Nghệ An: Phấn đấu là điểm sáng cả nước về công tác dân vận chính quyền
(Baonghean.vn) - Đó là các nội dung Ban chỉ đạo Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh Nghệ An chỉ đạo thực hiện trong năm 2018 tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ sáng 26/3.
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Phong trào thi đua “Dân vận khéo” cấp tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng các thành viên Ban chỉ đạo. Ảnh: Hoài Thu |
Tại hội nghị, sau khi nghe báo cáo kết quả thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2017, phương hướng nhiệm vụ trong năm 2018 của Ban chỉ đạo cấp tỉnh, đã có nhiều ý kiến đánh giá và góp ý nhằm nâng chất lượng, hiệu quả thực hiện phong trào năm 2018.
Đồng chí Lê Khắc Thuyết - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho rằng không nên xây dựng mô hình, điển hình "Dân vận khéo" theo chỉ tiêu chung, mà nên dựa vào tình hình của từng địa phương, từng địa bàn, lĩnh vực… để xây dựng chỉ tiêu cụ thể và coi trọng việc lựa chọn người tham gia, thực hiện phù hợp, hiệu quả.
Đại diện Báo Nghệ An, Đài PT-TH tỉnh đề nghị các ban chỉ đạo cơ sở coi trọng xây dựng, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên mới có thể lan tỏa, tuyên truyền vận động người dân hưởng ứng phong trào “Dân vận khéo”. Bên cạnh đó, cần xây dựng các điển hình cá nhân hoạt động thật sự hiệu quả, xứng đáng để tôn vinh.
Đồng chí Lê Xuân Đại - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoài Thu |
Đồng chí Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc tuyên truyền, vận động phải hết sức cụ thể; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong 1 địa phương và giữa cấp tỉnh với huyện để tạo thành sức mạnh tổng hợp nhằm tăng hiệu quả thực hiện “Dân vận khéo”.
Mặt khác, các địa phương cần chú ý sự tác động của các mô hình “Dân vận khéo” đối với cơ sở; xem xét kỹ việc xây dựng mô hình, quá trình và kết quả của các mô hình như thế nào, tác động của mô hình đó đối với địa phương ra sao, đặc biệt là đối với các vùng đặc thù… để phát huy hiệu quả tối đa.
Các đại biểu tại hội nghị đề nghị tăng cường tuyên truyền về các mô hình "Dân vận khéo" trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh tư liệu |
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn ghi nhận những đóng góp, nỗ lực của ban chỉ đạo các cấp, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2017. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nêu 5 nội dung cơ bản cần thực hiện đối với Phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2018, gồm:
Kiện toàn, nâng cao chất lượng ban chỉ đạo các cấp, trong đó lưu ý các nội dung như phân công rõ hơn, cụ thể hơn công việc cho từng thành viên ban chỉ đạo; duy trì sinh hoạt, tăng cường trao đổi kinh nghiệm để nhân rộng mô hình; nâng cao chất lượng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền; chỉ đạo các cấp xây dựng kế hoạch của cấp mình, thể hiện được đặc thù của từng ngành, từng địa phương, đơn vị, từng lĩnh vực; chỉ đạo sự phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan, đơn vị, coi trọng chỉ đạo cấp cơ sở, xuất phát từ các mô hình cụ thể để xây dựng phong trào. Tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, phát hiện và nhân rộng các việc làm hay, mô hình tốt.
“Dân vận khéo” các cấp phải bám sát nhiệm vụ 2018 trên tất cả các lĩnh vực: trong đó lưu ý những nhiệm vụ lớn, trọng điểm trên từng lĩnh vực; chú ý quan tâm công tác “Dân vận khéo” và xây dựng hệ thống chính trị vùng đặc thù hiệu quả.
Năm 2018 phải làm nổi bật các nội dung “Dân vận khéo” của các cấp chính quyền, đưa Nghệ An thành điểm sáng cả nước về lĩnh vực này. Trước hết phải tập trung nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, tạo ra đợt học tập lớn với nhiều hình thức về “Dân vận khéo” theo lời dạy của Bác Hồ. Đề nghị các cấp, chính quyền, cơ quan, đơn vị cần tiếp thu, lấy ý kiến của người dân trước khi xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp tục làm tốt công tác cải cách hành chính; sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo Nghị quyết Trung ương 6.
Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; làm tốt công tác giám sát, phản biện và quy chế đối thoại. Mỗi tổ chức lựa chọn 1 nội dung thực sự hiệu quả để chỉ đạo thực hiện, phối hợp thực hiện, không chạy theo số lượng. Chỉ đạo tốt hội nghị biểu dương điển hình, mô hình “Dân vận khéo” cấp huyện để tạo sức lan tỏa, hiệu quả đối với cơ sở.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trong đó lưu ý việc hưởng ứng tham gia giải báo chí về dân vận khéo của Ban Dân vận Trung ương tổ chức.