Nghệ An: Hàng nghìn trẻ em, người già nhập viện lúc giao mùa
(Baonghean.vn) - Trung bình mỗi ngày có hơn 1.000 trẻ em, người già ở Nghệ An nhập viện vì các bệnh đường hô hấp, viêm da dị ứng, tiêu hóa ...
Tại khoa khám bệnh của Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, những ngày này, số lượng trẻ mắc bệnh đến khám rất đông, gia tăng đột biến. Ước tính mỗi ngày, các bác sĩ ở đây thực hiện khám và điều trị cho 900-1.200 trẻ. Rất nhiều trẻ có các triệu chứng liên quan đến bệnh dịch mùa hè chuyển thời tiết từ viêm da cho đến ho, sốt, tiêu chảy.
Chị Nguyễn Thị Hoa (ở phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai) đưa con là cháu Trần Tuấn Sang, 7 tháng tuổi đến khám, chị lo lắng bày tỏ: "Dù đã chăm sóc con rất kỹ, kiêng gió, kiêng nước nhưng không hiểu vì sao cháu lại sốt phát ban..."
Các phòng khám hoạt động hết công suất nhưng không xuể; phụ huynh và con trẻ mệt mỏi chờ đợi. |
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà – Trưởng Khoa Khám bệnh cho biết: Sốt phát ban là bệnh rất thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ thuộc nhóm tuổi từ 6 - 36 tháng tuổi. Đây là giai đoạn trẻ có sức đề kháng rất kém vì lượng kháng thể tự nhiên của mẹ truyền cho trẻ đã giảm xuống đáng kể, trong khi hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện. Bệnh còn rất dễ lây nhiễm, nhất là trong môi trường có tính tập thể, các mẹ cần tránh cho bé không tới chỗ đông người.
Hiện tại, hầu hết các trẻ mắc bệnh giao mùa, như sốt phát ban, sốt vi rút, rối loạn đường tiêu hóa, bệnh về đường hô hấp… ; còn số lượng trẻ mắc tay chân miệng, thủy đậu là không nhiều. Tuy nhiên, đây chỉ là giai đoạn đầu của mùa nắng, khi các đợt nóng gay gắt xuất hiện, kéo dài thì dịch bệnh mùa hè nhất là ở trẻ em và người già mới bùng phát.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng Khoa khám bệnh Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khám cho cháu Trần Tuấn Sang bị sốt phát ban. |
Không riêng gì ở trẻ mà nhiều người già cũng mắc các chứng bệnh giao mùa, chuyển thời tiết. Mỗi ngày phòng khám Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An thường tiếp nhận từ 1.000- 1.100 lượt khám, trong đó có khoảng 200 - 350 bệnh nhân nhập viện, số bệnh nhân điều trị nội trú ở đây thường xuyên duy trì từ 1.500 – 1.700 bệnh nhân. Các bệnh hay gặp vẫn là bệnh về đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa, da liễu, sốt xuất huyết ...
Một trong những nguyên nhân dẫn tới các bệnh về đường hô hấp nói trên là do việc mặc áo quần mỏng, sử dụng điều hòa nhiệt độ quá sớm. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà lý giải: Cơ quan cảm thụ của bộ máy hô hấp rất nhạy cảm với thời tiết lạnh. Khi ta hít thở không khí lạnh, niêm mạc hô hấp phản ứng lại bằng sự sung huyết, phù nề và tăng tiết dịch. Phản ứng còn xảy ra khi bị nhiễm lạnh ở những vùng ngoài bộ máy hô hấp như cổ, ngực, vùng lưng, bàn chân, đặc biệt là gan bàn chân.
Các bác sĩ khuyến cáo: vào đầu mùa hè, nhiệt độ môi trường bắt đầu tăng cao, để phòng bệnh lây lan, người dân cần để nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, mở cửa nhưng bảo đảm không bị gió lùa nhằm tránh tồn lưu vi-rút trong môi trường; phun thuốc diệt muỗi, phát quang bụi rậm, mắc màn khi ngủ, dọn sạch các vũng nước đọng trong nhà. Các bệnh chưa có vắc-xin phòng ngừa như tay chân miệng, sốt xuất huyết, người dân chú ý vệ sinh cá nhân và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và lúc cho trẻ ăn, bế ẵm trẻ, thay tã... Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, điều trị bệnh; thực hiện tiêm chủng đối với những bệnh có thể phòng được bằng cách tiêm chủng như thủy đậu. Đặc biệt, dù mắc bệnh hay chưa mắc bệnh thì chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng và chữa bệnh. Mọi người cần ăn đủ chất dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả tươi để tăng sức đề kháng. Riêng với trẻ, chế độ ăn cần đa dạng, tăng cường rau quả giàu vitamin C, A để hỗ trợ hệ miễn dịch ... Phòng bệnh đường tiêu hóa, mọi người không ăn rau sống, thức ăn ôi thiu, không uống nước lã; Sử dụng lồng bàn đậy đồ ăn và diệt ruồi nhặng; Rửa tay sạch trước khi ăn và chế biến thực phẩm. |
Thanh Sơn – Hoàng Yến