Tầm vóc và ý nghĩa quốc tế của Xô viết Nghệ Tĩnh

PGS.TS. Nguyễn Công Khanh

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
(Baonghean.vn) - Xô viết Nghệ Tĩnh là điểm nhấn điển hình nhất, là đỉnh cao của của phong trào cách mạng trong cả nước 1930 - 1931. Chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp rung trời chuyển đất của liên minh công nông và nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa mới ra đời.
 

Kỷ niệm 90 năm ngày Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 2020), ngoài ôn lại ý nghĩa lịch sử trọng đại của sự kiện này nói chung, xin nói thêm về ý nghĩa quốc tế của Xô viết Nghệ Tĩnh.

Có thể khẳng định, ngay cả trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức ra đời, Đông Dương Cộng sản Đảng tổ chức và lãnh đạo thành công lễ kỷ niệm 12 năm ngày Cách mạng tháng Mười Nga thành công (7/11/1917 - 7/11/1929) ở Nghệ An. Để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm đó, Xứ ủy Trung kỳ cũng đã kịp thành lập các cơ quan ấn loát, cho in rất nhiều truyền đơn và áp phích, trong đó có: “Lập chính phủ Xô viết công - nông - binh Đông Dương”, “Thực hiện công - nông chuyên chính, giao nhà máy cho thợ thuyền, giao ruộng đất cho dân cày”...

Cũng nhân lễ kỷ niệm đó, Xứ ủy Trung Kỳ đã phân phát với số lượng lớn số báo ra ngày 1/11/1929 của tờ báo “Búa liềm” (cơ quan ngôn luận của Đông Dương Cộng sản Đảng) với nội dung là tuyên truyền về Cách mạng tháng Mười Nga và kêu gọi quần chúng khắp nơi noi gương Liên bang CHXHCN Xô viết.

Đội tự vệ đỏ ở Hòa Quân - Đông Sớ trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931). Ảnh tư liệu: Bảo tàng LSQSVN
Đội tự vệ đỏ ở Hòa Quân - Đông Sớ trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931). Ảnh tư liệu: Bảo tàng LSQSVN

Tiếp đó, thực hiện chủ trương hướng tới kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930 của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần đầu tiên ở nước ta, ngay từ giữa tháng 4/1930, Xứ ủy Trung Kỳ và Đảng bộ Nghệ An đã tích cực triển khai công tác chuẩn bị và quyết định lấy ngày Quốc tế Lao động làm ngày phát động phong trào đấu tranh của nhân dân trong toàn tỉnh. 

Trong cuộc biểu tình với quy mô lớn tại Vinh - Bến Thủy sáng ngày 1/5/1930,  công nhân và nông dân nội, ngoại thành thành phố Vinh - Bến Thủy dương cao cờ đỏ búa liềm và biểu ngữ, hàng ngũ chỉnh tề, hô vang khẩu hiệu: “Đánh đổ đế quốc Pháp và Nam triều phong kiến chế độ”, “Ủng hộ Xô Nga”… và hát vang bài “Quốc tế ca”.

Rõ ràng, trước khi ra đời Xô viết Nghệ Tĩnh, nhiều người cách mạng và dân chúng Nghệ An đã biết và hướng về Cách mạng tháng Mười, về nước Nga Xô viết và Liên Xô. Có thể thấy, sự xuất hiện của chính quyền Xô viết ở Nghệ An không phải là một sự ngẫu nhiên. Từ sau năm 1917, trong cao trào cách mạng dưới ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga, trên thế giới đã bắt đầu xuất hiện hình thức chính quyền Xô viết (hoặc là mang những tính chất giống với Xô viết ở Nga) tại một số nước châu Âu (ở Đức, 1918 - 1923; ở Hunggari, 1919) và Trung Quốc (1927-1934).

Công xã Paris và Xô viết ở Nga, Đức, Hunggari là những chính quyền chuyên chính vô sản xuất hiện trong phong trào cách mạng vô sản ở các nước đế quốc tư bản, đồng thời nó ra đời sau khi nhân dân tiến hành khởi nghĩa vũ trang thành công ở các thành, thị. Ở Trung Quốc, một nước phong kiến nửa thuộc địa, đất rộng người đông, lại bị nhiều đế quốc xâu xé, các thế lực quân phiệt hỗn chiến liên miên, nên chính quyền Xô viết có điều kiện thành lập ở nhiều tỉnh.

Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh.
Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh.

Trong khi đó, chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh ra đời gắn với hoàn cảnh lịch sử của cách mạng Việt Nam và do vậy cũng mang những đặc điểm riêng và có đóng góp của mình vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Đây là chính quyền Xô viết nông dân ra đời ở một nước thuộc địa với nền kinh tế lạc hậu, ngay khi Đảng cộng sản vừa ra đời; là mô hình nhà nước công - nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.

Có thể nói, đây là bằng chứng sinh động của sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cách mạng Việt Nam. Khi cuộc đấu tranh của nhân dân nổ ra mạnh mẽ, bộ máy chính quyền thực dân, phong kiến ở làng xã bị tê liệt, thì đòi hỏi phải có một tổ chức đứng ra quản lý trật tự nông thôn. Trước yêu cầu cấp bách đó, các “xã bộ nông”, từ chức năng một đoàn thể của nông dân, đã nhanh chóng chuyển sang làm chức năng chính quyền cách mạng của dân, chịu trách nhiệm sắp xếp tổ chức và phụ trách các công việc trong thôn xã: Sử dụng đội tự vệ Đỏ để chống địch khủng bố, trấn áp bọn cường hào và giữ gìn trật tự nông thôn; lãnh đạo chia lại ruộng đất công, xóa bỏ các thứ thuế vô lý do đế quốc phong kiến đặt ra; tổ chức cho nhân dân học chữ Quốc ngữ; tổ chức việc tuyên truyền, cổ động và lãnh đạo các đoàn thể...

Thông qua hoạt động của “xã bộ nông”, “thôn bộ nông”, có thể khẳng định: Chính quyền Xô viết ở Nghệ An thực hiện hai chức năng chủ yếu là xây dựng và trấn áp. Nó mang vừa mang tính chất là một công cụ chuyên chính của nhân dân (chủ yếu là của nông dân) để chống lại thực dân phong kiến, vừa mang tính chất là một chính quyền trực tiếp điều hành mọi hoạt động của làng xã.

Hình thức tổ chức và quy mô hoạt động của chính quyền Xô viết ở Nghệ An rất đa dạng. Hầu hết các Xô viết đều được tổ chức dưới hình thức Ban Chấp hành Nông hội đỏ nắm chính quyền dưới sự lãnh đạo của chi bộ cộng sản. Ngoài ra, trong giai đoạn đầu của cao trào cách mạng, khi chưa có các điều kiện thuận lợi, ở một số địa phương chi bộ Đảng tranh thủ, sử dụng các hào lý làm việc, phục vụ cho cách mạng. Nghĩa là, vẫn để cho hào lý nắm quyền điều hành làng xã bình thường nhưng chịu sự chỉ đạo, kiểm soát của các chi bộ Đảng. Tuy hình thức bên ngoài vẫn là của chế độ cũ song thực chất và nội dung hoạt động bên trong đã thuộc về chính quyền nhân dân. Một khi phong trào đấu tranh của dân chúng làm cho bộ máy cai trị của địch tan rã hoàn toàn thì chi bộ Đảng lãnh đạo nhân dân đứng ra nắm chính quyền.

Như vậy, tùy theo so sánh lực lượng giữa ta và địch, có nơi Xô viết hình thành sớm, có nơi hình thành muộn. Cũng có những nơi do địch khủng bố tàn bạo làm cho phong trào đấu tranh tạm lắng xuống thì chi bộ Đảng lại chỉ đạo đưa người của mình ra làm lý trưởng để đảm bảo bí mật, tránh được sự tàn sát, khủng bố của kẻ thù, đồng thời tạo điều kiện cho chính quyền cách mạng hoạt động có hiệu quả. Đây là kiểu Xô viết mang tính sáng tạo độc đáo của nhân dân Nghệ An dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Một điều khác biệt của chính quyền Xô viết Nghệ An so với các nơi khác trên thế giới là nó được hình thành ra ở cấp xã, chứ không phải ở cấp huyện, và thời gian ra đời, tồn tại của các Xô viết cũng không giống nhau. Chính quyền Xô viết ở Nghệ An được hình thành theo tác động dây chuyền từ làng này sang làng khác, tùy theo đặc điểm của phong trào đấu tranh ở từng vùng. Ngoài ra, thời gian tồn tại của các chính quyền Xô viết nói chung là khoảng 9 tháng, nhưng ở các làng xã cũng mỗi nơi một khác, có nơi do địch khủng bố mạnh nên ra đời chưa bao lâu thì đã tan rã, nhưng cũng có nhiều nơi khi địch khủng bố gắt gao thì tạm thời lắng xuống sau đó phục hồi trở lại. 

Như vậy, chính quyền cách mạng ở Nghệ Tĩnh trong những năm 1930 - 1931 được gọi là “Xô viết”, với ý nghĩa là Đảng bộ và nhân dân lao động Nghệ An đã lập được chính quyền cách mạng đúng với tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin. Không những bản thân tên gọi đó cũng làm nổi bật ý nghĩa quốc tế của Xô viết Nghệ Tĩnh, mà chính Xô viết Nghệ Tĩnh đã thực sự cho thấy đóng góp trên phương diện vĩ mô của mình.

Sau khi nhận được thông báo của Trung ương Đảng về phong trào Xô viết ở Nghệ An, Nguyễn Ái Quốc một mặt ca ngợi và biểu dương tinh thần đấu tranh kiên cường của quần chúng công nông Nghệ An, mặt khác góp ý với Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong công tác chỉ đạo phong trào cách mạng ở Nghệ An. Theo Người, nhiệm vụ cần thiết trước mắt mà các cơ sở Đảng ở Nghệ An phải chú trọng thực hiện là: “Tập hợp, tổ chức, vận động nông dân đấu tranh giành những quyền lợi hàng ngày, chứ không phải để tiến hành một cuộc khởi nghĩa địa phương”. [“Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập I”, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1981, tr.149.]. Ngày 29/9/1930, Nguyễn Ái Quốc đã gửi thư cho Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, trong đó trình bày cụ thể tình hình đấu tranh cách mạng của công nông Nghệ Tĩnh, đồng thời yêu cầu Quốc tế Cộng sản có ý kiến chỉ đạo đối với phong trào. Tiếp đó, trong bức thư gửi Quốc tế Nông dân (5/11/1930), Người báo cáo về các cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân, việc thành lập chính quyền Xô viết ở Nghệ An, lên án cuộc khủng bố đàn áp dã man của đế quốc Pháp và đề nghị tổ chức này giúp đỡ gấp cho các nạn nhân bị khủng bố…” [Văn kiện Đảng toàn tập, tập II (1930), Nxb. Chính trị Quốc gia, 1998, tr.224]. Ngày 19/2/1931, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục gửi báo cáo cho Quốc tế Cộng sản dưới tiêu đề “Nghệ Tĩnh Đỏ”. Trong bản báo cáo lần này, sau khi đã trình bày chi tiết tình hình đấu tranh chung của công nhân và nông dân Nghệ An, Người đã khẳng định: “Bom đạn, súng máy đốt nhà, đồn binh…, tuyên truyền của chính phủ, báo chí... đều bất lực, không dập tắt nổi phong trào cách mạng của Nghệ Tĩnh” [Văn kiện Đảng toàn tập, tập III (1931), Nxb. Chính trị Quốc gia, 1998, tr.53].

Trong khi đó, Quốc tế Cộng sản đã nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao phong trào. Báo Vô sản Pháp số ra tháng 10/1931 đã đánh giá: “Cuộc vận động này là một bước lớn trong cuộc phản đế và điền thổ, có ảnh hưởng to lớn trong lịch sử giải phóng Đông Dương”.

Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931.
Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931.

Như vậy, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh không chỉ là cuộc tập dượt lãnh đạo cách mạng đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam từ khi ra đời, là đỉnh cao của phong trào cách mạng trong những năm 1930-1931 mà ý nghĩa của nó đã vươn tầm quốc tế, mang ý nghĩa thời đại sâu sắc. Tuy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và còn sơ khai nhưng phong trào đã để lại những dấu ấn tốt đẹp về một Nhà nước công - nông đầu tiên, chưa có trong tiền lệ lịch sử, đáp ứng khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của người dân mất nước, nô lệ. Xô viết Nghệ Tĩnh không chỉ được ghi dấu mãi mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam, mà còn là sự kiện mang ý nghĩa quốc tế, minh chứng cho nhận định: Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới; những nhà cách mạng tiền bối ở Nghệ Tĩnh nói riêng, Việt Nam nói chung đã có nhiều đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp phát triển chung của lịch sử nhân loại tiến bộ...

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.