Nghệ An: học sinh Khơ Mú bỏ học đi đào vàng
(Baonghean.vn) - Vụ ngạt khí vàng ở Quảng Nam khiến 3 phu vàng người Khơ Mú ở Kỳ Sơn (Nghệ An) tử vong đã dóng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng người dân đi đào đãi vàng trái phép. Ở Nghệ An, rất nhiều bản làng vắng đàn ông, phụ nữ vì họ bỏ đi đào vàng.
Bản Huồi Cụt (Yên Na, Tương Dương) chỉ 95 nóc nhà nhưng đã có hàng chục phu vàng làm việc ở các điểm khai thác trong và ngoài tỉnh. Trong đó có những trẻ em gái tuổi mới 15, 16 nhưng cũng đã rời quê đến vùng vàng mưu sinh.
Ở bản Huồi Cụt hiện nay chỉ có người già và trẻ em, phần lớn thanh thiếu niên tìm đường mưu sinh khắp nơi trong và ngoài tỉnh, trong đó tập trung nhiều ở các bãi vàng tỉnh Quảng Nam và khu vực Nam Trung bộ. |
Ông Lữ Văn Dung - Bí Thư chi bộ bản Huồi Cụt thông tin, hiện trong bản có 11 thanh niên đang theo những đội khai thác vàng tại một số vùng trong tỉnh Nghệ An. Những phu vàng này đều là những thanh niên xuất thân trong những gia đình hoàn cảnh khó khăn hoặc vì thiếu việc làm phải tìm đến mưu sinh tại các bãi vàng.
Trong số này phải kể đến trẻ em gái sinh từ năm 2000 - 2001 đang làm việc tại những bãi vàng ở tỉnh Quảng Nam, có em bỏ học từ lớp 7 để theo bạn “đi đẩy xe rùa” ở những bãi vàng cách nhà cả nghìn cây số.
Những phụ nữ ở xã Yên Na đi đào vàng trái phép. Ảnh: Nguyên Khoa |
Ông Lữ Văn Minh, Công an viên bản Huồi Cụt cho biết: Năm 2014 khi mới 13 tuổi và đang học dở lớp 7, Xeo Thị Giang đã bỏ học theo một người ở xã Lượng Minh vào bãi vàng ở Quảng Nam. Cuối năm 2015 ,Giang trở về nhà và sau Tết vừa qua cô rủ theo một nhóm bạn gồm 3 người trong bản nữa đi cùng. Đây đều là những thiếu nữ vừa bỏ học, cảnh nhà nghèo không có việc làm nên “đánh đường” đi làm vàng.
Từ nhỏ, các em học sinh ở Yên Na đã biết đi đào đãi vàng. Ảnh: Nguyên Khoa |
Trong căn nhà lá tạm bợ giữa bản, ông Xeo Văn Quyết kể về quãng thời gian gần 1 năm của đứa con gái 20 tuổi là Xeo Thị Chói lao động ở bãi vàng thuộc tỉnh Quảng Nam. Sau khi nghe tin 3 nạn nhân người Khơ mú tử nạn vào ngày 12/4 vừa qua, ông Quyết bảo sẽ kiên quyết không cho con trở lại đó dù có nghèo đói đến mấy. Trong khi ông Quyết nói chuyện với khách, Xeo Thị Chói ngồi bó gối trong căn nhà lá. Nom cô Xeo Thị Chói già hơn cái tuổi 20 đến gần chục năm. Không được học hành, không biết tiếng Kinh nhưng Xeo Thị Chói vẫn theo bạn đi “làm vàng” ở Quảng Nam. “Nó đi năm 2014, 2015 thì về”, Ông Quyết nhớ lại.
Xeo Thị Chói mang theo bệnh tật trở về địa phương sau 1 năm lao động tại bãi vàng tỉnh Quảng Nam |
Với sự phiên dịch của bố mình, Xeo Thị Chói cho biết: Vào giữa năm 2014, một người đàn bà tên Bảo ở xã Lượng Minh (Tương Dương) đến “tuyển” người đi làm vàng, Chói xin đi cùng một nhóm chỉ toàn là phụ nữ và trẻ em gái. Không ai biết chính xác địa điểm đến chỉ biết đó là Công ty Quang Minh vùng Quang Mập thuộc tỉnh Quảng Nam. Khi vào bãi vàng vì sức khỏe yếu không đẩy được xe rùa nên được chủ bãi vàng bố trí giặt giũ quần áo, rửa bát đũa. Một thời gian sau thì đổ bệnh. Chân tay phù nề vì tiếp xúc với nước ô nhiễm thủy ngân. Sau gần một năm người nhà phải vào đưa cô trở về quê.
“Nó chỉ mang về được 1 triệu đồng. Nghe nói lúc đầu cũng được 2 triệu nhưng người bạn đi cùng lấy đi 1 triệu tiền ăn uống, đi đường.”, ông Quyết cho hay. Gần 1 năm trở về từ bãi vàng, những cơn đau vẫn ngày đêm hành hạ cô gái tuổi đôi mươi có gương mặt già nua ấy.
Cách nhà ông Quyết không xa là căn nhà sàn bằng gỗ khá khang trang của bà Vi Thị Phương. Gia đình này cũng có Cụt Thị Thìn, sinh năm 2000 (con gái bà Phương) từng có 3 tháng làm việc tại bãi vàng ở Quảng Nam. “Đang dở lớp 10, tiêu tốn 1 con bò rồi thì nó bỏ về vì không thích học nữa. Nó theo bạn đi Quảng Nam được 3 tháng thì về.”
Bà Vi Thị Phương mẹ của Cụt Thị Thìn kể về quãng thời gian con gái theo bạn đi làm vàng |
Vào vùng rừng thiêng nước độc, ròng rã 3 tháng trời bữa ăn chỉ có cơm, cá khô và nõn chuối rừng nên cô bé đang tuổi ăn tuổi lớn không chịu đựng nổi. Còn bà Vi Thị Phương thì xót xa cho biết: “thấy con khổ quá, không cho đi làm vàng nữa đâu.” Tuy vậy, cũng vì không có việc làm nên ở nhà không được bao lâu, Thìn lại theo mấy người bà con trong họ đi phu hồ ở tỉnh Bắc Giang.
Ngoài những thiếu nữ như Xeo Thị Giang, Cụt Thị Thìn, Xeo Thị Chói, ở Huồi Cụt và một số bản như Xốp Pu, Huồi Xen đều có hàng chục người đang lao động ở những bãi vàng, bãi quặng ở trong và ngoài tỉnh.
Xốp Pu cũng là một quần cư Khơ mú nữa thuộc xã Yên Na có đông đảo thanh niên, phụ nữ đang lao động tại các bãi vàng, bãi quặng ở trong và ngoài tỉnh. Ông Ốc Văn Huệ có có con trai là Ốc Văn Chuẩn đang lao động tại một bãi quặng ở huyện Quỳ Hợp. Ông Huệ cho biết, Cháu về kể điều kiện lạo động rất vất vả, phải chui xuống hầm sâu để đãi quặng. Công việc đầy rẫy tai ương, nhưng vì không có việc làm những thanh niên như Chuẩn vì miếng cơm manh áo phải chấp nhận số phận.
Ông Cụt Thái Sơn, Trưởng bản Xốp Pu cho biết hiện có khoảng trên 20 thanh niên đang lao động xa nhà, chủ yếu là đi khai thác chui, thổ phỉ tại các bãi vàng, bãi quặng. Thanh thiếu niên đi làm vàng, tiền không thấy chỉ thầy nhiều người mang theo tệ nạn xã hội về địa phương. Nào rượu chè, cờ bạc, nghiện hút. Và 3 nạn nhân là anh em ruột quê ở Bảo Thắng (Kỳ Sơn) vừa tử vong tại Quảng Nam cũng là những người đã rơi vào tình trạng nghiện ngập. Vậy nên thực trạng này đã và đang gióng lên hồi chuông báo động về công tác quản lý lao động địa phương và vấn đề việc làm thu nhập tại địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa của Nghệ An.
Hữu Vi - Chu Thanh