Nghệ An - Hành trình gần một thế kỷ dưới sự lãnh đạo của Đảng

Nguyên Thanh 22/10/2020 10:46

(Baonghean.vn) - Từ đầu thế kỷ XX, Nghệ An đã bắt đầu hình thành các cơ sở công nghiệp, các đồn điền có quy mô lớn. Vinh trở thành trung tâm công nghiệp ở miền Trung. Giai cấp công nhân hình thành. Nhiều trường học ra đời. Tầng lớp trí thức tân học, tiểu tư sản xuất hiện, nhanh chóng tiếp cận, tiếp thu và truyền bá các tư tưởng mới để tiến hành đấu tranh chống thực dân. Các tổ chức cách mạng ra đời và nhanh chóng trưởng thành về tư tưởng và tổ chức.

Từ Đảng Phục Việt đến Đông Dương Cộng sản Liên đoàn

Ngày 14 thàng 7 năm 1925, tại núi Con Mèo (Bến Thủy), Hội Phục Việt được thành lập với các yếu nhân là: Lê Văn Huân, Trần Phú, Trần Đình Thanh, Tôn Quang Phiệt, Ngô Đức Diễn. Sau một thời gian ngắn hoạt động tích cực, Hội Phục Việt đổi tên là Hội Hưng Nam, lần lượt cử người sang Quảng Châu liên hệ với Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội (Thanh Niên).

Để chuẩn bị hợp nhất với Thanh Niên, Hội Hưng Nam đổi tên thành Việt Nam cách mạng Đảng rồi lại đổi tên là Việt Nam cách mạng đồng chí hội. Hợp nhất với Thanh Niên không thành, ngày 14/7/1928, hội này tiến hành đại hội, đổi tên là Tân Việt cách mạng Đảng, bầu ông Đào Duy Anh làm Bí thư, chủ trương theo đường lối chính trị của Thanh Niên. Nhiều đảng viên của Tân Việt đã tham gia các lớp huấn luyện của nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu.

Từ ngày 3 đến 7-2-1930, tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản ở Việt Nam là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Tranh vẽ minh họa
Từ ngày 3 đến 7/2/1930, tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản ở Việt Nam là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Tranh vẽ minh họa

Năm 1929, Tỉnh bộ Thanh niên ở Nghệ An được thành lập. Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời ở Bắc Kỳ. Ngày 01/01/1930, tại Đò Trai (Đức Thọ) các đảng viên Tân Việt trung kiên theo tư tưởng cộng sản thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Ngày 03/02/1930, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Các tổ chức cơ sở của Đảng cũng chính thức hình thành tại Nghệ An từ sau tháng 3/1930 như: Xứ ủy Trung kỳ, Tỉnh bộ lâm thời Vinh và Tỉnh bộ lâm thời Nghệ An...

Trên hành trình giải phóng và bảo vệ đất nước

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An đã nhanh chóng tham gia và đi đầu trong cuộc đấu tranh giải phóng, bảo vệ độc lập dân tộc của cả nước.

Ngay khi mới ra đời, Đảng bộ Nghệ An cùng với Đảng bộ Hà Tĩnh đã tổ chức và lãnh đạo cao trào đấu tranh cách mạng 1930 - 1931 với đỉnh cao Xô viết Nghệ Tĩnh, đã giáng một đòn mạnh mẽ vào chế độ cai trị của thực dân Pháp và chính quyền tay sai. Xô viết Nghệ Tĩnh chưa thành công nhưng Đảng và các lực lượng cách mạng đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu.

Tháng 7/1936, Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương được thành lập. Ở Nghệ An, các nghiệp đoàn được thành lập ở Vinh - Bến Thủy; các phường hội cũng được thành lập ở vùng nông thôn và nhanh chóng tổ chức các cuộc đấu tranh dưới nhiều hình thức phong phú như chống “Dự án thuế thân”; Phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ; Phong trào Đại hội Đông Dương yêu sách quyền tự do dân chủ; tổ chức đình công, biểu tình… Qua phong trào bình dân (1936 – 1939), Đảng và các lực lượng cách mạng đã trưởng thành lên một bước để bước vào giai đoạn vận động giành chính quyền.

Đình Võ Liệt thuộc xã Võ Liệt (Thanh Chương) cũng là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu trong phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh (1930-1931). Năm 1940, đình Võ Liệt chứng kiến sự kiện Chi bộ Võ Liệt được khôi phục. Năm 1945, đây là một trong những điểm tập hợp lực lượng quần chúng đấu tranh giành chính quyền và nơi làm việc của chính quyền cách mạng. Ảnh tư liệu: Huy Thư

Cùng với các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, tháng 1/1941, ở Nghệ An xảy ra binh biến Đô Lương và các cuộc nổi dậy ở các đồn điền Sông Con, Hương Sơn, các cuộc biểu tình ở Hưng Nguyên, Trường Thi “đã nâng cao tinh thần dân tộc, làm cho bở vía quân thù” (Báo Cờ giải phóng, 1942).

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngày 19/5/1945, Việt Minh liên tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh được thành lập do ông Nguyễn Xuân Linh đứng đầu và nhanh chóng tổ chức phong trào đấu tranh theo chủ trương sách lược của Trung ương Đảng. Ngày 8/8/1945, Việt Minh liên tỉnh đại hội để bàn về khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 16/8/1945, xã Thanh Thủy (Nam Đàn) là địa phương đầu tiên giành được chính quyền, sau đó là Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Diễn Châu… Ngày 21/8/1945, khởi nghĩa Vinh - Bến Thủy thắng lợi. Ngày 24/8/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Nghệ An được thành lập, ông Lê Viết Lượng là Chủ tịch.

Cùng cả nước đánh thắng hai đế quốc to

Chính quyền cách mạng mới được thành lập đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thử thách. Nạn đói tiếp tục hoành hành; Nông nghiệp tiêu điều; Công nghiệp đình đốn. Quân Tàu - Tưởng thế chân Nhật tác oai tác quái. Để đối phó với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, Nghệ An kêu gọi phong trào tăng gia sản xuất, khôi phục công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải. Tổ chức phong trào bình dân học vụ, xây dựng đời sống văn hóa mới, khôi phục các trường học, bệnh viện…; Xây dựng lực lượng vũ trang chủ lực và dân quân tự vệ...

Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nghệ An là hậu phương lớn cung cấp nhiều sức người, sức của cho cuộc kháng chiến, xứng đáng với nhận định của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Không có Thanh - Nghệ - Tĩnh, không có Điện Biên Phủ”.

Nghệ An trong kháng chiến chống Mỹ
Đơn vị 208 tham gia chiến đấu trong ngày 5/8/1964 tại TP Vinh, là đơn vị bắn rơi máy bay thứ 100 của đế quốc Mỹ; Dân quân xã Diễn Hùng (huyện Diễn Châu) dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay phản lực Mỹ; Đoàn xe vận tải quân sự vượt cầu phao Cầu Cấm trong chiến dịch vận tải Quang Trung (1967); Thanh niên xung phong Truông Bồn lấp hố bom. Ảnh tư liệu

Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc (1965 - 1968 và 1972), Nghệ An là một địa bàn đánh phá ác liệt nhất của Không quân và Hải quân Mỹ. Nghệ An đã kiên cường đánh thắng các thủ đoạn chiến tranh của địch, bắn rơi 533 máy bay, bắn chìm 36 tàu chiến, tàu biệt kích, tham gia hàng trăm trận trên chiến trường Lào. Mặt khác, liên tục giữ vững huyết mạch giao thông chi viện cho các chiến trường miền Nam, đóng góp sức người, sức của cho chiến trường theo tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Để có những chiến công trong hai cuộc chiến tranh, ngay từ khi mới thành lập chính quyền cách mạng, Nghệ An đã chú trọng xây dựng tổ chức Đảng và chính quyền vững mạnh làm hạt nhân để ổn định và phát triển xã hội trên tất cả các lĩnh vực. Những sai lầm cực đoan trong cải cách ruộng đất cũng sớm được sửa sai, hóa giải để xây dựng khối đại đoàn kết.

Trên đường xây dựng quê hương

Hành trình phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An bị đứt quãng bởi các cuộc chiến tranh kéo dài hơn 30 năm (nếu tính cả chiến tranh Tây Nam và Biên giới phía Bắc). Từ năm 1975 đến 1985, kinh tế - xã hội của Nghệ An phát triển chật vật vì nguồn lực hạn chế, cơ chế quản lý lỗi thời. Từ 1986, với đường lối đổi mới, cùng với cả nước, Nghệ An đã nỗ lực vượt khó vươn lên và có những bước phát triển nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hóa – xã hội.

Nền kinh tế hướng tới phát triển toàn diện, bền vững, chuyển dịch cơ cấu hợp lý, cơ chế quản lý được cải tiến, các nguồn đầu tư được tăng cường. Nông nghiệp phát triển theo hướng thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước công nghiệp hóa nền nông nghiệp. Công nghiệp hướng đến công nghệ cao, hiệu quả và an toàn, nhiều khu, cụm công nghiệp hình thành. Dịch vụ được mở rộng và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Nhờ đó, nền kinh tế tăng trưởng dương liên tục. Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, Vinh trở thành đô thị loại I, góp phần thúc đẩy công nghiệp và dịch vụ phát triển.

Kể từ khi chính quyền cách mạng được thành lập đến nay, sự nghiệp văn hóa, giáo dục luôn được quan tâm đầu tư phát triển. Các cuộc vận động văn hóa, cải cách giáo dục liên tục diễn ra, hệ giá trị mới hình thành trên nền tảng tiếp thu truyền thống dân tộc, các thành tựu mới được xác lập, dân trí được nâng cao, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thẩm mỹ/ tri thức của cộng đồng, phục vụ hiệu quả các cuộc vận động cách mạng.

Thành phố Vinh hôm nay. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Khát vọng vươn xa “thành tỉnh khá”

Gần 1 thiên niên kỷ đi qua, Nghệ An luôn gắn liền và bền bỉ đóng góp vào tiến trình lịch sử - văn hóa dân tộc. Nghệ An tự hào là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của nhiều nhà yêu nước và cách mạng tiền bối, nhiều chiến sỹ cộng sản trung kiên, nhiều nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước, nhiều nhà trí thức, nghệ sỹ lớn của đất nước.

Ngày nay, với ý chí kiên cường, trí tuệ sáng tạo, Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An đang nỗ lực vươn lên để biến khát vọng xây dựng quê hương “thành một tỉnh khá” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn bằng những chiến lược, kế sách rõ ràng và khoa học.

Chắc chắn khát vọng tốt đẹp này sẽ là hiện thực không xa nữa.

Mới nhất

x
Nghệ An - Hành trình gần một thế kỷ dưới sự lãnh đạo của Đảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO