Chủ đại lý, công trình chật vật xoay xở khi giá thép tăng cao
(Baonghean.vn) - Từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng trên địa bàn Nghệ An tăng cao, trong khi đó, nhu cầu về thép xây dựng hiện đang sụt giảm, các đại lý như "ngồi trên đống lửa" khi không thể tiêu thụ được. Nhiều công trình đang xây dựng cũng gặp khó khi vật liệu đội giá.
Giá thép liên tục tăng
Từ đầu năm đến nay, giá cả các mặt hàng vật liệu xây dựng trên cả nước nói chung và tỉnh Nghệ An đều có sự biến động, trong đó, thép xây dựng là vật liệu có những đợt tăng giá liên tục.
Thép là vật liệu xây dựng tăng giá mạnh nhất từ đầu năm. Ảnh: Q.A |
Anh Phan Thân, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng tại xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá thép đã tăng lên 4 lần, đạt ngưỡng trên 17 triệu đồng/tấn. Đây là một trong thời điểm giá thép xây dựng tăng cao nhất trong 10 năm qua.
Tại TP. Vinh, theo khảo sát của phóng viên, trên các tuyến đường có nhiều cửa hàng bán vật liệu xây dựng như Nguyễn Sỹ Sách, Đại lộ Lê Nin, Nguyễn Phong Sắc, Phan Bội Châu… giá thép cũng đang nằm ở mức rất cao, dao động ở mức 17,2 – 17,6 triệu đồng/tấn tuỳ loại thép cuộn, thép cây khi nhập cho các đại lý.
Anh Nguyễn Văn Sơn, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn TP.Vinh cho biết: Thời điểm cuối năm 2022, giá thép nhập vào khoảng 16,4 triệu đồng/tấn, sau đó, phía nhà máy liên tục cập nhật giá mới, mỗi đợt tăng từ 200.000 – 300.000 đồng/tấn. Đến nay, mức tăng đã đạt trên 1 triệu đồng/tấn.
Sau 4 đợt tăng giá, hiện giá thép nhập vào tại đại lý đã trên 17 triệu đồng/tấn. Ảnh: Q.A |
Theo chia sẻ của các đại lý vật liệu xây dựng, thì nguyên nhân khiến giá thép tăng cao chủ yếu do giá phôi thép và giá các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép như than, quặng sắt, thép phế, cuộn cán nóng... chưa có dấu hiệu dừng đà tăng, nên thép thành phẩm buộc phải tăng giá để bù lại giá thành sản xuất cũng như giảm lỗ.
Dù mức tăng hiện nay chưa chạm kỷ lục như hồi tháng 5/2022 (gần 20 triệu đồng/tấn), tuy nhiên với đà tăng liên tục kể từ đầu năm, không chắc thị trường thép sẽ “hạ nhiệt” trong thời gian tới.
Thép là vật liệu xây dựng chiếm tỷ lệ lớn trên các công trình. Ảnh: Q.A |
Chủ đại lý, nhà thầu chật vật xoay xở
Giá thép tăng cao đã khiến các đại lý, nhà thầu thi công các công trình lớn nhỏ và người dân đều chung tâm trạng đứng ngồi không yên vì những lý do khác nhau. Đối với các đại lý vật liệu xây dựng, giá thép tăng cao trong khi nhu cầu về thép xây dựng đang sụt giảm mạnh, lượng thép tồn kho rất lớn khiến nhiều người lo lắng.
Nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng hết sức lo lắng khi giá thép nhập cao nhưng không tiêu thụ được. Ảnh: Q.A |
Cơ sở vật liệu xây dựng Sỹ Lương, phường Hưng Dũng, TP.Vinh trong những ngày đầu tháng 4, lượng khách mua hàng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chị Lương, chủ cơ sở phải tích gọi điện cho các công trình, mối quen để tìm hiểu nhu cầu nhằm cung ứng vật liệu, tuy nhiên tình hình vẫn không khả quan. Chị Lương chia sẻ: “Thông thường, từ tháng 2 âm lịch là thời điểm các công trình xây dựng được khởi công liên tục do thời tiết thuận lợi. Những năm trước, xe chở nguyên vật liệu nườm nượp ra vào tại cửa hàng, nhưng năm nay thì vắng hẳn. Số lượng hàng tồn, đặc biệt là thép xây dựng của chúng tôi vẫn còn hàng chục tấn trong kho, tiêu thụ rất chậm dù nhập vào với giá cao. Và hàng chậm tiêu thụ ngày nào là lỗ ngày đó…”.
Nhiều công trình nhà ở, công trình phụ bị đội giá khi giá thép tăng cao. Ảnh: Q.A |
Theo chị Lương thì có nhiều nguyên nhân khiến nhu cầu vật liệu xây dựng hiện nay đang sụt giảm mạnh, trong đó chủ yếu là do kinh tế gặp nhiều khó khăn sau đại dịch, thị trường mua bán bất động sản chững lại, nhu cầu để xây dựng các công trình rất thấp, kéo theo việc tiêu thụ các loại vật liệu xây dựng giảm kỷ lục. Do đã nhập về lượng hàng lớn nên các đại lý giờ như ngồi trên đống lửa, khi khách vào mua hàng, nhận thông báo giá thép mới, không ít người đã bỏ đi…
Đối với người dân, đặc biệt là những hộ đã khởi công xây dựng nhà ở, các công trình phụ, việc giá thép tăng cao cũng khiến chi phí đội lên so với dự toán ban đầu. Đầu tháng 3/2023, gia đình anh Ngô Trung Khang tại huyện Diễn Châu quyết định động thổ xây dựng ngôi nhà 3 tầng với diện tích trên 100m2. Theo tính toán ban đầu, giá sắt thép sẽ chiếm từ 15 – 20% giá thành toàn bộ chi phí ngôi nhà, tuy nhiên, khi mới xong phần móng, nhận được báo giá thép tại các cửa hàng vật liệu xây dựng ở địa phương đã tăng lên trên 1 triệu đồng/tấn, khiến gia đình phải tính toán, cân đối lại chi phí.
Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt. Ảnh minh họa: Q.A |
Anh Khang chia sẻ: “Công trình của tôi dự kiến sẽ phải sử dụng trên 30 tấn thép. Nếu biết trước tình hình giá thép tăng, chủ động đặt hàng từ thời điểm Tết vừa qua, tôi đã có thể tiết kiệm được hàng chục triệu đồng. Giờ nhà đang trong quá trình xây không thể bỏ dở, đành phải chịu giá thành đội lên chứ không có cách nào khác…”.
Thực tế hiện nay, không chỉ gia đình anh Khang mà nhiều hộ gia đình đang có kế hoạch xây dựng nhà cửa cũng đang trì hoãn lại việc thi công để chờ giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là thép ổn định trở lại mới triển khai.
Đối với các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là liên quan đến thi công cầu, đường, việc giá thép xây dựng tăng cao cũng khiến chi phí đội lên đáng kể.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Giám đốc ban điều hành hầm Thần Vũ, thuộc Tập đoàn CIENCO4 cho biết: Hiện nay, trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Diễn Châu, chúng tôi đang thi công 2,2km đường và 567m hầm Thần Vũ nhánh trái ở Cửa Bắc; trên địa bàn huyện Hưng Nguyên gồm 4,1km đường và 1,5km cầu bao gồm 5 cầu: Hưng Thắng 1, Hưng Thắng 2, Hưng Thắng 3, cầu Tỉnh lộ 542C và cầu Hưng Đức với lượng thép xây dựng rất lớn. Từ đầu năm đến nay, giá thép tăng cao cũng khiến chi phí bị đội lên, nhưng đã nhận thầu công trình rồi thì phải tiếp tục thi công. Nếu dừng thi công sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của công trình trọng điểm Quốc gia, bị phạt thậm chí không được thanh toán phần khối lượng đã thi công…
Công nhân thi công các trụ cầu trên cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Q.A |
Trên tuyến Đại lộ Vinh – Cửa Lò giai đoạn 2, các phương tiện, máy móc cũng đang được huy động, tranh thủ thời tiết thuận lợi để thi công đảm bảo tiến độ. Kỹ sư Cao Xuân Vinh - Chỉ huy trưởng công trình, Công ty cổ phần Xây dựng Tân Nam cho biết: Chúng tôi phụ trách thi công 70% khối lượng gói thầu, lớn nhất trên tuyến, do đó giá cả vật liệu xây dựng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thi công công trình. Từ đầu năm đến nay, giá thành vật liệu xây dựng như thép, cát, đá đều tăng, đặc biệt là thép tăng cao khiến chi phí bị đội lên từ 5 – 10% so với dự toán ban đầu. Mục tiêu quan trọng nhất vẫn là đảm bảo tiến độ, nên việc nhập vật liệu xây dựng vẫn phải tiến hành liên tục dù giá cao.
“Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn các đơn vị cung cấp nguyên liệu thông báo sớm các đợt biến động giá để có biện pháp thích ứng kịp thời. Giá thép xây dựng chiếm một tỷ lệ lớn trong cấu thành giá các công trình xây dựng cầu đường nên chúng tôi cũng mong muốn các ban, ngành tăng cường công tác quản lý giá, gỡ vướng để việc thi công các công trình trọng điểm đảm bảo”- kỹ sư Vinh nhấn mạnh.