Nghệ An: Tạo môi trường thử thách để rèn luyện cán bộ
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ tỉnh Nghệ An chú trọng là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt có tư duy đổi mới, khát vọng phát triển, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thách thức. Các cấp uỷ đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó đặc biệt chú trọng kỹ năng, năng lực thực tiễn thông qua luân chuyển, điều động cán bộ về cơ sở.
Xác định rõ tâm thế luân chuyển
Tháng 9/2022, đồng chí Lô Văn Giáp - Bí thư Huyện đoàn Tương Dương được luân chuyển, điều động về làm Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông. Đây là địa bàn khó khăn nhất huyện, giao thông đi lại khó khăn, chưa có đường vào trung tâm xã. Địa hình của xã chia cắt thành 3 vùng tách biệt, việc đi lại chỉ bằng xuồng máy hoặc đi bộ, trong đó có bản Huồi Pủng không có điện sinh hoạt, không sóng điện thoại, nằm biệt lập, có nguy cơ sạt lở cao.
Với tâm thế “đi cơ sở là để hỗ trợ thêm cho cán bộ cơ sở và giúp người dân có cuộc sống ấm no hơn, đồng thời bản thân có thêm những kiến thức, trải nghiệm thực tiễn để trưởng thành”, đồng chí Lô Văn Giáp cùng cán bộ, công chức xã có nhiều giải pháp cụ thể đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở Hữu Khuông.
Đồng chí Giáp đã kết nối, thu hút nguồn lực từ bên ngoài để hỗ trợ người dân phát triển được 170 lồng cá trên lòng hồ; kết nối doanh nghiệp đưa cây sắn vào trồng trên đất Hữu Khuông, hỗ trợ giống, bao tiêu sản phẩm và mở đường vào vùng sản xuất, tạo nguồn thu nhập mới cho người dân. Nhiều mô hình có mức thu trung bình 60 – 80 triệu đồng/hộ/năm, một số hộ thu hơn 280 triệu đồng/năm. Mô hình nuôi dê cũng được người dân nhận thức rõ hiệu quả để nhân rộng với hàng chục hộ dân tham gia. Cùng đó, nhiều hộ tham gia nhân rộng mô hình bảo vệ, phát triển cây măng đắng lên khoảng 17 ha…
Nhiều công việc cũng được đồng chí Lô Văn Giáp cùng cấp uỷ, chính quyền xã triển khai hiệu quả. Như hoàn thành tuyến đường bê tông nối từ trung tâm xã đến Quốc lộ 16; nâng cấp, củng cố thêm về cơ sở vật chất với 14 phòng học, nhà bán trú cho học sinh tiểu học, mầm non; phối hợp các lực lượng ngăn chặn khai thác vàng trái phép trên địa bàn. Công tác cải cách hành chính, từ đơn vị khó khăn, đã vươn lên xếp thứ 7/17 xã, thị trấn của huyện Tương Dương.
Còn đồng chí Hồ Sỹ Tùng là Chánh Văn phòng HĐND, UBND thị xã Hoàng Mai được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy, sau được bầu kiêm nhiệm Chủ tịch HĐND phường Quỳnh Thiện từ tháng 3/2020. Đồng chí Hồ Sỹ Tùng tâm niệm “phải nỗ lực hết sức mình, làm được gì cho dân thì cố hết sức làm”. Sau hơn 4 năm đảm nhận cương vị người đứng đầu cấp uỷ, đồng chí Hồ Sỹ Tùng cùng với tập thể lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề bức xúc trên địa bàn.
Nổi bật là giải tỏa bãi tập kết than gây ô nhiễm môi trường tại khối Thịnh Mỹ; giải quyết vướng mắc trong nhiều năm để triển khai thi công dự án mương thoát nước và đường điện chiếu sáng trên tuyến Quốc lộ 1A; giải quyết tình trạng điện sinh hoạt yếu kém tại 5 khối phía Bắc phường bằng việc trực tiếp vào làm việc với Công ty Điện lực Nghệ An để xây dựng xen dắm các trạm biến áp, nâng cấp hệ thống dây điện…
Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân cũng được cấp uỷ chỉ đạo quyết liệt, từ đứng cuối, đã vươn lên nhất, nhì thị xã. Đồng chí Tùng cũng cùng tập thể tập trung chỉ đạo, tạo ra sự thay đổi toàn diện về bộ mặt đô thị, gắn với phủ kín hệ thống điện chiếu sáng các tuyến đường, làm vỉa hè, cây xanh, hệ thống thoát nước đồng bộ, đảm bảo vệ sinh môi trường…
Đồng chí Hồ Sỹ Tùng chỉ đạo nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị; đặc biệt là nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức thông qua phân công, phân việc rõ ràng, đánh giá, xếp loại nghiêm túc, khách quan; kiên quyết xử lý cán bộ, công chức có trách nhiệm thấp. Liên tiếp trong 2 năm 2020 - 2021, phường Quỳnh Thiện đều có 2 công chức xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ và 2 công chức hoàn thành nhiệm vụ; trong đó có 1 công chức có 2 năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ, đưa ra khỏi bộ máy.
Từ sự quyết liệt đó, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức ở phường Quỳnh Thiện được nâng lên; công tác cải cách hành chính từ đứng thứ 10 các phường, xã, nay vươn lên tốp 2. Đảng bộ 4 năm liên tục được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 2 năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bố trí cán bộ chủ chốt không phải người địa phương
Một trong những nhiệm vụ được đặt ra cho công tác cán bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025 của Đảng bộ tỉnh Nghệ An là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt có tư duy đổi mới, khát vọng phát triển, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thách thức.
Các cấp uỷ trong tỉnh tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về lý luận và thực tiễn; trong đó đặc biệt chú trọng về kỹ năng, năng lực thực tiễn, tạo môi trường để thử thách, “tôi luyện” cán bộ thông qua đẩy mạnh luân chuyển, điều động cán bộ về cơ sở.
Ban Thường vụ đã ban hành Quy định số 21, ngày 12/5/2023 về luân chuyển cán bộ và Kế hoạch số 235, ngày 28/3/2024 về luân chuyển cán bộ giai đoạn 2024 – 2025. Theo đó, các cấp uỷ Đảng đã đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ gắn bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương nhằm vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trước mắt, vừa đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ lâu dài cho từng cấp.
Huyện Tương Dương - đơn vị được đánh giá làm tốt công tác này đã có sự đa dạng trong luân chuyển, từ huyện về cơ sở, từ cơ sở về huyện, luân chuyển ngang giữa đơn vị cấp huyện và giữa các xã. Cụ thể, trong 4 năm (2021 – 2024), huyện đã luân chuyển, điều động 4 cán bộ huyện về cơ sở; 3 cán bộ từ cơ sở lên huyện; luân chuyển từ xã này sang xã khác 6 cán bộ.
Đặc biệt, hiện Tương Dương có 100% xã, thị trấn gồm 17 đơn vị bố trí bí thư cấp uỷ không phải là người địa phương; có 16/17 xã có chủ tịch, phó chủ tịch UBND và phó bí thư thường trực cấp uỷ không phải là người địa phương với tổng 19 người.
Đồng chí Mạc Văn Nguyên - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Tương Dương cho rằng: Việc bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương sẽ không bị chi phối, ràng buộc các mối quan hệ thân tộc, bằng hữu ở địa phương, cho nên trong giải quyết công việc dân chủ, khách quan, công bằng, khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín, cảm tình, nể nang. Mặt khác, tâm lý cán bộ luân chuyển cũng muốn khẳng định vai trò của mình, cho nên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị quyết liệt, tập trung hơn và tạo ra kết quả rõ nét hơn. Phong cách làm việc của một số cán bộ luân chuyển đã góp phần thay đổi tích cực phong cách, lề lối làm việc của cán bộ cơ sở, góp phần củng cố hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.
Ở thị xã Hoàng Mai, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, luân chuyển từ thị xã về cơ sở 5 cán bộ (hiện có 5/10 phường, xã, người đứng đầu không phải là người địa phương; luân chuyển từ cơ sở lên thị xã 6 cán bộ; luân chuyển, bổ nhiệm ngang giữa các đơn vị cấp thị xã 24 cán bộ. Ngoài thực hiện luân chuyển cán bộ thuộc thẩm quyền, thị xã cũng tiếp nhận 2 cán bộ tỉnh luân chuyển về, đảm nhận chức vụ đứng đầu cấp uỷ và chính quyền.
Trưởng ban Tổ chức Thị ủy Hồ Văn Cậy cho biết: Hai cán bộ từ tỉnh được luân chuyển về thị xã đã tạo được nhiều dấu ấn về tinh thần trách nhiệm, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo: sâu sát cơ sở, gần dân, lắng nghe dân, chăm lo cuộc sống và nhu cầu chính đáng của nhân dân; trong giải quyết công việc: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và theo đuổi đến cùng đến khi kết thúc sự việc. Nhờ vậy, thời gian qua, thị xã đã có nhiều chuyển mình về bộ mặt đô thị, về thu hút đầu tư với hàng chục dự án, trong đó khu công nghiệp Hoàng Mai 1 đã lấp đầy dự án và khu công nghiệp Hoàng Mai 2, dù mới chỉ có chủ trương đầu tư về hạ tầng, nhưng đó có 2 nhà đầu tư đăng ký đầu tư với tổng số tiền hơn 500 triệu USD.
Ở phạm vi cấp tỉnh, tính từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 7/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luân chuyển 22 lượt cán bộ; trong đó, từ tỉnh về huyện 14 lượt cán bộ; từ huyện về tỉnh 3 lượt cán bộ; từ ngành này sang ngành khác 3 lượt cán bộ; từ huyện này sang huyện khác 1 lượt cán bộ. Đặc biệt, ở cấp huyện đều bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương, gồm bí thư, phó bí thư thường trực cấp uỷ và chủ tịch UBND; trong đó có 15/21 đơn vị, bí thư cấp uỷ không phải là người địa phương.
Dù chính sách đi kèm đối với cán bộ luân chuyển vẫn đang bất cập, nhất là đối với cán bộ được luân chuyển đến những địa bàn xa trung tâm, điều kiện đi lại, sinh hoạt khó khăn, nhưng lĩnh vực này đã tạo được những chuyển biến tích cực. Trên cơ sở Quy định số 21, ngày 12/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An về luân chuyển cán bộ, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ tham mưu xây dựng để trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức lãnh đạo quản lý luân chuyển trên địa bàn tỉnh.