Nghệ An: Tạo dải tăng trưởng, liên kết mạnh mẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp
(Baonghean.vn) - Với nhiều chủ trương thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp phát triển, Nghệ An đã đạt được một số kết quả bước đầu; nhưng trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường bền vững thì vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra.
Kỳ vọng từ những dự án lớn
Nghệ An là tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp. Diện tích lớn nhất cả nước 16.490 km2, xếp thứ 4 về quy mô dân số với hơn 3.3 triệu người (độ tuổi lao động chiếm hơn 2 triệu người, khoảng 60%), là đầu mối trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ, nằm trên trục giao thông chính nối liền Bắc - Nam, có hệ thống giao thông phát triển, đường bộ, đường sắt xuyên quốc gia.
Hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp được quan tâm đầu tư như: VSIP, khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1, Hoàng Thịnh Đạt, tạo tiền đề quan trọng để thu hút các dự án thứ cấp.
Tỉnh đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Nam Cấm, Hoàng Mai, Thái Hòa, Nghĩa Đàn... và triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng 32 cụm công nghiệp với diện tích 467 ha, thu hút hàng trăm doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng.
Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh tư liệu BNA |
Đặc biệt, trong năm 2022, số vốn FDI đầu tư tại Nghệ An cấp mới và điều chỉnh đạt hơn 961,3 triệu USD, với nhiều dự án sản xuất công nghiệp lớn. Một số dự án đi vào hoạt động có giá trị xuất khẩu hàng năm chiếm 30-35% giá trị xuất khẩu của cả tỉnh, góp phần nâng tỷ trọng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Nghệ An lên thứ 28 của cả nước.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý KKT Đông Nam Nghệ An: Vừa qua, cùng với trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Mở rộng Khu Kinh tế Đông Nam và đổi tên thành Khu Kinh tế Nghệ An có diện tích 105.585 ha, tỉnh cũng dành nguồn lực và mời gọi, thu hút đầu tư để xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật 12 khu công nghiệp ngoài khu kinh tế và 71 cụm công nghiệp đồng bộ, hiện đại.
Với tiềm năng sẵn có cùng những nỗ lực, Nghệ An thu hút đầu tư đạt kết quả rất tích cực, đóng góp rất lớn cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế của tỉnh sau đại dịch.
Thu hút đầu tư hiệu quả là cơ sở vững chắc cho sản xuất công nghiệp, phát triển kinh tế, xã hội trước mắt và lâu dài.
Tôn Hoa Sen - một trong những sản phẩm công nghiệp có mức tăng trưởng tốt trong nhiều năm qua. Ảnh: Thu Huyền |
Theo đánh giá, so với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, cơ cấu kinh tế của Nghệ An có sự tương đồng, với đóng góp cao từ khu vực dịch vụ, sự dịch chuyển từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ ngày càng tăng.
Quý I/2023, mặc dù còn nhiều khó khăn, song tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn Nghệ An (GRDP) đạt 7,75% so với cùng kỳ, đứng thứ 14/63, thuộc tốp 15 tỉnh, thành tăng trưởng cao nhất cả nước.
Tìm giải pháp đột phá
Tuy nhiên, phát triển công nghiệp tại Nghệ An vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng và lợi thế. Tỷ trọng công nghiệp trong GDP còn thấp so với bình quân chung cả nước, sức cạnh tranh của các sản phẩm chưa cao do quy mô, trình độ công nghệ còn lạc hậu, ít có mặt hàng chủ lực chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài tỉnh. Giá trị tăng thêm, tỷ trọng sản phẩm công nghiệp xuất khẩu còn thấp. Tỉnh còn thiếu các cơ sở công nghiệp quy mô lớn đóng vai trò hạt nhân, có tác động lan tỏa, lôi kéo, kích thích phát triển các doanh nghiệp vệ tinh, các ngành công nghiệp hỗ trợ…
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 (khóa XIII), về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh vừa có Tờ trình số 112-TTr/BCSĐ ngày 14/3/2023, về ban hành chương trình hành động cụ thể hóa nhiệm vụ trên.
Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam. Ảnh tư liệu P.V |
Theo đó, Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân đạt 11-11,5%/năm. Cơ cấu GRDP: Nông, lâm, thủy sản chiếm 13,5-14%; công nghiệp - xây dựng chiếm 42-42,5%; dịch vụ chiếm khoảng 38,8%; GRDP bình quân đầu người năm 2030 phấn đấu cao hơn mức trung bình cả nước với khoảng 8.000 USD (giá hiện hành); tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội phấn đấu dưới 30%, lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 70%; kinh tế số chiếm 30% GRDP. Đến năm 2030, 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 65-70% diện tích…
Để thực hiện mục tiêu đề ra, đòi hỏi giải pháp đồng bộ, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Hiện nay, Nghệ An đang dần hình thành các mũi nhọn công nghiệp có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: Sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng; chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo mô hình chuỗi giá trị; công nghiệp cơ khí; sản xuất dược liệu; năng lượng và công nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn sẽ được tập trung nguồn lực phát triển.
Tàu container cập cảng Cửa Lò. Ảnh: Thu Huyền |
Việc phân bố không gian công nghiệp cần được nghiên cứu đảm bảo hợp lý, tạo thành các dải tăng trưởng nhằm tăng cường sức mạnh liên kết giữa các ngành, vùng, địa phương để tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất. Đối với TP. Vinh và vùng ven biển (TX. Cửa Lò, TX. Hoàng Mai và dải ven biển dọc theo Quốc lộ 1A), với lợi thế về hạ tầng giao thông, cảng biển, hạ tầng Khu Kinh tế Đông Nam, các KCN tập trung và nguồn lao động có trình độ, sẽ tập trung phát triển các ngành nghề, như công nghiệp cơ khí, sản xuất thiết bị điện, điện tử, công nghiệp chế biến thủy sản, đóng tàu và sửa chữa tàu thuyền. Khu vực Nam Cấm - Thọ Lộc và Hoàng Mai - Đông Hồi có thể phát triển thành các dải công nghiệp tập trung có quy mô khu vực, trên cơ sở ưu tiên thu hút đầu tư một số ngành công nghiệp công nghệ cao, vật liệu mới, công nghiệp nặng ít gây ô nhiễm và không ảnh hưởng đến tiềm năng du lịch biển.
Về định hướng phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, tư lệnh ngành Công Thương cho rằng, cần chú trọng phát triển nhân lực; sớm xây dựng các chính sách chung về đất đai, xúc tiến thương mại, tạo lập và phát triển thị trường công nghệ thông qua việc tổ chức các hội chợ công nghệ, thiết bị trên địa bàn tỉnh để các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận và lựa chọn. Riêng đối với ngành công nghiệp ưu tiên thuộc lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản là thế mạnh truyền thống của tỉnh nhà, cần tập trung phát triển và ổn định vùng nguyên liệu cũng như đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ quá trình khai thác, phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, bởi đây là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững.
Việc xác định đúng hướng phát triển kết hợp với các giải pháp quyết liệt, mang tính khả thi cao, hy vọng Nghệ An đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế nói chung và ngành công nghiệp nói riêng, sớm trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2030.