Nghệ An: Sách chép tay của người Thái thất lạc ở Pháp

10/03/2017 10:26

(Baonghean) - Người Thái ở Quỳ Châu còn lưu truyền khá nhiều thư tịch cổ, trong đó có bản chép tay bằng chữ Thái hệ Lai Tay kể chuyện giữ làng, giữ bản. Trong đó, bản chép tay kể về người Thái cùng quan quân triều đình phong kiến và người Pháp chống lại bộ tộc Ca Hay Hán. Cuốn sách có kích thước 17cm x 42cm, dày 48 trang từng thất lạc sang tận nước Pháp.

» Giáo dân Nghệ An vạch trần sự biến chất của linh mục Nguyễn Đình Thục

» Vị tri phủ cuối cùng của dòng họ danh gia vọng tộc ở miền tây xứ Nghệ

Những văn bản chép tay bằng chữ Thái còn lại kể rằng: Nạn loạn cướp bóc do một người tên là Ca Hay Hán cầm đầu diễn ra trong 2 năm liền, khoảng từ 1871 - 1873. Cũng theo những tài liệu tiếng Thái thì người dân phủ Quỳ Châu xưa đã góp công lớn trong chiến thắng các bộ tộc xâm lấn bản mường thời bấy giờ mà sử sách thời trước gọi là “giặc cướp”.

Ông Vi Ngọc Chân và cuốn sách chữ Thái kể về cuộc nổi loạn của Ca Hay Hán. Ảnh: Hữu Vi.
Ông Vi Ngọc Chân và cuốn sách chữ Thái kể về cuộc nổi loạn của Ca Hay Hán. Ảnh: Hữu Vi.

Ông Vi Ngọc Chân - Phó Giám đốc Trung tâm chính trị huyện Quỳ Châu còn được biết đến với những bài nghiên cứu công bố trên nhiều báo và tạp chí. Ông còn là một nghệ nhân chữ Thái hệ Lai Tay, một loại chữ viết của vùng Phủ Quỳ xưa.

Ông Chân cũng bỏ công sưu tầm về nhiều mảng văn hóa bản địa trong đó có những bản chép tay bằng chữ Thái hệ Lai Tay kể chuyện giữ làng, giữ bản của cộng đồng người Thái ở phủ Quỳ Châu. Trong số này có bản chép tay kể về người Thái cùng quan quân triều đình phong kiến và người Pháp chống lại bộ tộc Ca Hay Hán. Cuốn sách có kích thước 17cm x 42cm, dày 48 trang.

Ông Chân cho biết văn bản chép tay này vốn dĩ của người Thái vùng phủ Quỳ Châu. Sau năm 1954 cuốn sách thất lạc đến Pháp. Trong một chuyến công tác sang Việt Nam ông Michel Feclus, giảng viên một trường đại học ở Paris đã tặng lại cho ông Vi Ngọc Chân.

Theo dịch nghĩa của của Vi Ngọc Chân, câu chuyện viết bằng thể văn vần của người Thái Nghệ An, có thể tóm tắt như sau: Vào năm Hàm Nghi nguyên niên (1884), Phủ Quỳ gặp phải nạn giặc đốt phá tràn làn cả hai huyện Quỳ Châu và Quế Phong ngày nay. Sau đó, khi vua Hàm Nghi phải ra đi lánh nạn vì mất nước, triều đình lại lập Đồng Khánh lên trị vì thiên hạ.

Một trang trong cuốn sách kế về cuộc chiến giữa đội quân của tri huyện Sầm Văn Hào với bộ tộc Ca Hay Hán. Ảnh: Hữu Vi.
Một trang trong cuốn sách kế về cuộc chiến giữa đội quân của tri huyện Sầm Văn Hào với bộ tộc Ca Hay Hán. Ảnh: Hữu Vi.

Đồng Khánh năm thứ nhất, ông Phủ Cố (Sầm Văn Hào) lúc đó ông làm Tri huyện - huyện Thi (Thúy Hà - Quỳ Châu ngày nay), huyện Quế (Quế Phong) liền chiêu mộ lấy lính Mường, Thái được 200 người, đi đánh, chém được tướng giặc tên là Ca Hay Hán. Từ đó người dân 2 huyện ai nấy trở về với bản mường.

Còn tác giả Trần Trí Dõi, một nhà nghiên cứu về văn hóa các dân tộc thiểu số ở Hà Nội, trong trong một cuốn sách xuất bản năm 2001 cũng dẫn một văn bản chữ Thái Quỳ Châu nói về sự kiện “loạn giặc Xá”. Một câu chuyện khá là chi tiết. Trong truyện kể rằng, ngoài đội quân của Sầm Văn Hào còn có sự tham gia của lính Pháp và quân của chính quyền phong kiến.

Theo tài liệu sưu tầm của Trần Trí Dõi, sau khi chiêu mộ được một đội quân hùng mạnh, ông Sầm Văn Hào còn liên kết cùng những người có thế lực trên địa bàn và cử ông Lang Văn Hạnh làm đốc binh, song đều dưới sự chỉ huy của Sầm Văn Hào. Sau đó chính quyền phong kiến - thực dân có cấp súng ống cho ông Hào dẹp loạn. Quan Tổng đốc tỉnh tên là Tằn Chùn (cách gọi của người Thái) xua lính lên đánh giặc. Lên tới xã Châu Lộc (Quỳ Hợp ngày nay) thì gặp đội quân của Sầm Văn Hào lập thêm đồn đánh giặc.

Bản làng Quỳ Châu hôm nay. Ảnh: Trọng Sách.
Bản làng Quỳ Châu hôm nay. Ảnh: Trọng Sách.

Lúc này đồn của phe nổi loạn ở một địa điểm gọi là suối Đềnh. Họ là những người thiện chiến, quân của Sầm Văn Hào, quan quân triều đình và lính Pháp tử nạn rất nhiều đành phải rút quân về khu vực xã Tam Hợp (Quỳ Hợp ngày nay). Quan Tổng đốc Tằn Chùn sau đó mắc bệnh chết và lính Pháp và quân triều đình phải rút lui, bỏ dở cuộc chinh phạt.

Sầm Văn Hào nảy ra kế mời tướng Ca Hay Hán về đồn mình để nghị hòa, xin từ nay làm anh em, không đánh nhau nữa. Tướng Ca Hay Hán nghe theo liền đưa quân đi nghị hòa trong khi Sầm Văn Hào đón đường mai phục. Tướng Ca Hay Hán bị bắn chết. Từ đó nạn loạn được dẹp yên.

Ông Vi Ngọc Cân cho biết việc công bố trên báo chí tư liệu vốn đã cất giữ từ lâu không nhằm mục đích gì ngoài việc giúp bạn đọc hiểu hơn về lịch sử vùng Phủ Quỳ, một miền đất còn nhiều bí ẩn. Những cuộc xung đột này giờ đây đã là một quá khứ xa xưa.

Bà con người Thái ở Châu Bính (Quỳ Châu) vui ngày hội bản. Ảnh: Trọng Sách.
Bà con người Thái ở Châu Bính (Quỳ Châu) vui ngày hội bản. Ảnh: Trọng Sách.

Sách "Đại Nam thực lục chính biên" cũng ghi: Vào những năm 1870, tàn quân nhà Thanh cùng với một số bộ tộc khác cũng quấy nhiễu ở 2 hạt phủ Tương và Phủ Quỳ. Triều đình phải điều quân ở tỉnh đi đánh dẹp.

Những toán quân này hoạt động dọc biên giới việt Lào từ Sơn La cho đến miền Tây Nghệ An. Nhiều toán giăc cướp có nguồn gốc từ Lào, vượt Trường Sơn sang quấy nhiễu. Một số là tàn quân của những cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình nhà Thanh xuống nước ta lánh nạn. Những toán quân này lôi kéo những bộ tộc khác đi lấn đất, cướp phá. Triều đình ngày ấy gọi là “giặc cướp”.

Qua những sử liệu này có thể thấy được rằng suốt một thời gian dài, phủ Quỳ Châu là một vùng đất nhiều biến động. Qua đây cũng cho thấy tinh thần quật cường, mưu trí của các cộng đồng thiểu số miền tây xứ Nghệ.

Sầm Văn Bình - Hữu Vi

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Nghệ An: Sách chép tay của người Thái thất lạc ở Pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO