Nghệ An nỗ lực giữ nghề truyền thống

Quang An 03/05/2023 09:04

(Baonghean.vn) - Để khắc phục khó khăn trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hiện các làng nghề  địa bàn Nghệ An đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để thích nghi, vừa duy trì được thu nhập, vừa để nghề cha ông truyền lại không mai một.

“Phấp phỏng” làng nghề

Tranh thủ những ngày nắng tháng 4, gia đình ông Nguyễn Văn Hà, ở xã Nghi Phong (Nghi Lộc) đưa số cây niệt mới nhập về tách vỏ để chuẩn bị nguyên liệu làm giấy dó - nghề đã nuôi sống gia đình ông hàng chục năm qua. Từ chỗ hàng chục hộ dân làm nghề những năm trước, bây giờ, số hộ dân còn bám trụ với nghề truyền thống này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dù gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, trong tâm khảm của mình, ông Hà chưa bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ nghề cha ông truyền lại.

Làng nghề giấy dó xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc hiện chỉ còn 3 hộ làm nghề. Ảnh: Q.A

Ông Hà chia sẻ: “Nghề làm giấy dó bây giờ không còn như xưa, nhu cầu của thị trường sụt giảm, bà con trong làng nghề dần tìm kiếm công việc mới nên không khí trầm lắng hẳn. Làm giấy dó yêu cầu nhiều công đoạn, lại dựa vào thời tiết vì khi trời mưa sẽ không phơi giấy được, trong khi giá chỉ từ 3.000 - 4.000 đồng/tờ, làm cả ngày cũng chỉ được hơn 100.000 đồng sau khi trừ chi phí. Biết là không thể đủ cho sinh hoạt, tuy nhiên, đó là nghề truyền lại hàng trăm năm nên tôi vẫn tiếp tục bám trụ...”.

Ông Hoàng Mạnh Hà - Chủ tịch UBND xã Nghi Phong cho biết: Năm 2007, làng nghề giấy dó Phong Phú trên địa bàn xã được công nhận làng nghề cấp tỉnh. Trước đây, giấy dó được dùng nhiều trong dán quạt, quấn hương trầm hay dán, bọc cá biển. Tuy nhiên, trong xu thế hiện đại hóa, các loại giấy công nghiệp ra đời, thị trường giấy dó không cạnh tranh được. Toàn xã bây giờ chỉ còn 3 hộ làm nghề thường xuyên, nguy cơ mất nghề dần hiện hữu…

Làng nghề đan lát Do Nha xã Châu Nhân chỉ còn vài người lớn tuổi bám trụ. Ảnh: Q.A

Làng nghề đan lát tre nứa Do Nha ở xã Châu Nhân (Hưng Nguyên) cũng trong tình cảnh tương tự. Có mặt tại xóm 9, xã Châu Nhân, nơi từng là vùng đan lát nức tiếng một thời, nay vắng người làm nghề. Các lớp thanh niên không còn ở làng nhiều, thỉnh thoảng bắt gặp hình ảnh những cụ đã ngoài 60 tuổi vẫn đang miệt mài đan lát, dù thu nhập không được như xưa nhưng các cụ vẫn tranh thủ chẻ lạt sẵn, dường như vì đó là thói quen cả thời thanh xuân của họ.

Chính quyền xã Châu Nhân cho biết, làng nghề đan lát Do Nha đã không còn hoạt động những năm qua, chủ yếu là những người già, tranh thủ thời gian nhàn rỗi đồng áng để tiếp tục làm nghề. Do đầu ra không ổn định, nguồn nguyên liệu khó nhập về, giá cả tăng, thiếu lao động nên việc duy trì nghề rất khó…

Không chỉ làng nghề giấy dó, đan lát mà thực tế, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay có nhiều làng nghề đã dần mai một. Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh có 182 làng nghề, thì có 37 làng nghề hoạt động cầm chừng, 22 làng nghề đã ngừng hoạt động, trong đó, tập trung vào làng nghề mây, tre đan với 12 làng nghề dừng hoạt động, chiếm hơn 50%.

12 làng nghề mây tre đan đã ngừng hoạt động trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Q.A

Có nhiều nguyên nhân khiến những làng nghề này không còn được duy trì như trước. Trong đó, nguyên nhân chính là do nhu cầu thị trường sụt giảm khiến đầu ra gặp khó khăn, các làng nghề chưa xây dựng được thương hiệu. Nhiều làng nghề sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết. Đặc biệt, nguồn nhân lực cho các làng nghề hiện nay sụt giảm mạnh, đa số nhân công làng nghề chủ yếu là trung niên, lớn tuổi, lớp thanh niên trẻ có sức khỏe đã lựa chọn hướng làm kinh tế khác như: Đi xuất khẩu lao động, làm công trong các công ty…

Thích ứng để giữ nghề

Trong bối cảnh nhiều làng nghề truyền thống tại Nghệ An đang gặp các khó khăn về quy trình sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ, vẫn còn những làng nghề đưa sản phẩm ra thị trường được người tiêu dùng đón nhận, quy mô làng nghề ngày càng được mở rộng, mang lại thu nhập ổn định. Điểm chung của những làng nghề này là chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và nắm bắt được xu thế, thay đổi các phương thức kinh doanh truyền thống, quảng bá sản phẩm đến nhiều đối tượng khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Làng nghề sản xuất bánh cà dù mới được chứng nhận chưa lâu, tuy nhiên, đã có sự phát triển mạnh, sản phẩm được ưa chuộng. Ảnh: Hoài Thu

Làng nghề sản xuất bánh cà tại xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) là một điển hình. Dù mới ra đời, được công nhận làng nghề cấp tỉnh chỉ hơn 3 năm qua, nhưng sản phẩm bánh cà của Hưng Tân đã có bước phát triển đột phá khi được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ mạnh. Từ 60 hộ dân làm nghề thời điểm được công nhận, nay toàn xã đã có hơn 100 hộ, tập trung tại 2 xóm Làng Nam và Làng Đông. Thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/hộ/tháng, những tháng cao điểm, thu nhập có thể hơn 10 triệu đồng/hộ/tháng.

Bà Đinh Thị Lý, người làm nghề bánh cà tại xã Hưng Tân cho biết: Bây giờ người tiêu dùng rất coi trọng sức khỏe, sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thành phần đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Những tiêu chí này chúng tôi đều đảm bảo, nguyên liệu làm bánh cà rất bình dị và thân thuộc, như bột nếp, đường và trứng gà. Đặc biệt, không sử dụng chất bảo quản, chất tạo màu hay bột nở, cực kỳ lành tính. Sau khi cho ra thị trường, vừa đảm bảo thơm ngon, vừa an toàn, nên dần được người tiêu dùng đón nhận, ưa thích.

Bánh cà được đóng gói để đưa ra thị trường. Ảnh: Hoài Thu

Ông Phan Đăng Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Tân chia sẻ: “Sau khi được công nhận làng nghề, xã đã hoàn thiện các thủ tục để dự thi OCOP, kết quả được 3 sao. Bên cạnh đó, nhờ sự giúp sức của thế hệ trẻ, bà con cũng đã tiếp cận được cách bán hàng hiện đại khi thường xuyên livestream bán hàng trên mạng xã hội, ship gửi hàng cho khách… Từ đó, sản phẩm sản xuất đến đâu đều được tiêu thụ đến đấy…”.

Tại huyện Quỳ Châu có 2 làng nghề được công nhận là làng nghề sản xuất hương trầm và làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến. Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An, cả 2 làng nghề này đều nằm trong tốp những làng nghề hoạt động ổn định, thị trường tiêu thụ mạnh, thu nhập của người dân đảm bảo.

Làng nghề hương trầm Quỳ Châu phát triển ổn định những năm qua. Ảnh: Q.A

Ông Lô Văn Thế - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quỳ Châu cho biết: Làng nghề hương trầm tại địa phương những năm qua có đầu ra ổn định, chất lượng và thương hiệu đã được khẳng định nên được thị trường tin dùng. Đặc biệt là những dịp lễ, Tết sản xuất không đủ để cung ứng. Khó khăn hiện nay là vùng nguyên liệu rễ hương tại Quỳ Châu chỉ khoảng 40 ha, chưa đáp ứng được 50% sản lượng cho làng nghề, do đó phải thường xuyên nhập rễ hương từ các địa phương khác.

Đối với làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến, bên cạnh phục vụ du khách đến du lịch cộng đồng tại địa phương thì những con em của làng nghề đã năng động, thường xuyên đưa sản phẩm quảng bá tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, do đó, đã đạt được “hiệu quả kép” khi vừa đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm, vừa giới thiệu du khách thập phương về quê hương để trải nghiệm dệt thổ cẩm…

Các sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến được làm chỉn chu. Ảnh: Q.A

Chị Sầm Thị Tình (giữa) đưa sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến huyện Quỳ Châu giới thiệu với bạn bè quốc tế. Ảnh: Q.A

Thời gian tới, tỉnh sẽ có những giải pháp để đồng hành, hỗ trợ các làng nghề hoạt động, đặc biệt, chú trọng đối với các sản phẩm có khả năng xuất khẩu, có nhu cầu thị trường lớn và các sản phẩm phục vụ khách du lịch. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm thực hiện bao gồm chú trọng công tác đào tạo nghề; cải tiến trang thiết bị, máy móc; hỗ trợ vay vốn phát triển làng nghề, gắn kết chương trình phát triển làng nghề với phát triển du lịch. Đặc biệt, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu thông tin thị trường cho các sản phẩm làng nghề.

Ông Lê Văn Lương - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An

Mới nhất

x
Nghệ An nỗ lực giữ nghề truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO