Nghệ An sẽ bãi bỏ chính sách đối với người miền xuôi lên công tác tại vùng cao?
(Baonghean.vn) - Nghị quyết được ban hành cách nay 10 năm, đề ra chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức là người miền xuôi lên công tác tại vùng cao, đến nay không còn phù hợp với các quy định hiện hành, cần được xem xét bãi bỏ.
Sáng 27/11, thực hiện sự phân công của Thường trực HĐND tỉnh, Ban Pháp chế HĐND tỉnh tổ chức họp để thẩm tra và thống nhất một số nội dung chuẩn bị cho kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII. Ông Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì phiên họp. Tham dự các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Hoàng Viết Đường - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; đại diện các ban HĐND tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh. Ảnh: Thu Giang |
Nghị quyết không còn phù hợp
Tại cuộc họp, các đại biểu đã cho ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị quyết bãi bỏ Nghị quyết số 298/2009/NQ-HĐND ngày 23/12/2009 của HĐND tỉnh về một số chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức là người miền xuôi lên công tác tại vùng cao.
Theo tờ trình do Sở Nội vụ trình bày, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 08/2010/QĐ-UBND ngày 20/01/2010 về quy định một số chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức là người miền xuôi lên công tác tại vùng cao.
Kết quả thực hiện, từ năm 2010 đến nay, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen về công tác lâu năm ở vùng cao cho 265 cán bộ, công chức, viên chức từ miền xuôi lên vùng cao công tác. Ủy ban Dân tộc miền núi đã tặng 265 Kỷ niệm chương cho cán bộ, công chức, viên chức từ miền xuôi lên công tác tại vùng cao. UBND tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ xây dựng, củng cố nhà ở cho những người miền xuôi lên công tác tại vùng cao, số lượng 313 người, số tiền 4,695 tỷ đồng.
Đào tạo nhân lực tại vùng cao, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số thời điểm hiện nay cơ bản đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng. Ảnh tư liệu minh họa |
Chính sách tại Nghị quyết 298/2009/NQ-HĐND được đánh giá là có ý nghĩa trong khoảng thời gian nhất định, nhất là trước khi thực hiện Pháp lệnh Cán bộ, công chức; có ý nghĩa khuyến khích, động viên, ghi nhận sự đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức người miền xuôi lên công tác tại vùng cao trong những thời điểm khó khăn về kinh tế, xã hội, nhân lực của vùng miền núi cao.
Tuy nhiên, khái niệm “miền xuôi”, “vùng cao” hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước quy định; quy định về ưu tiên đối với con của những người từ miền xuôi lên vùng cao công tác trong tham gia thi tuyển vào Trường Phổ thông dân tộc nội trú, ưu tiên trong tuyển dụng công chức, viên chức là không phù hợp với các quy định hiện hành.
Hiện có nhiều văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh về ưu tiên tuyển dụng, bố trí người dân tộc thiểu số trong các cơ quan nhà nước các cấp, đặc biệt là ở địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, do vậy chính sách theo Nghị quyết 298/2009/NQ-HĐND là trái với quy định này.
Vì thế, ngày 19/11/2019, UBND tỉnh có Tờ trình đề nghị HĐND tỉnh xem xét bãi bỏ Nghị quyết 298/2009/NQ-HĐND trong kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới, để đảm bảo văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh ban hành không trái với quy định của Chính phủ, thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Làm rõ tình hình thực hiện đề án vị trí việc làm
Giám đốc Sở Nội vụ Lê Đình Lý giải trình, làm rõ thêm một số nội dung dự thảo mà các đại biểu còn băn khoăn. Ảnh: Thu Giang |
Cuộc họp thẩm tra cũng cho ý kiến về dự thảo nghị quyết về giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2020 trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Dự thảo nghị quyết về phê duyệt tổng số người làm việc, lao động hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức hội năm 2020 trên địa bàn tỉnh Nghệ An trước khi trình kỳ họp sắp tới của HĐND tỉnh.
Kế hoạch năm 2020:
* Trong các cơ quan, tổ chức hành chính:
- Tổng biên chế công chức: 3.355;
- Số lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP: 261
* Trong các đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức hội:
- Số người làm việc hưởng lương từ ngân sách trong các đơn vị sự nghiệp chưa tự đảm bảo chi thường xuyên: 57.852;
- Số lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên: 229;
- Số hợp đồng lao động theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP: 2.508;
- Số hợp đồng hưởng lương từ nguồn thu trong các đơn vị chưa tự đảm bảo chi thường xuyên: 540;
- Số người làm việc trong các tổ chức hội: 87.
Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, kết luận các nội dung này, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Phan Đức Đồng đánh giá nội dung dự thảo các nghị quyết được chuẩn bị chu đáo, nhìn chung giải thích rõ được các băn khoăn của các đại biểu dự họp. Cơ bản đồng tình với các kế hoạch giao biên chế, phê duyệt tổng số người làm việc, đại diện Ban Pháp chế đề nghị Sở Nội vụ tiếp thu các ý kiến xác đáng của Thường trực và các ban HĐND tỉnh, đại diện các sở, ngành hữu quan để hoàn thiện các dự thảo.
Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Phan Đức Đồng kết luận phiên họp thẩm tra sáng 27/11. Ảnh: Thu Giang |
Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh lưu ý thêm, ngành Nội vụ cần kiểm tra lại chênh lệch giữa số biên chế hiện có và số biên chế được giao, rà soát việc thực hiện giao biên chế gắn với thực hiện đề án vị trí việc làm, chấn chỉnh tình trạng biên chế đang còn nhưng lao động hợp đồng không được vào biên chế. Riêng với ngành Giáo dục, tiếp thu các ý kiến cử tri, Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng UBND tỉnh cần có phương án để tính toán khi giao biên chế cho ngành, để phù hợp với thời điểm khai giảng năm học mới vào tháng 9 hàng năm.
Về báo cáo công tác cải cách hành chính được lãnh đạo Sở Nội vụ nêu, bên cạnh ghi nhận các kết quả tích cực đạt được, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị cần quan tâm hơn một số nội dung mấu chốt còn hạn chế trong quá trình triển khai, đơn cử như việc thực hiện Pháp lệnh 34 về Quy chế dân chủ ở cơ sở, chất lượng thực hiện đề án vị trí việc làm, thực thi đạo đức công vụ, công bố cá nhân, đơn vị vi phạm việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính...