Nghệ An: Lao động xuất khẩu gửi về quê hơn 250 triệu USD/năm

Phước Anh 09/03/2018 13:35

(Baonghean.vn) - Đây là số liệu được nêu trong buổi làm việc giữa đoàn giám sát của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội với UBND tỉnh vào sáng 9/3.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Phước Anh
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Phước Anh

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội làm trưởng đoàn. Tham gia cùng đoàn có ông Nguyễn Thanh Hiền - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.

Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

Đoàn giám sát đã chất vấn nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến thực trạng lao động Nghệ An đi làm việc ở nước ngoài và lao động là người nước ngoài làm việc ở Nghệ An; tình hình thu, chi, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2017; tình hình thực hiện luật phòng, chống bạo lực gia đình.

Ông Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nêu thực trạng lao đông người Nghệ An đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: Phước Anh
Ông Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nêu thực trạng lao động người Nghệ An đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: Phước Anh

Báo cáo với đoàn giám sát, ông Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, bình quân hàng năm, Nghệ An đưa được từ 12.000 - 13.000 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hiện số lao động Nghệ An đang làm việc ở nước ngoài hơn 60.989 người; nguồn thu ngoại tệ gửi về nước qua các ngân hàng đạt hơn 250 triệu USD/năm. Tuy nhiên, chất lượng người lao động tham gia xuất khẩu lao động còn thấp, tỷ lệ lao động phổ thông còn chiếm tỷ lệ cao, từ 60% - 70%.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhức nhối tình trạng lao động xuất khẩu “chui”, lao động di cư tự do sang làm việc và cư trú bất hợp pháp tại một số nước. Ngoài số lượng lao động “chui” ở Hàn Quốc đứng đầu cả nước thì Nghệ An hiện còn có 12.435 người lao động Nghệ An đang làm việc ở vùng biên giới không có hợp đồng theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhiều lần nhấn mạnh, tỉnh đã làm rất nhiều cách để hạn chế tình trạng này, phối hợp với Cục Lao động ngoài nước, ngành văn hóa địa phương… nhưng vẫn rất khó khăn. “Chúng tôi đã làm hết “bài” rồi!” - ông Thắng nói.

Khác với những nhức nhối trong vấn đề lao động Nghệ An đi làm việc ở nước ngoài, việc quản lý lao động là người nước ngoài làm việc ở Nghệ An được đánh giá là bài bản, đúng hướng. Hiện nay, số lao động là người nước ngoài làm việc tại Nghệ An là 281 người, trong đó chức danh chuyên gia chiếm số lượng lớn nhất với 149 người. Điều này phù hợp với chiến lược thu hút lao động nước ngoài có trình độ, kỹ thuật cao.

Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh triển khai ứng dụng
Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh triển khai ứng dụng "Phần mềm thông minh", giúp người bệnh quẹt thẻ BHYT để lấy số thứ tự nhanh, chính xác. Ảnh tư liệu

Tại buổi làm việc, trong lĩnh vực BHXH, BHYT, Giám đốc BHXH Nghệ An đã thẳng thắn nhìn nhận việc bội chi quỹ BHYT của tỉnh hiện đứng đầu cả nước - với quỹ KCB BHYT được sử dụng là 1.962 tỷ đồng, số chi cho công tác KCB BHYT năm 2017 là 3.417 tỷ đồng, bội chi 1.454 tỷ đồng tương ứng với 74%.

Người đứng đầu ngành BHXH tỉnh phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến bội chi: do điều chỉnh tăng giá dịch vụ kỹ thuật và thay đổi trong chính sách KCB liên thông tuyến huyện; do hạn chế về nhận thức và trách nhiệm trong việc quản lý nguồn quỹ KCB BHYT; do mức giá quy định tại Thông tư số 37 của một số dịch vụ kỹ thuật còn quá cao so với thực tế…

Trong lĩnh vực gia đình, các thành viên đoàn giám sát cũng đặt nhiều câu hỏi về công tác quản lý nhà nước, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chức năng trong thống kê, xử lý các vụ việc bạo lực gia đình.

Ông Bùi Sỹ Lợi kết luận buổi làm việc. Ảnh: Phước Anh
Ông Bùi Sỹ Lợi kết luận buổi làm việc. Ảnh: Phước Anh

Kết luận buổi làm việc, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Nghệ An đạt được trong các lĩnh vực nêu trên. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, trong lĩnh vực lao động, tỉnh cần đẩy mạnh các biện pháp giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động về tinh thần, trách nhiệm công dân khi đi làm việc ở nước bạn; đồng thời, tăng cường vai trò quản lý nhà nước về lao động người nước ngoài cư trú, làm ăn sinh sống trên địa bàn.

Cùng với đó, ngành chức năng cần tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát trong công tác BHXH, BHYT để đảm bảo quyền lợi cho người lao động và bệnh nhân. Về Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội đề nghị các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền đúng đối tượng, có trọng điểm; huy động sự vào cuộc đồng bộ của Ủy ban MTTQ và các tổ chức, đoàn thể để giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc.

Mới nhất
x
Nghệ An: Lao động xuất khẩu gửi về quê hơn 250 triệu USD/năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO