Nghệ An: Quỹ hỗ trợ nông dân nhiều huyện chỉ có vài trăm triệu đồng

Thành Duy 28/03/2019 12:44

(Baonghean.vn) - Trước thực trạng trên, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 61 tỉnh Nghệ An đề nghị tiếp tục chăm lo xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân và các hoạt động hỗ trợ nông dân.

Sáng 28/3, Ban Chỉ đạo Đề án 61 tỉnh Nghệ An tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 61 - KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Kết luận 61) và Quyết định số 673/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 673) trong năm 2018 và định hướng nhiệm vụ năm 2019.

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 61 của tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Hội Nông dân và một số sở, ngành của tỉnh. Ảnh: Thành Duy

Hàng chục ngàn hộ nông dân được vay vốn tín chấp, ủy thác

Trong năm, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh đã trực tiếp mở các lớp đào tạo nghề cho 1.135 học viên; các cấp hội đã phối hợp tổ chức được 256 lớp đào tạo nghề cho 8.725 lao động nông thôn, 1.223 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật với 86.833 lượt hội viên nông dân tham gia.

Đến tháng 12/2018, các cấp hội trong tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT nhận tín chấp cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với dư nợ đạt 1.386 tỷ đồng, cho 14.808 hộ nông dân vay vốn; nhận ủy thác vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo và đối tượng chính sách khác vay vốn, dư nợ đạt 2.340 tỷ đồng, cho 73.882 hộ vay vốn.

Đồng chí Nguyễn Quang Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Trong năm 2018, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã nhận tín chấp từ các doanh nghiệp cung ứng vật tư phân bón trên địa bàn tỉnh cho nông dân mua phân bón trả chậm đạt 20.000 tấn.

Tính đến hết năm 2018, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt hơn 54,6 tỷ đồng, trong đó: Trung ương ủy thác 16,7 tỷ đồng; Quỹ cấp tỉnh hơn 24,2 tỷ đồng; Quỹ cấp huyện hơn 13,9 tỷ đồng. Từ nguồn vốn Quỹ đã tập trung đầu tư xây dựng được 274 mô hình sản xuất kinh doanh với hơn 5.000 hội viên nông dân vay vốn.

Đến nay, 10 sở, ngành ký kết chương trình phối hợp với Hội Nông dân. Hầu hết các chương trình triển khai có hiệu quả, vừa góp phần để mỗi ngành thực hiện tốt nhiệm vụ, vừa tạo điều kiện để đổi mới công tác Hội và phong trào nông dân.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất phát triển mạnh mẽ khi họ tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Ảnh tư liệu
Phong trào nông dân thi đua sản xuất phát triển mạnh mẽ khi họ tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Ảnh tư liệu

Tại cuộc làm việc, bên cạnh những kết quả đạt được, các ý kiến thành viên Ban Chỉ đạo 61 cũng cho rằng, còn một số địa phương chưa quan tâm đúng mức việc thực hiện các nội dung đề ra; việc trích ngân sách cấp bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ nông dân ở cấp huyện còn thấp, còn 18 đơn vị cấp huyện Quỹ chỉ vài trăm triệu đồng so với mục tiêu là bình quân đạt 1 tỷ đồng.

Các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án 61 của tỉnh đề nghị tăng cường trao đổi cụ thể giữa các thành viên để triển khai; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở cơ sở; đẩy mạnh công tác tuyên truyền;…

Chăm lo xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng đề nghị tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy Ban hành Chỉ thị chỉ đạo các huyện, thành, thị đẩy mạnh việc thực hiện Kết luận 61 và Quyết định 673.

Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo ban hành ngay kế hoạch thực hiện chung, đồng thời phối hợp giữa các ngành thực hiện một số việc cụ thể của năm 2019; từ đó rút kinh nghiệm để thực hiện trong 2020. Đây cũng là cơ sở để đánh giá việc thực hiện Kết luận 61 và Quyết định 673 của các sở, ngành liên quan.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 61 ghi nhận những kết quả trong việc thực hiện Kết luận 61 và Quyết định 673, qua đó góp phần xây dựng nông nghiệp, nông thôn và giai cấp nông dân.

Về nhiệm vụ năm 2019, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 61 đề nghị tập trung tạo bước chuyển biến tốt hơn trong công tác tuyên truyền, để tiếp tục nâng cao trách nhiệm các cấp, ngành, tổ chức thực hiện; đồng thời coi trọng việc xây dựng, nhân rộng các mô hình tiên tiến.

Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn đề nghị rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nông dân; phát huy vai trò của Hội Nông dân đảm nhận, tham gia các chương trình, đề án xây dựng nông thôn; củng cố tổ chức hội và xây dựng giai cấp nông dân.

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 61 kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 61 tỉnh cũng đề nghị triển khai Đề án tuyên truyền vận động nông dân sản xuất kinh doanh tiêu thụ nông sản an toàn; tiếp tục chăm lo xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân và các hoạt động hỗ trợ nông dân; phối hợp chặt chẽ với các ngành để tham gia các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cần tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc; kiện toàn, nâng cao trách nhiệm ban chỉ đạo các cấp; tham mưu văn bản chỉ đạo của cấp ủy để chỉ đạo việc thực hiện.

Ngày 2/12/2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X ban hành Kết luận 61 - KL/TW về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn từ 2010 -2020. Ngày 10/5/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 673/QĐ - TTg về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 -2020.

Nghệ An: Quỹ hỗ trợ nông dân nhiều huyện chỉ có vài trăm triệu đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO