Trước đó, ngày 1/11/ 2013 dân số Việt Nam cán mốc 90 triệu người và sau gần 10 năm đã tăng thêm 10 triệu người nữa. Với tốc độ tăng dân số trung bình những năm gần đây, đã có dự báo tháng 4 này Việt Nam chính thức trở thành 1 trong 15 quốc gia trên thế giới và 1 trong 3 quốc gia khu vực Đông Nam Á có quy mô 100 triệu người.
Việc Việt Nam cán mốc công dân thứ 100 triệu, theo ý kiến của các chuyên gia đó là một dấu mốc đáng tự hào. Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, tất cả các quốc gia đều coi nguồn nhân lực là công cụ quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì việc Việt Nam đón công dân thứ 100 triệu sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam đối với bạn bè và đối tác quốc tế.
Về sự kiện Việt Nam đón công dân thứ 100 triệu, giáo sư Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội cho rằng, Việt Nam đạt 100 triệu dân đúng thời kỳ dân số vàng, tức là tỷ lệ người trong độ tuổi lao động cao (15-64). Hơn thế, Việt Nam đạt 100 triệu dân khi mà mức sinh đạt thấp bởi từ năm 2005 mỗi phụ nữ Việt Nam đã sinh 2 con và mô hình hai con đã phổ biến, giữ vững cho tới nay. Vì vậy, trong điều kiện quy mô dân số lớn nhưng quy mô gia đình nhỏ sẽ tạo điều kiện để nâng cao dân số.
Chúng ta cũng kỳ vọng, với quy mô dân số 100 triệu người cộng với các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển phù hợp, một môi trường chính trị ổn định, một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đầy ấn tượng trong con mắt bạn bè quốc tế.
Để đánh dấu sự kiện này, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan tổ chức sự kiện lớn chào đón công dân thứ 100 triệu của quốc gia. Trong đó, đáng chú ý có Lễ cổ động diễu hành 100 triệu dấu chân con cháu Lạc Hồng; lễ mít tinh sự kiện Việt Nam đón công dân thứ 100 triệu; lễ thăm và đón công dân thứ 100 triệu tại bệnh viện.
Đây cũng là một sự kiện quan trọng của ngành dân số. Tuy nhiên, bên cạnh những kỳ vọng thì những người đứng đầu ngành cũng cho rằng cơ hội sẽ đi kèm với khó khăn, thách thức. Về vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hoá gia đình (Bộ Y tế) cũng cho biết: “Chúng ta đang ở trong thời kỳ dân số vàng với số người trong độ tuổi lao động gần 68 triệu người là nguồn lực rất lớn. Tuy vậy, Việt Nam cũng đã bước vào giai đoạn già hoá dân số từ năm 2011 và kết thúc vào năm 2038 với số người cao tuổi đạt 20%. Già hóa dân số nhanh đòi hỏi sự thích ứng của xã hội. Bên cạnh đó còn nhiều thách thức trong cơ cấu dân số (mất cân bằng giới tính khi sinh), phân bố dân cư và chất lượng dân số”.
Cũng theo Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng, dân số vừa là lực lượng sản xuất, vừa là lực lượng tiêu dùng. Vì vậy, bất cứ sự biến đổi nào về quy mô, cơ cấu, phân bố, nhất là chất lượng dân số đều tác động to lớn đến sự phát triển bên vững của mỗi quốc gia, dân tộc. Ở nước ta, ngay từ khi công bố Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng từ cuối những năm 2000, nhiều chính sách đã được ban hành và thực thi để tận dụng lợi thế của thời kỳ này giúp phát triển kinh tế. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao, trung bình giai đoạn 2011 – 2018 là 6,21%.
Tại Nghệ An, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tổng dân số của tỉnh năm 2021 là 3.409.812 người. So với cả nước, Nghệ An là tỉnh đông dân thứ 4 sau Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Thanh Hóa. Những năm qua, chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Nghệ An có nhiều bước cải thiện. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh từ 72,3 tuổi (năm 2012) lên 73,15 tuổi năm 2021.
Với quy mô dân số đông, cùng với cả nước, Nghệ An cũng đang bước vào thời kỳ dân số vàng. Hiện, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trên toàn tỉnh gần 1,97 triệu người, trên 57,7% tổng dân số toàn tỉnh, trong đó hơn 66% là lao động qua đào tạo và trên 26% là lao động được đào tạo có văn bằng chứng chỉ.
Theo ông Nguyễn Bá Tân – Chi cục trưởng Chi cục Dân số – KHHGĐ tỉnh, với những lợi thế trên, Nghệ An có nhiều điều kiện thuận lợi để phát huy thời kỳ dân số vàng. Tuy vậy, để phát huy, tỉnh cần tiếp tục ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số, tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa quê hương, đất nước.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới đó là cần tiếp tục quán triệt và nhận thức đầy đủ, toàn diện, sâu sắc nội dung các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về công tác dân số và tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược công tác Dân số và Phát triển. Đồng thời, phải đẩy mạnh công tác truyền thông, quan tâm đến nâng cao chất lượng dân số. Nghiên cứu các giải pháp phát huy lợi thế “dân số vàng” để có một lực lượng lao động dồi dào, có tay nghề, có trình độ, đáp ứng tốt thị trường lao động.
Tỉnh cũng cần có kế hoạch xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế lồng ghép các yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế xã hội của từng ngành, từng lĩnh vực. Trong đó cần đảm bảo nguyên tắc con người là trung tâm của phát triển để kế hoạch có tính thực tiễn, hiệu quả cao như kế hoạch hóa lao động – việc làm, tận dụng cơ cấu dân số vàng; kế hoạch hóa giáo dục và đào tạo, kế hoạch hóa y tế, chính sách an sinh xã hội có tính đến già hóa dân số…