Nghệ An: Kết nối giao thông tạo lực đẩy phát triển

28/10/2016 06:41

(Baonghean) - Với việc sớm hoàn thành nhiều công trình cầu đường và hạ tầng giao thông trọng điểm, ngành Giao thông vận tải (GTVT) đóng góp tích cực trong việc kết nối các vùng miền, các khu công nghiệp với cảng biển, sân bay phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.

Hoàn thành nhiều tuyến đường trọng điểm

Đầu tháng 9/2016, cầu Yên Xuân dài 3,6 km bắc qua sông Lam được hoàn thành. Công trình này đúng nghĩa kết nối “những bờ vui” bởi lẽ giúp nhân dân các xã “5 Nam” của huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên và các xã của huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đi lại thuận lợi, xóa bỏ được sự cô lập như ốc đảo trong mùa mưa lũ, giải quyết vấn đề mất an toàn giao thông và ùn tắc giao thông khu vực cầu đường sắt Yên Xuân, đồng thời đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trên tuyến tránh TP. Vinh, Quốc lộ 15A, Quốc lộ 8, thúc đẩy việc thông thương để người dân vùng Nam Nghệ - Bắc Hà phát triển kinh tế.

hhh
Thi công đoạn đường 537A đi từ Quỳnh Long lên TX. Thái Hòa. Ảnh: Trần Tố

Cùng thời điểm, tuyến đường nối QL 1A với QL 48 thông xe, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới đối với các địa phương dọc hai bên tuyến, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội cho nhân dân vùng Tây Bắc Nghệ An và kết nối với vùng kinh tế Bắc Nghệ An, Nam Thanh Hóa. Đặc biệt, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế vùng trọng điểm và các khu công nghiệp, nhà máy như: Nhà máy Chế biến gỗ MDF Nghệ An; Khu Công nghiệp Nghĩa Mỹ (TX. Thái Hòa); Nhà máy Xi măng Tân Thắng, Xi mặng Hoàng Mai II, Công ty CP thực phẩm Sữa TH...

Hai công trình nêu trên là những điển hình trong hàng loạt công trình giao thông quan trọng mà ngành GTVT Nghệ An phối hợp hoàn thành khi thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển Nghệ An đến năm 2020, như: Nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn qua địa bàn tỉnh; QL46 tránh thành phố Vinh (QL46B); nâng cấp, mở rộng QL48; QL48B, đường Tây Nghệ An; Châu Thôn - Tân Xuân; QL15; nâng cấp, mở rộng ĐT.534, ĐT.535, cầu Bến Thủy 2, cầu Dùng, 7 cầu vượt đường sắt,...

Tính từ tháng 7/2013 đến nay, ngành GTVT Nghệ An đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng được 394,5 km đường với tổng vốn đầu tư huy động từ các nguồn 7.636 tỷ đồng (trong đó có 315 km của các dự án do Sở GTVT làm chủ đầu tư).

Qua trao đổi, đồng chí Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở GTVT cho biết: Địa bàn Nghệ An rộng, địa hình, địa chất phức tạp, chính vì vậy việc xây dựng các công trình hạ tầng giao thông đòi hỏi nhiều nguồn vốn và thời gian để thi công. Những năm qua, sở tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành để huy động tối đa nguồn vốn cho phát triển giao thông; đồng thời đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo kỹ thuật, chất lượng công trình.

Cùng với việc hoàn thành các công trình trọng điểm, Sở GTVT còn tham mưu cho UBND tỉnh ban hành những tiêu chí, quy trình xây dựng, bảo dưỡng hệ thống giao thông nông thôn. Đặc biệt, UBND tỉnh đã hỗ trợ 486.445 tấn xi măng cho các địa phương làm đường giao thông nông thôn, được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ tham gia đóng góp làm đường. Tính từ tháng 7/2013 đến nay, toàn tỉnh xây dựng mới và nâng cấp được 2.192 km đường giao thông nông thôn; trong đó: Đường nhựa 321km, đường BTXM 1.344 km,... Tổng kinh phí đã thực hiện khoảng 3.062 tỷ đồng.

Tiếp tục sứ mệnh kết nối

Bên cạnh đảm nhận vai trò “tổng chỉ huy” trong phát triển giao thông đường bộ, ngành GTVT Nghệ An còn tích cực phối hợp với các bộ, ngành, tổng công ty, tập đoàn kinh tế để nâng cấp Cảng hàng không Vinh thành Cảng Hàng không Quốc tế.

Ngành GTVT cũng đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp nâng cấp cảng Cửa Lò, đáp ứng cho tàu 1 vạn tấn ra vào thường xuyên, an toàn, thuận lợi, hoàn thiện các hồ sơ thủ tục đầu tư xây dựng bến số 5, 6 cảng Cửa Lò; đầu tư xây dựng Cảng Vissai tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc phục vụ vận chuyển của Tập đoàn Xi măng The Vissai, đáp ứng tàu từ 3 đến 7 vạn tấn ra vào; Cảng Xăng dầu DKC dự kiến cuối năm 2016 sẽ hoàn thành. Đồng thời, khởi công xây dựng cảng nước sâu Cửa Lò và hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng cụm cảng Đông Hồi.

Tuyến đường nối QL1A - Nghĩa Đàn - TX. Thái Hòa mở ra nhiều cơ hội phát triển.
Tuyến đường nối QL1A - Nghĩa Đàn - TX. Thái Hòa mở ra nhiều cơ hội phát triển.

Để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh kết nối giao thông giữa các vùng miền, từ nay đến năm 2020, Sở GTVT nỗ lực cùng các sở, ngành hoàn thành các thủ tục đề nghị Chính phủ đưa vào kế hoạch bố trí vốn trái phiếu Chính phủ và huy động các nguồn vốn khác đầu tư hoàn thành các dự án: 2 cầu vượt tại nút giao Quốc lộ 46, Quốc lộ 46B với đường tránh thành phố Vinh, cầu Đò Cung; Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ Quán Bánh đến cầu Bến Thủy; hoàn thành Đại lộ Vinh - Cửa Lò (11km), đây là tuyến đường có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hình thành trục không gian kiến trúc kết nối thành phố Vinh với thị xã du lịch Cửa Lò, tạo cơ sở thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.

Cùng đó, hoàn thành các tuyến đường N5 Khu kinh tế Đông Nam đến Hoà Sơn (Đô Lương), kết nối vùng kinh tế phía Tây Nam tỉnh Nghệ An với Khu kinh tế Đông Nam, cảng nước sâu Cửa Lò, nâng cao năng lực vận tải, giao thông, thương mại, thuận lợi trong thu hút đầu tư... phục vụ vận chuyển xi măng cho Nhà máy Xi măng Sông Lam và Nhà máy Xi măng Sông Lam 2.

Dự án xây dựng tuyến đường ven biển Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An) cũng được khởi động, nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên vùng ven biển và xúc tiến dự án đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền vào trung tâm xã, thường xuyên bị cô lập khi có thiên tai xảy ra như xã Mường Típ, Mường Ải, Na Ngoi (Kỳ Sơn)... góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng miền Tây và đảm bảo quốc phòng an ninh biên giới.

Trao đổi về lĩnh vực kết nối giao thông, đồng chí Huỳnh Thanh Điền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Với khối lượng công việc như vậy, đòi hỏi Sở GTVT phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ kết nối giữa các vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp với sân bay, cảng biển; giữa các khu dân cư nông thôn với thành thị; giữa miền núi và miền xuôi; giữa tỉnh Nghệ An với các tỉnh bạn và kết nối với các tỉnh nước bạn Lào. Từ đó, tạo thành hệ thống liên kết chặt chẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả vùng Bắc Trung bộ. Bên cạnh nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Trung ương và ngân sách địa phương, tỉnh có chủ trương huy động các nguồn đầu tư như BT (đổi đất lấy công trình), TPP (hợp tác công tư), ODA,... để thúc đẩy nhanh việc kết nối hạ tầng giao thông phục vụ công cuộc phát triển.

Cùng với hạ tầng giao thông, những năm qua, tỉnh Nghệ An chú trọng lồng ghép nhiều nguồn vốn để phát triển hạ tầng thủy lợi, hồ đập phục vụ phát triển nông nghiệp; xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch đô thị; phát triển hạ tầng lưới điện, đảm bảo 21/21 huyện, thành, thị có điện lưới quốc gia, 100% số xã có điện lưới quốc gia.

Tỉnh cũng đẩy mạnh xây dựng hạ tầng các khu đô thị, hạ tầng giáo dục, y tế; hạ tầng bưu chính viễn thông, Khu kinh tế Đông Nam... đáp ứng về nâng cao đời sống dân sinh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nguyên Sơn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Nghệ An: Kết nối giao thông tạo lực đẩy phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO