Nghệ An phấn đấu đến năm 2025 có 40% phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh

Nguyễn Hải 26/05/2023 20:16

(Baonghean.vn) - Chiều 26/5, tại TP Vinh, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị bàn giải pháp triển khai thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh trên địa bàn Nghệ An.

Đồng chí Bùi Đình Long - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành, thị và các phường thuộc địa bàn TP Vinh.

Đại diện các ban, sở, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thành, thị và các phường TP Vinh dự hội nghị triển khai thực hiện tiêu chí đô thị văn minh giai đoạn 2023-2025 và định hướng đến năm 2030. Ảnh: Nguyễn Hải

Sau gần 10 năm xây dựng và thực hiện tiêu chí đô thị văn minh theo Thông tư số 02, Nghệ An dù đạt kết quả đáng khích lệ nhưng so với phong trào và kết quả xây dựng Nông thôn mới những năm vừa qua thì việc xây dựng, thực hiện các tiêu chí đô thị chưa tương xứng.

Trên thực tế, tỷ lệ đô thị hóa Nghệ An còn thấp và chậm so với bình quân chung cả nước; vẫn còn thiếu những điển hình khối phố, tuyến dân cư đô thị đạt chuẩn “xanh - sạch - đẹp”, môi trường đô thị có nơi, có lúc còn bị buông lỏng khiến dư luận báo chí và người dân phản ánh...

Đồng chí Bùi Công Vinh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao báo cáo đánh giá 10 năm triển khai thực hiện Thông tư số 02 về thực hiện tiêu chí đô thị văn minh và dự thảo Kế hoạch thực hiện tiêu chí đô thị văn minh theo Quyết định 04/QĐ-TTg năm 2022. Ảnh: Nguyễn Hải

Tại hội nghị, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: Triển khai Thông tư số 02/2013/TT-BVH,TT&DL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2013 về quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét công nhận “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị, “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, đến nay, toàn tỉnh có 23 đô thị, trong đó 1 thành phố là đô thị loại I, 1 đô thị loại III và 3 đô thị loại IV; 18 đô thị loại V, gồm 16 đô thị huyện lỵ và 2 thị tứ là Sơn Hải (Quỳnh Lưu) và sông Dinh (Quỳ Hợp). Tổng số các phường, thị trấn trên địa bàn là 49 đơn vị…

Trước khi có Quyết định số 04/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí đô thị văn minh, từ năm 2007, UBND tỉnh đã có Quyết định số 4566/QĐ-UBND phê duyệt phát triển hệ thống đô thị, theo đó, toàn tỉnh có 144 đô thị các loại. Đến nay, đã có 128/144 đô thị được phê duyệt quy hoạch chung, đạt tỷ lệ 88,9%; các địa phương đang tiếp tục triển khai lập quy hoạch đô thị (thị tứ) còn lại.

Tỷ lệ phân loại, thu gom và xử lý rác thải là tiêu chí khó và nan giải đối với các đô thị huyện lỵ hiện nay. Trong ảnh: Bãi tập kết rác thải sinh hoạt để phân loại trước khi đưa đi xử lý tại thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu). Ảnh: Nguyễn Hải

Về công tác thu gom, xử lý chất thải rắn: Bình quân mỗi ngày trên địa bàn có khoảng gần 1.600 tấn rác thải/ngày, trong đó rác thải rắn tại khu vực đô thị là 488 tấn/ngày nhưng tỷ lệ thu gom rác thải rắn sinh hoạt chỉ đạt 70,24% và khu vực đô thị chỉ đạt 96,5%, khu vực nông thôn chỉ đạt 60%; có 34 khu đô thị loại IV trở lên đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; 40/49 phường, thị trấn có diện tích đất quy hoạch cho khu trung tâm văn hóa- thể thao và sân tổ chức thể thao đạt chuẩn…

Đầu tư mương để ngầm hóa hệ thống cáp viễn thông và điện lực trên vỉa hè Đại lộ Vinh- Cửa Lò. Ảnh: Nguyễn Hải

Bên cạnh kết quả tích cực trên, tại hội nghị, đại diện UBND thành phố Vinh, thị xã Hoàng Mai, thị xã Thái Hòa và một số phường, thị trấn phát biểu nêu kết quả đầu tư, chỉnh trang đô thị thời gian qua; đồng thời nêu một số khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị nói chung và tiêu chí đô thị văn minh nói riêng.

Kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng tình với báo cáo đánh giá và một số đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao về kết quả thực hiện tiêu chí đô thị văn minh thời gian qua. Trên cơ điểm lại kết quả, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh thẳng thắn nêu ra một số điểm còn hạn chế và nguyên nhân để các sở, ngành và địa phương cùng nỗ lực tìm giải pháp đầu tư, tháo gỡ. So với xây dựng Nông thôn mới, có tiêu chí và nguồn lực đi kèm nhưng ban hành tiêu chí chuẩn đô thị văn minh khá cao, chưa có cơ chế về nguồn lực đi kèm.

Cải tạo lại chung cư cũ là nội dung thu hút sự quan tâm của người dân và chỉnh trang đô thị TP Vinh. Ảnh: Nguyễn Hải

Vì vậy, sắp tới, để triển khai hiệu quả Quyết định số 04/QĐ-TTg về xây dựng đô thị theo tiêu chí văn minh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 và định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã dự thảo kế hoạch thực hiện, trong đó nêu 6 mục tiêu và 8 nhóm giải pháp nhưng các sở, ngành và địa phương phải có giải pháp chỉ đạo quyết liệt thì mới thực hiện tốt mục tiêu đề ra.

Tỉnh sẽ thành lập Ban chỉ đạo riêng về lĩnh vực này nhưng đề nghị các địa phương xây dựng Kế hoạch và đăng ký thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể; rà soát, đánh giá cái nào dễ và mất ít kinh phí để thực hiện trước, tự đánh giá xem cái nào đạt và chưa đạt để có kế hoạch khắc phục, kêu gọi huy động nguồn lực để thực hiện; mỗi địa phương nên chọn một phường, thị trấn hoặc tuyến phố để làm điểm".

Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Nguyễn Hải

Triển khai Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg về tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh, gắn với xây dựng Nông thôn mới, Nghệ An phấn đấu đến năm 2025 có 40% phường, thị trấn vùng đồng bằng đạt chuẩn đô thị văn minh tiêu biểu và 20% phường, thị trấn vùng miền núi đạt chuẩn đô thị văn minh; định hướng đến năm 2030 có 70% phường, thị trấn vùng đồng bằng và 40% phường, thị trấn vùng miền núi đạt chuẩn đô thị văn minh; phấn đấu 01 thành phố và 2 thị xã đạt chuẩn đô thị văn minh.

Mới nhất

x
Nghệ An phấn đấu đến năm 2025 có 40% phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO