Nghệ An tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Qua 4 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiềm giữ. Tuy nhiên, thực trạng này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Là lực lượng nòng cốt, thời gian qua, Công an Nghệ An đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhiều đối tượng, đường dây lừa đảo đã bị triệt xoá, trong đó có những đường dây lừa đảo xuyên quốc gia.
Điển hình như trong tháng 10/2024, Công an Nghệ An chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan triệt xóa đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia tại đặc khu kinh tế “Tam giác vàng” thuộc tỉnh Bokeo (Lào) do các đối tượng người nước ngoài chủ mưu, có sự tham gia của các đối tượng người Nghệ An dưới hình thức lừa tình, lôi kéo đầu tư tiền ảo.
Trước đó, cơ quan chức năng đã điều tra làm rõ, tháng 9/2023, Vi Văn Linh (SN 2003) trú tại huyện Con Cuông sang Lào và tham gia vào nhóm tội phạm trên để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể Linh đã sử dụng tài khoản Zalo “Phương Quỳnh”, tài khoản Facebook “Phạm Quỳnh Châu” nhắn tin, làm quen và tạo mối quan hệ tình cảm yêu đương với một người đàn ông trú tại TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Với thủ đoạn lừa tình, lôi kéo đầu tư tiền ảo, Linh đã nhiều lần dụ dỗ nạn nhân đầu tư vào “Biconomynft” rồi lừa đảo nạn nhân với tổng số tiền hơn 17,6 tỷ đồng.
Cũng với “chiêu bài tương tự”, Kha Văn Úc (SN 2002) cùng trú tại huyện Con Cuông đã tiếp tục lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng của người đàn ông nói trên.
Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Kha Văn Úc và Vi Văn Linh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Mở rộng chuyên án, lực lượng chức năng bắt giữ, khởi tố, tạm giam thêm 3 đối tượng gồm: Lộc Văn Tào (SN 2001), Lương Văn Hiền (SN 2001), cùng trú tại huyện Tương Dương và Vi Thị Lệ (SN 2002), trú tại huyện Con Cuông.
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, từ ngày 15/12/2021-15/6/2024, toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 254 vụ, 343 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền chiếm đoạt hơn 750 tỷ đồng.
Cùng với đó, công tác nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản được triển khai quyết liệt với sự vào cuộc của các cấp, ngành.
Điển hình Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh và các đơn vị liên quan đã phối hợp tăng cường các giải pháp chấn chỉnh, siết chặt công tác quản lý, đăng ký doanh nghiệp, quỹ tín dụng nhân dân và hộ kinh doanh các loại hình kinh doanh dịch vụ… để phòng ngừa các hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng được triển khai dưới nhiều hình thức để nhân dân biết và nâng cao cảnh giác.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng đã phối hợp xây dựng và củng cố các tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, duy trì hoạt động của 3.895 Ban tự quản và 38.578 Tổ tự quản về ANTT; tiến hành đặt 3.950 hòm thư tố giác tội phạm tại nhà văn hóa khối, xóm và địa điểm công cộng; công khai 460/460 số điện thoại công an phường, xã, thị trấn để quần chúng nhân dân cung cấp thông tin liên quan đến tội phạm. Qua đó, nhân dân đã cung cấp hơn 112 tin, phục vụ giải quyết, đấu tranh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có nhiều nguồn tin giá trị phục vụ hoạt động điều tra, xác minh...
Từ ngày 15/6/2023 đến ngày 14/6/2024, lực lượng Công an các cấp đã tiếp nhận 150 tố giác, tin báo về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó các cơ quan chức năng đã giải quyết 128 tin (đạt 85,3%).
Tiềm ẩn nguy cơ cao
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiềm ẩn nhiều phức tạp.
Nắm bắt tâm lý hám lợi và mất cảnh giác của một bộ phận người dân (chủ yếu là người cao tuổi, phụ nữ, lao động tự do, người có thu nhập không ổn định, học sinh, sinh viên…), bọn tội phạm đã triệt để lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hoạt động lừa đảo.
Các thủ đoạn phổ biến gồm: Sử dụng công nghệ Deepfake làm giả cuộc gọi video nhằm chiếm đoạt tài sản; chiếm đoạt quyền sử dụng sim điện thoại để lừa đảo, tổ chức tuyển cộng tác viên online bán hàng trên sàn thương mại điện tử; giả danh cơ quan thực thi pháp luật, giả danh lãnh đạo tỉnh, sở ban ngành địa phương, doanh nghiệp, tổ chức tài chính, ngân hàng, giáo viên, nhân viên y tế; mời gọi tham gia các dịch vụ hẹn hò online; kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo; sử dụng con dấu, tài liệu, hồ sơ giả liên quan đến đất đai kêu gọi đầu tư bất động sản; giả vờ yêu đương gửi/nhận quà tư nước ngoài; đánh cắp tài khoản mạng xã hội để nhắn tin vay mượn tiền, đổi ngoại tệ; mua hàng trực tuyến với giá rẻ; giả vờ chuyển tiền nhầm rồi ép trả với lãi suất cao; vay tiền trực tuyến, giả mạo thông báo của ngân hàng, thông báo trúng thưởng; tạo các fanpage đặt trùng tên hoặc gần giống với nhiều fanpage có uy tín để lừa đảo…
Đặc biệt thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ người dân bị các đối tượng giả danh shipper lừa đảo chuyển khoản nhận hàng hoặc tự xưng cán bộ Công an hướng dẫn cài đặt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 để chiếm đoạt tài sản.
Điển hình ngày 11/10/2024, anh T.Q.C. trú tại địa bàn xã Diễn Hùng( Diễn Châu) đã mất 55 triệu đồng trong tài khoản sau khi làm theo hướng dẫn cài đặt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 và cung cấp các thông tin như: mã số định danh, ngày tháng năm sinh, số tài khoản ngân hàng, mã OTP... cho một đối tượng lạ tự xưng qua điện thoại là cán bộ Công an.
Rất may sau khi phát hiện tài khoản “không cánh mà bay”, anh C. đã trình báo và được Công an xã Diễn Hùng hướng dẫn thực hiện các bước xác minh, phối hợp với ngân hàng ngăn chặn giao dịch. Đến chiều cùng ngày, anh C. đã nhận lại số tiền 55 triệu đồng nói trên.
Theo ngành chức năng, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi, đa dạng, khó dự đoán, bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin, đất đai, công chứng... còn nhiều sơ hở, thiếu sót để tội phạm lợi dụng hoạt động, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh.
Tăng cường giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn
Trước diễn biến phức tạp của loại tội phạm này, ngày 31/10/2024 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Văn bản số 9621/UBND-NC ngày 31/10/2024 về tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hoạt động “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trong đó yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã phối hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đặc biệt là lừa đảo trên không gian mạng để nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Công an tỉnh tăng cường công tác quản lý các đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy, thanh thiếu niên hư... nhằm hạn chế việc các đối tượng này tham gia hoặc tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo ( mở tài khoản ngân hàng thu gom bán lại cho đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc xuất cảnh ra nước ngoài hoạt động trong các đường dây tội phạm lừa đảo trong các đặc khu tại Campuchia, Lào..).
Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT, các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu, điều kiện hoạt động “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông và an toàn thông tin, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xóa bỏ các bài viết, nội dung, hình ảnh... quảng cáo trái phép, các trang web, đường dẫn, ứng dụng có liên quan đến hoạt động “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Về phía Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An, cần chủ động nghiên cứu, chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán trên địa bàn phối hợp hiệu quả với Công an tỉnh và các sở, ngành liên quan trong xác minh, xử lý tội phạm; kịp thời có biện pháp phong tỏa, ngăn chặn việc tẩu tán tài sản trong các vụ án, vụ việc; khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong hoạt động cho vay, thanh toán, chuyển tiền, nhận tiền; đẩy mạnh kiểm soát các giao dịch liên quan đến tiền “ảo” trái quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, về phía người dân cũng cần chủ động cập nhật thông tin; nâng cao cảnh giác, tránh trở thành “con mồi” bị các đối tượng lừa đảo dẫn dụ, thao túng tâm lý, gây tổn hại cả về vật chất và tinh thần./.