Nghệ An tăng cường giải pháp quản lý nợ thuế

23/06/2017 09:28

(Baonghean) - Đến hết tháng 5/2017, tổng nợ thuế ở Nghệ An còn 961 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng thu là 624 tỷ đồng; nợ khó thu là 337 tỷ đồng.

Đồng chí Trịnh Thanh Hải - Bí thư Đảng ủy, Cục phó Cục Thuế tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.

PV: Đồng chí có thể cho biết tình hình nợ đọng thuế của Nghệ An hiện nay; các khoản nợ chính và tình hình nợ ở các chi cục?

Đồng chí Trịnh Thanh Hải: Trong năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017, toàn ngành Thuế Nghệ An đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp quản lý nợ thuế như: Giao chỉ tiêu thu nợ cho từng phòng, từng chi cục; thực hiện kiên quyết các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế (CCNT) như ban hành Thông báo nợ và tiền chậm nộp, ban hành các Quyết định CCNT đối với các trường hợp phải cưỡng chế nợ thuế; tham mưu UBND tỉnh công văn không cho đấu thầu đối với các doanh nghiệp nợ thuế trên 1 tỷ đồng; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để thu hồi nợ thuế các doanh nghiệp khai thác khoáng sản; nhắn tin đôn đốc nộp nợ thuế đến giám đốc các doanh nghiệp; công bố thông tin NNT chây ỳ nợ thuế lên báo, trang Web Cục Thuế, loa phát thanh phường, xã…

Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trong cưỡng chế nợ thuế; phối hợp các sở, ngành để thu hồi nợ thuế. Do vậy, công tác quản lý nợ thuế đạt được những kết quả đáng kể, góp phần quan trọng vào việc thu ngân sách, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của ngành.

Cán bộ Phòng quản lý nợ thuế trao đổi về công tác xử lý nợ thuế.Ảnh: Châu Lan
Cán bộ Phòng quản lý nợ thuế trao đổi về công tác xử lý nợ thuế. Ảnh: Châu Lan

Như năm 2016, các chi cục đã thực hiện tính tiền chậm nộp 184.093 lượt, số tiền chậm nộp 79 tỷ đồng. Thực hiện cưỡng chế nợ thuế 17.989 lượt NNT, số tiền thu được qua CCNT 186,8 tỷ đồng. Các Chi cục giảm nợ so với 31/12/2015 gồm: Tân Kỳ 2 tỷ đồng, TX. Hoàng Mai 1,6 tỷ đồng, Quỳ Châu 1 tỷ đồng...

5 tháng đầu năm công tác chống nợ đọng thuế tiếp tục thực hiện quyết liệt. Kết quả, đến thời điểm 31/5/2017, tổng nợ thuế còn 961 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng thu là 624 tỷ đồng; Nợ khó thu là 337 tỷ đồng (bao gồm: Tiền thuế nợ của người nộp thuế (NNT) được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự chưa có hồ sơ đề nghị xoá nợ; tiền nợ thuế có liên quan đến trách nhiệm hình sự chưa thực hiện được nghĩa vụ nộp thuế; tiền nợ thuế của NNT bỏ địa chỉ kinh doanh; NNT chờ giải thể; NNT mất khả năng thanh toán và tiền thuế nợ đã áp dụng hết các biện pháp cưỡng chế nợ thuế.

Mặc dù ngành Thuế đã triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp thu nợ nhưng số nợ so với cùng kỳ vẫn còn tăng 4%. Các khoản nợ chính chủ yếu là của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp giao thông, xây dựng, doanh nghiệp khai thác khoáng sản, sản xuất… Một số chi cục có số nợ thuế tăng gồm: Thành phố Vinh, Yên Thành, Quỳ Hợp, TX. Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Quế Phong.

Nguyên nhân tăng nợ thuế là do ảnh hưởng suy thoái kinh tế kéo dài cho nên một số doanh nghiệp vẫn còn khó khăn; việc thu hồi nợ đọng có chuyển biến nhưng chậm, chủ yếu là do các đơn vị xây dựng cơ bản hiện nay Nhà nước đang còn nợ doanh nghiệp, các công trình xây dựng triển khai mới còn ít, tiến độ giải ngân chậm làm ảnh hưởng đến thu hồi nợ đọng thuế.

Doanh nghiệp ngành Xây dựng đã có những khả quan hơn về việc làm.Ảnh: Châu Lan
Doanh nghiệp ngành Xây dựng đã có những khả quan hơn về việc làm. Ảnh: Châu Lan

PV: Thời gian qua, Cục Thuế Nghệ An đã kiểm soát mức gia tăng nợ đọng thuế và mức nợ thuế của tỉnh trong tương quan với cả nước như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Trịnh Thanh Hải: Mục tiêu của ngành Thuế là quản lý nợ hiệu quả, phấn đấu đạt tỷ lệ thu nợ được Tổng Cục Thuế giao. Thực tế, thời gian vừa qua, Cục Thuế Nghệ An đã triển khai rất quyết liệt các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, như: Cưỡng chế qua tài khoản ngân hàng, thu nợ qua bên thứ ba, cưỡng chế về hóa đơn, kiến nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đồng thời tiến hành phân loại nợ, áp dụng các biện pháp thu nợ như gọi điện thoại đôn đốc nợ, nhắn tin qua điện thoại của người đứng đầu doanh nghiệp, công khai thông tin nợ thuế trên báo, đài, loa phát thanh… để thu hồi nợ đọng và giảm mức tăng nợ thuế đáng kể.

Chính vì vậy, mức nợ thuế của Nghệ An hiện nay đang thấp hơn so với bình quân chung của cả nước. Tỷ lệ nợ thuế/tổng thu ngân sách của tỉnh là 5,7% và thấp hơn bình quân chung của cả nước là 9%.

PV: Xin đồng chí cho biết một số giải pháp tăng cường thu nợ thuế trong thời gian tới ở ngành Thuế tỉnh nhà?

Đồng chí Trịnh Thanh Hải: Cục Thuế Nghệ An xác định công tác thu nợ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và rất quan trọng. Trong thời gian tới, Cục Thuế sẽ thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, bao gồm từ việc phân loại nợ thuế, ban hành thông báo nợ và tiền chậm nộp, nhắn tin đôn đốc nộp nợ thuế đến giám đốc các doanh nghiệp; công bố thông tin NNT chây ỳ nợ thuế lên báo, đài, loa phát thanh phường, xã, trang web Cục Thuế,... đến việc ban hành các quyết định cưỡng chế đối với các trường hợp dây dưa, chây ỳ nợ thuế.

Cùng đó, Cục Thuế sẽ gửi công văn cho UBND các huyện, thành phố và thị xã phối hợp chỉ đạo các ban, ngành trên địa bàn vào cuộc thu hồi nợ đọng thuế; đề nghị UBND tỉnh không cho các doanh nghiệp nợ thuế lớn trên 1 tỷ đồng tham gia đấu thầu, triển khai các dự án mới. Cục Thuế phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thu hồi nợ thuế các doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, trong việc cưỡng chế nợ thuế; phối hợp với các sở, ngành thành lập các đoàn liên ngành để thu hồi nợ đọng thuế.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Trân Châu (Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nghệ An tăng cường giải pháp quản lý nợ thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO