Chương trình Mạch nguồn ví, giặm sẽ lan tỏa giá trị trường tồn

Thanh Nga 24/04/2023 18:16

(Baonghean.vn) - Chương trình được tổ chức vào ngày 14/5 để tôn vinh văn hóa xứ Nghệ nhằm tri ân 5 nhạc sĩ tiêu biểu của Nghệ An là Nguyễn Văn Tý, An Thuyên, Hồng Đăng, Nguyễn Tài Tuệ, Nguyễn Trọng Tạo.

Trước thềm đêm diễn có ý nghĩa đặc biệt này, Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với ông Lê Doãn Hợp - nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội, người đứng ra tổ chức đêm nhạc.

Ông Lê Doãn Hợp phát biểu tại buổi họp báo chương trình Mạch nguồn ví, giặm. Ảnh: Ngô Đức Hành

P.V: Thưa ông, từ nguồn cơn nào mà Hội đồng hương lên kế hoạch tổ chức chương trình Mạch nguồn ví, giặm?

TS. Lê Doãn Hợp: Chương trình được tổ chức trước hết là để tôn vinh văn hóa xứ Nghệ. Nghệ An ta có 5 giá trị văn hóa đáng tự hào cần được tôn vinh, đó là: Văn hóa Xô viết Nghệ Tĩnh; mạch nguồn dân ca ví, giặm; danh nhân tiêu biểu; tinh thần hiếu học và người Nghệ xa quê thành đạt. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên tìm cách đưa các giá trị văn hóa vào các hoạt động thường niên của mình. Riêng chương trình “Mạch nguồn ví, giặm” nhằm tôn vinh 5 nhạc sĩ có nhiều cống hiến, có nhiều tác phẩm để đời, được chúng tôi ấp ủ suốt 2 năm nay mới thực hiện được.

Chương trình nhằm tri ân 5 nhạc sĩ tiêu biểu của Nghệ An thành danh tại Hà Nội. Ảnh tư liệu

Việc tổ chức chương trình này, có 5 lý do như sau:

Thứ nhất, nhằm tôn vinh Dân ca ví, giặm, Di sản phi vật thể của nhân loại, là niềm tự hào của bất cứ người Nghệ nào.

Thứ hai, 5 nhạc sĩ của chúng ta gồm Nguyễn Văn Tý, Hồng Đăng, An Thuyên, Nguyễn Tài Tuệ, Nguyễn Trọng Tạo là những nhạc sĩ rất tài hoa.

Thứ ba, chương trình cũng nhằm tôn vinh quê hương xứ Nghệ, bởi người Nghệ An không chỉ có tài thao lược đánh đuổi giặc ngoại xâm mà còn là những nghệ nhân với tinh hoa văn hóa đậm chất.

Thứ tư, chương trình được tổ chức cũng nhằm động viên các nhạc sĩ trẻ, họ thấy được sự cống hiến và hy sinh vì nghệ thuật của các bậc cha anh đi trước mà có nhiều hơn nữa sự sáng tạo, cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu. Đồng thời, họ thấy được sự tôn vinh này để có thêm động lực sáng tác, lao động và cống hiến.

Thứ năm, chương trình được tổ chức cũng nói đến tấm lòng của những người Nghệ, nếu không có sự ủng hộ của con em xứ Nghệ thì sẽ rất khó để có được chương trình này.

NSƯT Thanh Lam tham gia chương trình Mạch nguồn ví, giặm. Ảnh tư liệu

P.V: Vì sao chúng ta đặt tên nó là: “Mạch nguồn ví, giặm”, thưa ông?

TS. Lê Doãn Hợp: Ban đầu chúng tôi định gọi nó là “Đồng vọng sông Lam”, rồi “Đồng vọng Lam giang”, xong lại đổi là “Từ mạch nguồn ví giặm”, cuối cùng chốt phương án “Mạch nguồn ví, giặm”. Tên gọi này khẳng định một giá trị thông suốt rằng, đêm nhạc này nhằm tôn vinh những ca khúc có âm hưởng Dân ca ví, giặm, nằm trong mạch nguồn chảy suốt trong tác phẩm của các nhạc sĩ này.

NSƯT Thanh Lam phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, ngoài mạch nguồn ví giặm, trong kho tàng ca khúc nổi tiếng của mỗi nhạc sĩ lại có thêm những âm hưởng khác. Ví như nhạc sĩ An Thuyên có âm hưởng dân ca miền núi Bắc Bộ với “Hành quân lên Tây Bắc”,... Hồng Đăng có nhiều tác phẩm mang âm hưởng thính phòng hay nhạc nhẹ như “Hoa sữa”, “Biển hát chiều nay”..., Nguyễn Văn Tý có âm hưởng dân ca Nam Bộ như “Dáng đứng Bến Tre”, ... Thế nên, nếu để tôn vinh hết giá trị tác phẩm của họ thì 10 đêm cũng không đủ. Vì thế, chúng ta chỉ bám vào mạch chính đó là những tác phẩm có mang âm hưởng Dân ca ví, giặm nhằm tôn vinh giá trị văn hóa xứ Nghệ thông qua những tác phẩm âm nhạc bất hủ này.

Cũng xin nói thêm rằng trong buổi họp báo gần đây có người đã hỏi tôi, chúng ta còn một nhạc sĩ nữa đó là Ánh Dương, người sáng tác ca khúc “Chào em cô gái Lam Hồng” rất nổi tiếng, sao không tri ân vào dịp này? Tôi trả lời rằng là bởi các nhạc sĩ mà chúng tôi vinh danh trong “Mạch nguồn ví, giặm” là những nhạc sĩ người Nghệ An thành danh ở Hà Nội và phải có 3 bài hát trở lên được các giải thưởng và nằm lòng trong trái tim người nghe nhạc. Tác phẩm của nhạc sĩ Ánh Dương vì thế chúng tôi không đưa vào chương trình, dù ông cũng là nhạc sĩ cùng thời rất nổi tiếng.

P.V: Đêm nhạc được tổ chức vào trung tuần tháng 5 hẳn là mang một ý nghĩa đặc biệt?

TS. Lê Doãn Hợp: Đúng vậy, tôi rốt ráo chuẩn bị cho kịp vào tháng 5, tháng sinh nhật Bác, dù 5 nhạc sĩ này chỉ có hai người viết về Bác là nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ và nhạc sĩ An Thuyên. Đây là món quà ý nghĩa mà người dân quê Bác dâng Người.

Cũng xin nói rằng để có được đêm nhạc này chúng tôi đã có quá trình chuẩn bị rất công phu, rất dài hơi. Ngoài việc chọn đạo diễn có chuyên môn giỏi, sự hỗ trợ của gia đình, chúng tôi còn phải kêu gọi sự ủng hộ và hỗ trợ của con em xa quê, đặc biệt là những ca sĩ quê Nghệ An. Việc chọn được Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô cũng là thành công, bởi nơi này có số lượng ghế tương đối lớn, với 1.011 ghế đủ cho những khách mời quê Nghệ An tại Hà Nội và một số địa phương khác.

Cũng cần phải nói thêm rằng để có được sự ủng hộ của các bạn ca sĩ, chúng tôi cũng đã chuyện trò để thống nhất với họ rằng, việc tham gia vào đêm nhạc trước hết là vì tình yêu và trách nhiệm với quê hương, là tấm lòng với các nhạc sĩ. Có nhiều ca sĩ từ những ca khúc của các nhạc sĩ này mới có tên tuổi lừng lẫy, vậy nên sự tri ân hôm nay cũng là điều cần thiết. Và rất đáng trân trọng là họ không thực hiện các hợp đồng kinh tế đối với Ban tổ chức chương trình. Đó là một thành công trong bối cảnh chúng tôi đã phải nỗ lực rất nhiều trong việc huy động kinh phí cho đêm nhạc này.

P.V: Vậy thưa ông, nhân dân ta sẽ được thưởng thức chương trình thông qua các kênh truyền hình chứ ạ?

TS. Lê Doãn Hợp: Đúng thế, chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên 3 kênh VTV1, NTV, HTV để bà con người Nghệ đều được thưởng thức. Chương trình này thực hiện là để cho dân xem mà! Cũng xin nói thêm rằng, giá trị văn hóa trong các ca khúc của 5 nhạc sĩ tài hoa của chúng ta sẽ càng được tôn vinh và lan tỏa khi chúng ta có những hoạt động nhằm hướng tới công chúng. Công chúng phải được thụ hưởng văn hóa thì giá trị văn hóa mới trường tồn và phát huy.

P.V: Hội đồng hương Nghệ An ở Hà Nội đã có rất nhiều hoạt động bổ ích lan tỏa tình yêu quê hương, nghĩa tình của những người con quê Nghệ An ở Hà Nội. Ông có thể kể một số những hoạt động của Hội?

TS. Lê Doãn Hợp: Chúng tôi đã thực hiện nhiều chương văn hóa có ý nghĩa như Gặp gỡ tướng lĩnh quê Nghệ An ở Hà Nội; Gặp gỡ các trí thức Nghệ An ở Hà Nội; Gặp gỡ bác sĩ Nghệ An ở Hà Nội. Tất cả các chương trình này được thực hiện vì thông điệp người Nghệ dù đi đâu làm gì cũng trọng tình cảm và đầy khí chất riêng có. Qua các chương trình càng tô thêm truyền thống “nhiễu điều phủ lấy giá gương” của con em người Nghệ, luôn hướng về nguồn cội, muốn mang những giá trị tốt đẹp cho quê hương mình.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã huy động được 33,3 tỷ đồng xóa được 600 ngôi nhà tạm, dột nát hư hỏng ở địa bàn Kỳ Sơn. Tháng 8 sắp tới, chúng tôi sẽ có chương trình đưa sách về trường học, tặng xe đạp cho học sinh nghèo. Mỗi một giai đoạn, một chu kỳ thời gian sẽ là một hoạt động ý nghĩa cho con em Nghệ An. Hy vọng mỗi chương trình đều mang một thông điệp nhất định, nhằm lan tỏa nhiều hơn những giá trị văn hóa hướng thiện cho mỗi con người trong cộng đồng xã hội.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

“Mạch nguồn ví, giặm” với mong muốn góp phần khắc họa chân dung nghệ thuật của 5 nhạc sĩ tiêu biểu: Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ, Hồng Đăng, Nguyễn Trọng Tạo và An Thuyên. Đây là những nhạc sĩ đã có nhiều tác phẩm đi cùng năm tháng và đóng góp rất lớn cho nền âm nhạc Việt Nam.

- Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là 1 trong 5 người đã sáng lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông là một trong những nhạc sĩ nhạc đỏ thành công với chất liệu dân ca. Âm nhạc của ông giàu chất trữ tình với giai điệu mượt mà đậm bản sắc dân tộc. Một đề tài quen thuộc trong nhiều sáng tác của ông là phụ nữ với những ca khúc như “Bài ca phụ nữ Việt Nam”, “Mẹ yêu con”, “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”...

- Nhạc sĩ Hồng Đăng đã để lại cho đời hơn 1.000 tác phẩm âm nhạc với nhiều bài hát được nhiều thế hệ ưa thích. Đặc biệt, hầu hết những ca khúc nổi tiếng nhất của ông đều đến từ cái duyên của ông với phim ảnh như: “Hoa sữa” (ca khúc trong phim Hà Nội mùa chim làm tổ); “Lênh đênh” (phim Đời hát rong). Trong khi đó, bài “Biển hát chiều nay” được sử dụng trong rất nhiều bộ phim liên quan đến biển, đảo. Năm 2001, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội.

- Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đến với âm nhạc từ niềm say mê những điệu ví, câu hò quê hương và tiếp đó là những làn điệu dân ca của các dân tộc thiểu số. Ông từng tốt nghiệp loại xuất sắc tại Nhạc viện Quốc gia Bình Nhưỡng (Triều Tiên), và có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng như: “Mùa xuân gọi bạn”, “Suối Mường Hum còn chảy mãi”, “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó”, “Xuân về trên bản”, “Xa khơi”…

- Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo ghi dấu ấn qua những ca khúc đậm chất dân ca với hình ảnh con sông, bến đò,… Ông được khán giả yêu mến, ví von là “người bước ra từ ca dao”, “nhạc sĩ của đồng quê Việt Nam”. Rất nhiều ca khúc của ông được đông đảo khán giả yêu thích như: “Làng quan họ quê tôi”, “Khúc hát sông quê”, “Đôi mắt đò ngang”, “Bản tình ca bên một dòng sông”;…

- Nhạc sĩ An Thuyên là một trong số các nhạc sĩ đã khai thác, vận dụng và phát triển vốn âm nhạc của dân ca Nghệ Tĩnh một cách rất khéo léo, tài tình. Hầu hết những bài hát nổi tiếng của ông đều mang âm hưởng dân ca ngọt ngào sâu lắng và có sức lan tỏa rất lớn, như: “Em chọn lối này”, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Neo đậu bến quê”, “Ca dao em và tôi”, “Hà Tĩnh mình thương”...

Chương trình “Mạch nguồn ví, giặm” gồm 15 ca khúc, NSND Lê Tiến Thọ sẽ làm Tổng đạo diễn chương trình. Nhạc sĩ An Hiếu, con trai cố nhạc sĩ An Thuyên làm cố vấn nghệ thuật cho chương trình, với sự góp mặt của các nghệ sĩ: NSƯT Thanh Lam, NSƯT Phạm Phương Thảo, NSƯT Tiến Lâm, NSƯT Đức Long, Anh Thơ, Bùi Lê Mận...

Mới nhất

x
Chương trình Mạch nguồn ví, giặm sẽ lan tỏa giá trị trường tồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO