Dẻo thơm bánh chưng Vĩnh Hòa

Thanh Nga 07/01/2024 19:51

(Baonghean.vn) - Đến làng Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành những ngày này, vào con ngõ nào cũng “nghe” thoảng mùi khói bếp, râm ran í ới tiếng gọi nhau, không khí khẩn trương hối hả lau lá, đãi nếp, vò đậu, tất cả tạo nên một bức tranh lao động thân thương.

Bánh chưng xanh từ làng lên “mạng”

Làng nghề bún bánh Vĩnh Hòa đã có tiếng từ xa xưa. Sản phẩm từ gạo tẻ, gạo nếp là bún, bánh mướt, bánh chưng của làng hiếm khi vắng bóng ở các phiên chợ trong vùng và các vùng lân cận. Cũng có những thời điểm các hộ trong làng phải ngừng làm bánh bởi lương thực khan hiếm. Sau này, khi kinh tế phát triển, vựa lúa Yên Thành lại là nơi cung cấp lúa gạo cho cả tỉnh và các vùng lân cận, làng bánh chưng được hồi sinh. Đến năm 2008 thì nơi đây được công nhận làng nghề truyền thống.

banh-chung-nha-chi-phan-thi-thu-hoai-7626.jpg
Công đoạn gói bánh tại gia đình chị Phan Thị Thu Hoài làng Vĩnh Hoà, xã Hợp Thành, Yên Thành. Ảnh: Thanh Nga

Từ xưa đến nay, người làng Vĩnh Hòa từ cụ già đến con trẻ, ai cũng biết gói bánh. Nhiều cụ giờ đã mắt mờ, nhưng khi cháu con chuẩn bị sẵn nguyên liệu là tay vẫn thoăn thoắt gói đều chằn chặn. Cháu đứng xem bà gói, con đứng xem cha mẹ gói, thế rồi nghề bánh ngấm vào máu thịt lúc nào chẳng hay. Các cháu ngày đi học, tối khuya còn phụ mẹ, giúp bà lau lá, chẻ lạt, đánh đỗ, bóc hành để ngày mai sẵn sàng nguyên liệu gói sớm. Nhiều cháu lớn đã có thể gói bánh giúp mẹ với kỹ thuật điêu luyện, nhanh đẹp và chắc. Cái không khí gói, nấu bánh nhộn nhịp khắp một vùng quê.

banh-chung-da-goi-xong-duoc-chuyen-vao-noi-nau-anh-thanh-nga-3121.jpg
Những chiếc bánh chưng xanh của làng Vĩnh Hoà bắt mắt, đẹp về hình thức và thơm ngon nức tiếng gần xa. Ảnh:

Hơn 200 hộ dân ở Vĩnh Hòa nhà nào cũng làm bánh chưng để bán hoặc để ăn trong những dịp lễ, tết. Thế nhưng, để hành nghề một cách chuyên nghiệp thì chỉ có khoảng 80% số hộ dân. Cũng có gia đình cha truyền con nối đến 3 đời. Đời ông cha, bánh chỉ được bán ở những chợ làng, chợ huyện, nhưng đến đời con cháu thì việc kinh doanh cấp tiến hơn, thị trường hơn, và hiệu suất kinh doanh nhờ thế cũng lớn hơn.

ngay-nao-nhung-chiec-noi-nau-co-dai-nay-cung-chay-ran-ran-o-nha-chi-hoai-cung-nhu-cac-gia-dinh-vinh-hoa-anh-thanh-nga-6771.jpg
Những ngày này nhà nào trong làng Vĩnh Hoà cũng nghi ngút những bếp than sẵn sàng cho những mẻ bánh mới. Ảnh: Thanh Nga

Xưa, bất kỳ một góc chợ quê nào ở huyện lúa hiếm khi thiếu sự hiện diện của hàng bánh chưng Vĩnh Hòa. Ngày nay, bánh chưng Vĩnh Hòa đi xa ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, thậm chí lên tận Hà Giang, có người còn cấp đông để gửi đi nước ngoài, giúp con cháu xa quê cảm nhận được vị Tết quê hương. Những bà, những mẹ ở làng Vĩnh Hòa cho biết: Khi gửi bánh đi xa, bao giờ chúng tôi cũng chăm chút thật nhiều cho chiếc bánh dày hơn, bảo quản được lâu hơn và chứa đựng trong đó bao tâm huyết, tình cảm của người con Vĩnh Hòa với người ở xa. Bánh vì thế đến tay người nhận ấm áp và dẻo thơm bội phần.

canh-goi-banh-chung-o-nha-chi-phan-thi-khuong-anh-thanh-nga-2313.jpg
Các quy trình hoàn thành chiếc bánh chưng tại gia đình chị Phan Thị Khương, làng Vĩnh Hoà, Hợp Thành, Yên Thành. Ảnh: Thanh Nga

Chị Phan Thị Khương - một người làm bánh lâu năm cho biết: Tôi làm nghề được 18 năm, kể từ khi theo chồng về Vĩnh Hòa. Tôi học gói bánh từ mẹ chồng, lâu dần thì kế nghiệp bà. Ngày trước còn khó khăn đủ bề, người dân làm bánh phải kéo xe kéo chở bánh đi khắp nơi. 4h sáng, người dân trong làng đã lục tục gọi nhau đi chợ gần, chợ xa. Có người bỏ mối tận Nam Đàn, TP Vinh, cũng có người đi sang tận Hà Tĩnh. Nhớ thời đó, ngày nào bán hết mẻ bánh là vui lắm, và vui hơn khi có người xin số điện thoại để đặt bánh. Thế rồi, dần dà bánh đã nhận được sự yêu quý của người dân muôn phương, công việc đi bỏ mối và bán dạo cũng khỏe hơn, chuyên nghiệp hơn.

Chị Khương cũng cho biết, bánh chưng xanh từ nếp làng nhỏ bé này đã lên “mạng”, lan toả muôn nơi. Bây giờ, người làng Vĩnh Hòa đã thông thạo nhận đơn đặt hàng qua các trang mạng xã hội lắm rồi, thế nên nguồn thu nhập từ nghề bánh lúc nào cũng ổn định, đặc biệt, mỗi dịp lễ, Tết đến là cả làng gói không kịp trở tay. Như gia đình chị, vào vụ Tết, trung bình mỗi ngày làm tới 4.000 chiếc, hơn 10 chiếc lò nấu rần rật suốt ngày đêm, người dỡ bánh, người gói bánh, người chẻ lạt, lau lá, hông đỗ, thái thịt… không lúc nào ngơi tay. “Tết đến chúng tôi chỉ ngủ tầm 2 - 3 tiếng/ ngày, lúc nào cũng có khoảng 10 người làm bánh chính, thêm khoảng 3-4 người phụ việc. Vất vả thế nhưng không ai kêu ca, vì đó là nghiệp vận vào từ đời cha mẹ mình, đời mình và có thể là của con cháu mình. Có được nghề cha truyền con nối là niềm tự hào của bất cứ người con Vĩnh Hòa nào” - chị Khương tâm sự.

Buồn, vui nghiệp bánh

Nghề nào cũng có buồn vui. Như chị Khương - 18 năm làm dâu Vĩnh Hoà cũng là 18 năm thạo nghề làm bánh cho rằng, nghề này buồn nhất là khi bánh bị khách chê, bị mất mối cũ hoặc khách quen bỗng dưng không chọn bánh mình làm.

Có khi chị nhập bánh cho một chủ hàng, người ta lấy luôn bánh chị làm rồi quảng cáo chính họ mới là người làm ra những chiếc bánh dẻo thơm đậm vị ấy, sau đó bán lại cho khách với giá cắt cổ, gấp đôi, gấp rưỡi. Chuyện buồn và chuyện vui đan xen như là một phần cuộc sống hiện hữu sinh động trong những chiếc bánh chưng xanh. Nhưng rồi, vượt qua tất cả bằng cái tâm làm nghề, bây giờ, đến đâu người ta cũng nhớ mặt điểm tên bánh chị Khương với thật nhiều lời khen ngợi.

Cách nhà chị Khương vài bước chân là gia đình chị Phan Thị Thu Hoài, có thâm niên hơn chục năm theo nghề làm bánh chưng. Chị Hoài vốn là một giáo viên mầm non, làm dâu ở Vĩnh Hòa gần 20 năm, ban đầu chỉ phụ giúp nhà chồng, sau mới đứng ra kế nghiệp làm bánh. Vì làm sau, lại vào thời cuộc chuyển đổi của thị trường nên chị khá vất vả trong việc tìm mối hàng mới. Nhớ lại cách đây tầm 5 năm, vào thời điểm đó, gia đình chị còn phải đi xa để bỏ mối bánh, mỗi ngày đều bắt đầu từ tinh mơ chở xe thồ bánh trong giá rét mong đến kịp phiên chợ Sa Nam. Thế nhưng, đến khu vực Cầu Cấm, xe chị bỗng dưng bị nổ lốp, nhìn quanh chả có ai để cứu viện, chị đành đi bộ kéo cả xe bánh chừng 100 chiếc. Xe nặng, người sức yếu, chị cắn răng đẩy xe đến mức trơ cả chiếc xăm ra ngoài lốp mà vẫn không tìm được chỗ vá. Cứ lếch thếch thế đến tầm 10 km mới gặp được điểm sửa xe, xong xuôi thì đã đến tầm trưa, chợ đã tan, chị đành kéo nguyên xe bánh về nhà!

Chuyện buồn vui nghề bánh của chị Hoài nhiều lắm. Nhà chị ở vị trí thấp, mùa nước lũ của một năm nào đó đã tràn vào nhà, dâng lên rất nhanh, trong khi bếp lò bánh vẫn còn rực cháy. Bấy giờ, chồng đi vắng, chị chẳng kịp trở tay, nước đã dâng cao làm tắt lò. “Khi đó nước mắt chỉ chực trào ra, cả mẻ bánh là tất cả vốn liếng và công sức, nhưng cũng thật may mắn là được hàng xóm kịp thời giúp đỡ mỗi người mỗi tay, lò bánh đã được kê cao và đã được nhen lên rực cháy, bánh lại chín tới kịp thời” - chị Hoài nhớ lại.

Cận cảnh một công đoạn gói bánh chưng tại gia đình chị Phan Thị Khương. Clip: Thanh Nga

Theo các chị, các mẹ ở làng bánh Vĩnh Hòa, để có được một chiếc bánh chưng ngon không chỉ nằm ở cách chọn nếp, chọn thịt tươi ngon, đỗ xanh bùi quánh, hành tía thật già, mà còn cả những bí quyết cha truyền con nối. Ấy thế nên, cũng là chiếc bánh chưng, cũng từ làng Vĩnh Hòa nhưng mỗi nhà mỗi vị, người ăn tinh ý đều có thể nhận ra bánh ấy của nhà nào. Theo chị Hoài, bánh chưng Vĩnh Hòa ngon là bởi khi ta cắn miếng bánh dư vị dẻo thơm của nếp hòa quyện với vị bùi của đỗ xanh, lại có thêm chút cay của hành tía, ớt tiêu và thơm ngậy của miếng thịt ba chỉ, tất cả tạo nên hương vị của đất trời…

Mới nhất

x
Dẻo thơm bánh chưng Vĩnh Hòa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO