Nghệ An sẽ chuyển đổi 200 chợ
(Baonghean) - Theo kế hoạch đặt ra đến năm 2020, có trên 50% số chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An chuyển sang mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác, kinh doanh và quản lý chợ.
Chủ trương chuyển đổi chợ được UBND tỉnh Quyết định cùng với việc ban hành “Quy định về quy trình chuyển đổi mô hình tổ chức, khai thác, kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An” (số 72/2016/QĐ-UBND có hiệu lực kể từ ngày 26/12/2016).
Mục tiêu của việc chuyển đổi là nâng cấp hạ tầng các chợ theo hướng văn minh, đảm bảo tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và an toàn thực phẩm trong chợ; tạo điều kiện cho tiểu thương khai thác tốt hiệu quả kinh doanh, tích cực đóng góp vào ngân sách Nhà nước.
Cán bộ Sở Công Thương khảo sát mô hình chợ được chuyển đổi theo hướng văn minh, đảm bảo ATVSTP ở chợ Hàn - Đà Nẵng. Ảnh: Nguyên Sơn |
Công tác chuyển đổi chợ được giao cho 9 sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố, thị xã, trong đó, Sở Công Thương được giao nhiệm vụ chủ trì. Ngay sau khi chủ trương của tỉnh ban hành, ngành Công Thương đã phối hợp, đôn đốc các địa phương rà soát tất cả hiện trạng của từng chợ (gồm đất đai, tài sản, công trình, trang thiết bị,...); đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh 3 năm gần nhất và dự kiến 3 năm tiếp theo của chợ (số lượng lô, sạp, hộ tiểu thương, ngành hàng kinh doanh; kết quả thu, chi và công tác quản lý, sử dụng nguồn thu, chi tại chợ,...).
Cùng đó, tổ chức thành lập Ban chuyển đổi chợ cấp huyện để thực hiện các quy trình, xác định phương thức chuyển đổi, thời gian giao thầu kinh doanh, khai thác và quản lý chợ, phương án tài chính, bố trí, sắp xếp, giải quyết lao động và quản lý vệ sinh môi trường chợ...
Theo bà Võ Thị An - Phó Giám đốc Sở Công Thương, việc chuyển đổi chợ truyền thống là yêu cầu tất yếu trong thời kỳ mới và tất cả các quy trình chuyển đổi phải được thống nhất cao của cấp huyện, xã và bà con tiểu thương khi quyết định chọn doanh nghiệp đầu tư hoặc hình thành theo mô hình hợp tác xã quản lý chợ. Với phương thức chuyển đổi mới, các chợ sẽ được nâng cấp hạ tầng, đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, duy trì văn minh trong kinh doanh ở chợ và quản lý tốt nguồn thu cho ngân sách.
Trên thực tế, lâu nay, rất nhiều chợ giao cho một tổ quản lý, khoán thu nên hiệu quả nguồn thu không cao và việc tái đầu tư sửa chữa, nâng cấp hạ tầng chợ không được thực hiện khiến cho chợ vốn đã tạm bợ, càng xuống cấp... Về phía Sở Công Thương sẽ tích cực tư vấn cho các địa phương để tổ chức tốt công tác chuyển đổi. Còn với những chợ thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khả năng thu hồi vốn chậm, khó khăn trong quá trình chuyển đổi mô hình chợ thì phương án chuyển đổi mô hình chợ có đề xuất cơ chế hỗ trợ để việc chuyển đổi được tiến hành thuận lợi.
Chợ Cồn (Thanh Chương). Ảnh: Nguyên Sơn |
Đảm bảo hài hòa lợi ích
Chợ truyền thống là địa chỉ giao thương, buôn bán và là giao lưu văn hóa của nhân dân các địa phương. Có những chợ được hình thành hàng trăm năm và khó có thể “cưới chợ mới”. Chính vì vậy, việc chuyển đổi chợ được ưu tiên nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất trên nền chợ cũ, ngoại trừ những khu vực chợ không nằm trong quy hoạch hoặc ảnh hưởng tới an ninh trật tự cần tính toán phương án chuyển địa điểm.
“Tuy nhiên, tất cả các hình thức đều phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, đó là lợi ích cho tiểu thương, nhân dân; lợi ích cho nhà đầu tư và cả đóng góp cho ngân sách. Một nguyên tắc cơ bản trong quá trình chuyển đổi là các cấp quản lý và nhà đầu tư phải làm việc cụ thể, bàn bạc, thống nhất với các tiểu thương trước khi tiến hành chuyển đổi...”, bà Võ Thị An nhấn mạnh.
Qua trao đổi, ông Phan Đức Thịnh - Phó phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết thêm: Đến nay, các huyện đang rà soát thực tế các chợ và tiến hành thành lập Ban chuyển đổi chợ theo chỉ đạo của tỉnh. Ban chuyển đổi chợ cấp huyện cần phối hợp với nhà đầu tư hoặc hợp tác xã và tiểu thương xây dựng bộ nội quy chợ theo quy định (nếu chưa có) để trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp quản lý chợ; đồng thời theo dõi sát công tác tổ chức điều hành chợ theo mô hình mới; công khai các thông tin kinh tế, chính sách, quy định của pháp luật và nghĩa vụ các bên đối với Nhà nước trong hoạt động kinh doanh chợ.
Cũng theo ông Thịnh, kế hoạch đặt ra đến cuối tháng 11/2017, các huyện, thị xã, thành phố phải thành lập được Ban chuyển đổi chợ và tiến hành các quy trình chuyển đổi, quản lý chợ theo mô hình mới.
Thống kê sơ bộ, mỗi năm 405 chợ trên địa bàn tỉnh đóng góp ngân sách được khoảng 21 tỷ đồng, trong đó, riêng chợ Vinh gần 6 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2020, có trên 50% số chợ trên địa bàn tỉnh chuyển sang mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác, kinh doanh và quản lý chợ. Trong đó, 100% các chợ đầu mối, chợ hạng 1, hạng 2; chợ tại các phường, các chợ tại trung tâm thị trấn các huyện thực hiện chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác, kinh doanh và quản lý chợ. |
Nguyên Nguyên
TIN LIÊN QUAN |
---|