉ tiêu này, tỉnh Nghệ An đã phân bổ 1.330 biên chế để tuyển dụng giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị định số 06/2018/NĐ - CP ngày 5/1/2018 của Chính phủ và hợp đồng theo Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT- BTC - BNV ngày 11/3/2013 của liên bộ Giáo dục và Đào tạo – Tài chính – Nội vụ (giáo viên hợp đồng theo 06, 09). Số còn lại, các địa phương có thể được tuyển mới giáo viên theo các chỉ tiêu cụ thể đã được phân bổ.

Nhiều giáo viên ở Trường Mầm non Cửa Nam, TP.Vinh đã đi làm nhiều năm nhưng vẫn đang là giáo viên mầm non thuộc diện 06, 09. Ảnh tư liệu: Mỹ Hà

Nhiều giáo viên ở Trường Mầm non Cửa Nam, TP.Vinh đã đi làm nhiều năm nhưng vẫn đang là giáo viên mầm non thuộc diện 06, 09. Ảnh tư liệu: Mỹ Hà

Việc bổ sung chỉ tiêu biên chế trong thời điểm này được xem là hết sức quan trọng. Tuy vậy, trên thực tế, số chỉ tiêu được giao so với nhu cầu vẫn chưa thể đáp ứng đủ.

Như tại thị xã Cửa Lò, qua trao đổi ông Phùng Đức Nhân – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã cho biết: Thị xã Cửa Lò đợt này được tuyển dụng 39 chỉ tiêu ở 3 bậc học, trong đó bậc Mầm non được bổ sung 29 biên chế để tuyển dụng giáo viên hợp đồng theo 06, 09; bậc Tiểu học được bổ sung 8 biên chế; bậc Trung học cơ sở được bổ sung 2 biên chế. Căn cứ vào các điều kiện và số định biên giao nên hiện nay phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã đang phối hợp với Phòng Nội vụ để tham mưu thực hiện đảm bảo đúng quy trình cũng như đáp ứng được thực tế của các nhà trường. Khó khăn hiện nay, đó là chỉ tiêu thì ít trong khi nhu cầu thực tế lại nhiều nên chưa thể đáp ứng đủ, bởi toàn thị xã tỷ lệ giáo viên mầm non mới đạt tỷ lệ 1,67 giáo viên/ lớp; tiểu học mới đạt 1,21 giáo viên/ lớp và THCS đạt 1,7 giáo viên/ lớp – thấp hơn tỷ lệ theo quy định. Ngoài ra, TX Cửa Lò đang còn khá nhiều giáo viên hợp đồng thị xã ở bậc THCS nhưng năm nay chỉ tiêu lại chỉ được 2 giáo viên nên rất khó “cân đong đo đếm”.

Quan điểm của ngành là tập trung để việc tuyển dụng theo đúng tiêu chí, đảm bảo công bằng khách quan và lựa chọn được những giáo viên thực sự có năng lực để có thể làm tốt công tác giảng dạy ở các nhà trường.

Ông Phùng Đức Nhân – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Cửa Lò

Dịp này, huyện Nam Đàn được giao bổ sung 130 biên chế. Trong đó, bậc Mầm non được bổ sung 101 biên chế, bậc Tiểu học được bổ sung 22 biên chế và bậc THCS được bổ sung 7 biên chế. Sau khi được phân bổ chỉ tiêu, huyện đang rà soát, cân đối để xây dựng vị trí cơ cấu chức danh trình Sở Nội vụ thẩm định phê duyệt trước khi tuyển dụng. Quan điểm của huyện cũng là ưu tiên giáo viên hợp đồng diện 06; 09 nhưng cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn và các văn bản hướng dẫn.

Tiết học Âm nhạc của giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Nghi Hòa - thị xã Cửa Lò. Ảnh: Mỹ Hà

Tiết học Âm nhạc của giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Nghi Hòa - thị xã Cửa Lò. Ảnh: Mỹ Hà

Việc bổ sung biên chế lần này rất kịp thời và giải quyết được những khó khăn nhất định ban đầu. Về phía chính quyền chúng tôi đang cố gắng để từ nay đến ngày 15/1/2023 trình Sở Nội vụ về vị trí chức danh và phấn đấu 30/1/2023 sẽ tuyển dụng toàn bộ giáo viên mầm non 06,09. Ngoài ra, cũng sẽ sớm tuyển dụng các vị trí giáo viên khác để bổ sung cho các nhà trường, giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng như hiện nay.

Ông Hoàng Nghĩa Hùng - Trưởng phòng Nội vụ huyện Nam Đàn

Xung quanh việc tuyển dụng giáo viên, về phía các đơn vị liên quan như Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã lường trước những khó khăn, vướng mắc. Đó là nhiều địa phương đang có giáo viên mầm non 06,09 tuy được diện ưu tiên nhưng lại chưa đủ bằng cấp chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục 2019; một số địa phương đang có nhiều giáo viên hợp đồng lâu năm nên khó khăn trong việc ưu tiên xét tuyển vì thiếu các tiêu chí. Chính vì vậy, để việc tuyển dụng được đảm bảo công bằng, khách quan, mới đây Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn, trong đó ngoài yêu cầu việc tuyển dụng phải theo đúng các văn bản quy định, thì cần có lưu ý một số đối tượng cần được quan tâm, ưu tiên hoặc các đối tượng không đủ bằng cấp theo quy định.

Theo hướng dẫn, việc tuyển dụng phải ưu tiên giáo viên mầm non 06, 09. Ảnh: Mỹ Hà

Theo hướng dẫn, việc tuyển dụng phải ưu tiên giáo viên mầm non 06, 09. Ảnh: Mỹ Hà

Cũng theo văn bản này, trong quá trình tuyển dụng các địa phương cần phải thực hiện tuyển dụng đối với giáo viên mầm non thuộc diện 06,09 nếu đủ các tiêu chuẩn về bằng cấp và hoàn thành nhiệm vụ. Trong trường hợp, nếu giáo viên có trình độ đạt chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2005 nhưng chưa đạt chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 thì có thể tuyển dụng đặc cách và giáo viên phải có cam kết (hoặc được bố trí) đào tạo theo lộ trình nâng trình độ đạt chuẩn quy định... Với trường hợp giáo viên hợp đồng khác, Sở yêu cầu các địa phương trong quá trình tuyển dụng cần xem xét ưu tiên tuyển dụng các đối tượng đã hợp đồng lao động lâu năm, có nhiều đóng góp cho ngành Giáo dục và được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên.

Việc Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản hướng dẫn kịp thời cũng sẽ từng bước tháo gỡ những khó khăn cho các địa phương và làm cơ sở để việc tuyển dụng được đảm bảo công bằng, khách quan và thấu tình, đạt lý, đảm bảo quyền lợi cho tất cả các giáo viên./.

tin mới

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

(Baonghean.vn) - Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường chọn sách giáo khoa, đòi hỏi các giáo viên cần phải có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để đảm bảo có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Du học sinh

Cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định du học

(Baonghean.vn) - Du học nay đã không còn là lựa chọn của những học sinh có năng lực, có điều kiện. Thay vào đó, hiện nay, nhiều học sinh đã lựa chọn du học bởi đây là con đường gần nhất để các em vừa vẫn đảm bảo việc học nhưng sớm có cơ hội có nghề, tìm kiếm việc làm.

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

(Baonghean.vn) - Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An cho các giáo viên ở miễn phí trong khu tập thể, dù trong hợp đồng nêu rõ, khi nào nhà trường có nhu cầu, các hộ sẽ phải trả lại, nhưng đến khi trường cần mặt bằng để xây ký túc xá cho học sinh, những người này lại từ chối bàn giao.

Lớp 10

Thi lớp 10 ở thành phố Vinh: Cửa hẹp vào công lập

(Baonghean.vn) - Tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập là mong muốn của đông đảo phụ huynh, học sinh thành phố Vinh. Điều đó càng cấp thiết hơn khi năm nay, số lượng học sinh thi vào lớp 10 trên địa bàn tăng đột biến với hơn 800 em.