Nghệ An: Hơn 90% doanh nghiệp chưa đăng ký nhãn hiệu
(Baonghean.vn) - Nghệ An hiện có 12.000 doanh nghiệp đăng ký sản xuất kinh doanh nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng, sáng chế, giải pháp hữu ích rất ít.
Nghệ An hiện có 811 đối tượng được bảo hộ với 636 nhãn hàng hoá, 53 kiểu dáng, 7 giải pháp hữu ích và 10 sáng chế. So với toàn quốc, số đối tượng được cấp bằng bảo hộ của các doanh nghiệp Nghệ An xếp loại trung bình khá, nhưng so với các tỉnh, thành như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng thì tỷ lệ quá nhỏ, và rất ít doanh nghiệp sử dụng hiệu quả thương hiệu.
Ke chống bão của Công ty TNHH Định Nhàn là một trong những sáng chế được ứng dụng vào thực tế mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: Tùng Chi |
Theo Sở Khoa học Công nghệ, hơn 90% doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An chưa đăng ký nhãn hiệu. Trong số các nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ thì số nhãn hiệu gắn với sản phẩm chưa nhiều, chỉ chiếm 60%.
Trong 636 nhãn hàng hóa được bảo hộ chỉ có khoảng 30% nhãn hiệu được các doanh nghiệp khai thác và mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất kinh doanh.
Một số sản vật của Nghệ An như cam Vinh, nước mắm Vạn Phần, nước mắm Cửa Lò... được đăng ký nhãn hiệu. Ảnh tư liệu |
Đối với các tài sản đã được bảo hộ, các doanh nghiệp chưa chủ động quảng bá, xúc tiến thương mại khai thác giá trị của nó để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Thực hiện chính sách khoa học công nghệ khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, hàng năm số lượng các dự án được hỗ trợ kinh phí theo cơ chế chính sách chiếm tỷ lệ 16% - còn ít so với số đối tượng được cấp văn bằng bảo hộ.
Ông Phạm Hồng Hải - Trưởng phòng Quản lý công nghệ và phát triển thị trường, Sở KHCN cho biết: Nghệ An có tiềm năng rất lớn về cây con đặc sản, các sản phẩm mang địa danh, các làng nghề phát triển nhưng số lượng bảo hộ về chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận là quá ít chưa xứng với tiềm năng của địa phương và so với các địa phương trong cả nước.
Hiện có hơn 32 sản phẩm mang địa danh, hàng chục các sản phẩm làng nghề truyền thống chưa tổ chức đăng ký xác lập quyền sở hữu.
Bưởi hồng Quang Tiến đang được Sở KHCN chọn để hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu thập thể gắn với du lịch. Ảnh: Quang Huy |
Trưởng phòng quản lý công nghệ và phát triển thị trường, Sở KHCN cho biết thêm: Hiện nay chúng tôi đang tập trung hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các doanh nghệp, dự kiến đến năm 2020 đăng ký thêm 5 chỉ dẫn địa lý, 5 nhãn hiệu chứng nhận, 5 nhãn hiệu tập thể bao gồm các nội dung từ tạo lập đến khai thác phát triển, hỗ trợ cho 20 mô hình nhỏ xây dựng nhãn hiệu tập thể từ các đối tượng.
Số đối tượng đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp đạt 1.000 đối tượng, trong đó quan tâm hỗ trợ việc đăng ký bảo hộ về sáng chế, giải pháp hữu ích và khai thác, phát triển các tài sản trí tuệ.
Tùng Chi
TIN LIÊN QUAN |
---|