Những làng nghề 'nghe tên là thấy Tết' ở Nghệ An

Thanh Phúc 28/12/2022 15:08

(Baonghean.vn) - Nghệ An có gần 200 làng nghề với đa dạng ngành nghề khác nhau. Trong số đó, có những làng nghề chỉ mới nghe tên là đã “thấy Tết”, ngập tràn hương vị mùa Xuân.

Về thăm làng nghề bánh chưng Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành (Yên Thành) vào những ngày cuối năm, mới thấy được không khí tấp nập, khẩn trương chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2023. Ở các hộ làm nghề, la liệt lá dong, lá chuối, những bì đậu xanh, nếp trắng chất thành đống ở góc nhà... Ảnh: Thanh Phúc

Toàn làng có 200 hộ chuyên làm bánh chưng, bánh tét, bánh gói. Đối với bánh chưng, bánh tét sản xuất mạnh nhất từ tháng 10 âm lịch đến hết tháng Giêng âm lịch. Ở làng nghề, từ trẻ em đến người già đều có việc làm: Trẻ em lau lá, chẻ lạt; người già bóc hành, cắt thịt, nấu đậu làm nhân bánh; những người trong độ tuổi lao động thì đãi nếp, gói bánh, nấu bánh và chở bánh đi nhập. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Nguyễn Văn Hạ, người dân làng nghề cho biết: "Tết là vụ làm bánh chính trong năm. Đơn đặt bánh Tết nội tỉnh, ngoại tỉnh về tới tấp, làm không ngơi tay, từ Tết ông Công, ông Táo trở đi thì nhiều đêm người dân làng nghề thức trắng mới kịp đơn hàng. Có những ngày chỉ kịp chợp mắt ngay trên chồng lá, bì nếp”. Ảnh: Thanh Phúc

Cuối năm, những bếp nấu bánh đỏ lửa liên tục từ ngày này sang ngày khác, không ngưng nghỉ. Ảnh: Thanh Phúc
Hoa đào được xem là loài hoa biểu tượng của mùa Xuân. Tết đến, hầu như nhà nào cũng có cành đào chưng Tết. Và cuối năm, làng nghề trồng đào phai truyền thống như: xã Kim Thành (Yên Thành), Nghi Ân, Nghi Liên (TP.Vinh), Nam Xuân, Nam Anh (Nam Đàn)... lại tất bật chăm sóc hoa để cung ứng ra thị trường những cành đào sắc thắm. Ảnh: Thanh Phúc

Dưới bàn tay khéo léo của người dân, đào được tạo đủ thế, dáng đáp ứng nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng. Từ những cành đào giá bình dân cho đến những gốc đào cổ có giá hàng chục triệu đồng. Ảnh: Thanh Phúc

Những ngày cuối năm, làng đào càng trở nên nhộn nhịp khi xe tải lớn, xe tải nhỏ cùng các thương lái khắp nơi đổ về mua đào. Ảnh: Thanh Phúc

Những tháng cuối cùng của năm, không khí ở làng nghề hương thẻ Tây Lân (xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc) cũng trở nên tất bật, khẩn trương hơn khi đơn hàng tăng mạnh. Vụ Tết, cơ sở sản xuất hương thẻ của chị Lê Thị Nga phải thuê 15 người làm việc cả ngày, đêm để kịp các đơn hàng cho khách. Mỗi ngày, 2 cơ sở làm hương của chị Nga sản xuất gần 20.000 thẻ hương. Ảnh: Thanh Phúc

Hương thẻ Tây Lân chủ yếu cung ứng ra thị trường trong tỉnh, Thanh Hóa và Hà Tĩnh. Ngoài ra còn xuất bán sang Lào và Căm-pu-chia. Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, ngoài việc dùng các nguyên liệu thảo mộc truyền thống, một số công đoạn làm hương đã sử dụng máy móc để giảm sức lao động, que hương đều và đẹp hơn. Ảnh: Thanh Phúc

Những tháng giáp Tết, về làng nghề Tây Lân, những “cánh đồng hương” trải dài, như nhuộm sắc cả làng quê. Những bó hương sau khi được đóng gói sẽ được chuyển đi đến các chợ, cửa hàng để phục vụ người dân thắp dịp Tết. Ảnh: Thanh Phúc

Mới nhất
x
Những làng nghề 'nghe tên là thấy Tết' ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO