Nghệ An hoàn thành hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 5.322 nhà cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở
(Baonghean.vn) - Chiều 16/11, Ban Chỉ đạo vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An họp đánh giá kết quả 10 tháng triển khai thực hiện; triển khai nhiệm vụ thời gian tới.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì cuộc họp.
Dự cuộc làm việc có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, Phó Trưởng ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo.
9 ĐỊA PHƯƠNG THỰC HIỆN VƯỢT CHỈ TIÊU ĐĂNG KÝ NĂM 2023
Theo kết quả rà soát, phê duyệt của các địa phương, toàn tỉnh hiện có 14.914 hộ có nhu cầu hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở giai đoạn 2023 - 2025.
Trong đó, số hộ đề nghị hỗ trợ xây dựng nhà lắp ghép là 3.955 hộ, số hộ đề nghị hỗ trợ xây dựng mới (tự xây) là 6.907 hộ, số hộ đề nghị hỗ trợ sửa chữa (tự sửa) là 4.052 hộ.
Hiện có 148 tổ chức, cá nhân (trong đó có 21 huyện, thành, thị) đã đăng ký vận động, ủng hộ chương trình qua Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo tỉnh, với tổng số nhà đăng ký hỗ trợ là 12.196 căn, tương ứng 618,449 tỷ đồng; trong đó đăng ký thực hiện trong năm 2023 là 6.709 căn.
Về tiếp nhận nguồn hỗ trợ, toàn tỉnh đã huy động nguồn lực để ủng hộ triển khai thực hiện Chương trình bằng nhiều hình thức với tổng số tiền quy đổi trên 476 tỷ đồng.
Trong đó, nguồn ủng hộ Chương trình qua đăng ký với Ban Chỉ đạo các cấp với số tiền quy đổi là 283,628 tỷ đồng, đạt gần 46% tổng kinh phí đăng ký ủng hộ Chương trình. Nguồn các huyện, thành phố, thị xã vận động và các nhà tài trợ hỗ trợ trực tiếp cho người dân hơn 69 tỷ đồng.
Các địa phương huy động nhân dân để làm 3.553 móng nhà lắp ghép, tương ứng khoảng 42,64 tỷ đồng.
Các nguồn lực khác như kinh phí, ngày công, vật tư, vật liệu… của chính người dân, sự giúp đỡ của anh em họ hàng, làng xóm theo thống kê chưa đầy đủ của các địa phương ước tính khoảng 150 tỷ đồng.
Qua 10 tháng thực hiện, từ nguồn lực trên đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được 5.322 nhà, đạt gần 97% kế hoạch của năm 2023 (5.500 nhà).
Trong đó, các địa phương tự vận động thực hiện được 1.386 nhà, vượt 81 nhà so với đăng ký thực hiện năm 2023 của các địa phương.
Tiêu biểu có 9 địa phương đạt và vượt mức đăng ký thực hiện trong năm 2023 về cả kinh phí đã tiếp nhận và số nhà đã thực hiện gồm: Quế Phong, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Diễn Châu, Quỳ Hợp, Đô Lương, Cửa Lò, Hoàng Mai; 4 địa phương đã tiếp nhận kinh phí ủng hộ vượt mức đăng ký vận động năm 2023 gồm: Tương Dương, Thanh Chương, Thái Hòa, Nghi Lộc.
Phát biểu tại cuộc làm việc, đánh giá kết quả thực hiện 10 tháng qua đạt được rất tích cực, tuy nhiên theo Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhận định, trong năm 2024 sẽ có những khó khăn, vì vậy cần phải nỗ lực thực hiện.
Về việc phân bổ từ nguồn vận động của tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị, trước hết các huyện, thành, thị phải thực hiện trách nhiệm kêu gọi, vận động theo cam kết; số còn lại tỉnh sẽ phân bổ.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị tổ chức cuộc họp trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo tỉnh với các địa phương cấp huyện để triển khai chương trình trong năm 2024; đồng thời đề nghị đẩy nhanh tiến độ phân bổ nguồn kinh phí đã vận động; cũng như các sở, ban, ngành cần nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện chương trình theo đăng ký.
RÀ SOÁT, THỐNG NHẤT DANH SÁCH, TRÁNH TRÙNG LẶP VỚI CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
Kết luận cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý - Trưởng ban Chỉ đạo đánh giá, qua 10 tháng kể từ ngày phát động, việc triển khai chương trình được thực hiện bài bản, nghiêm túc, quyết liệt.
Năm đầu tiên triển khai thắng lợi cho thấy tính đúng đắn của chương trình, có tính hiệu triệu cao, tạo dư luận đồng tình cao trong xã hội để chăm lo cho người nghèo có điều kiện an cư lạc nghiệp.
Thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo gấp rút chỉ đạo các địa phương rà soát để phê duyệt, thống nhất danh sách các hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở được hỗ trợ từ chương trình, không để trùng lặp với các hộ được thụ hưởng từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là tại 4 huyện đang vướng là Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu.
Đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo thống nhất với các ý kiến thành viên là nguồn vận động của tỉnh sẽ phân bổ hỗ trợ làm mới, sửa chữa nhà cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở trên cơ sở trừ số đăng ký của các huyện, thành phố, thị xã; qua đó để nâng cao quyết tâm thực hiện của các địa phương. Nếu địa phương nào khó khăn trong kêu gọi, vận động sẽ được xem xét cân nhắc vào giai đoạn cuối của chương trình.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cũng đề nghị Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo tỉnh tiến hành phân loại, thống kê để thông tin đến các nhà tài trợ việc sử dụng kinh phí được ủng hộ; đồng thời có hình thức để thay mặt các hộ gia đình nghèo cảm ơn nhà tài trợ.
Đồng chí Thái Thanh Quý thống nhất sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo tỉnh với các huyện, thành, thị để triển khai chương trình trong giai đoạn tới.
Trong bối cảnh dự báo năm 2024, việc kêu gọi, vận động cho chương trình sẽ gặp nhiều khó khăn, Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã, các sở, ngành đã đăng ký năm 2024 quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu. Về phía cấp tỉnh sẽ cố gắng tìm kiếm các nguồn tài trợ để thực hiện phần còn lại.
Ghi nhận, đánh giá cao Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, song Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cũng đề nghị thời gian tới phải xử lý các tình huống linh động hơn nữa để đảm bảo kịp thời trong quá trình tham mưu cho Thường trực Ban Chỉ đạo và Ban Chỉ đạo của Chương trình; đồng thời trong báo cáo gửi Ban Chỉ đạo cần chỉ rõ đích danh các địa phương thiếu quan tâm thực hiện chương trình.