Nghệ An: Tạo tư duy mới về dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường

Mỹ Hà 29/04/2021 09:49

(Baonghean.vn) - Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030” được xem là một giải pháp quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh.

Để hiểu hơn về quá trình thực hiện, Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn GS.TS.NGƯT Thái Văn Thành - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về nội dung này.

Đổi mới việc dạy và học

P.V:Thưa GS.TS Thái Văn Thành, từ nhiều năm nay, Nghệ An đã triển khai tiếng Anh chương trình 10 năm theo Đề án Ngoại ngữ năm 2020. Tuy vậy, nếu xét trên mặt bằng chung thì so với nhiều địa phương khác, điểm môn thi ngoại ngữ của Nghệ An vẫn còn thấp. Theo ông, điều này là vì sao và từ thực tế này, ngành Giáo dục Nghệ An đã có những định hướng như thế nào trong những năm tới?

GS.TS.NGƯT Thái Văn Thành: Theo tôi, vấn đề này có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, nhưng trước hết, chúng ta nhận thấy: Việc chỉ đạo tổ chức dạy học ngoại ngữ theo chương trình 10 năm chưa đảm bảo yêu cầu đồng bộ, liên thông giữa các cấp trên địa bàn. Thực tế hiện nay, chúng ta vẫn đang chủ yếu thực hiện đề án dạy học ngoại ngữ trên địa bàn theo chương trình 7 năm, số trường học (đặc biệt là các trường THPT) dạy học theo chương trình 10 năm còn đếm trên đầu ngón tay.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành thăm một giờ học Tiếng Anh cho học sinh người dân tộc thiểu số ở huyện Kỳ Sơn. Ảnh: MH
Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành thăm một giờ học tiếng Anh cho học sinh người dân tộc thiểu số ở huyện Kỳ Sơn. Ảnh: MH

Ngoài ra, công tác quản lý trường học có thời điểm còn thiếu sự quyết liệt, sáng tạo trong việc thúc đẩy giáo viên bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ, đổi mới phương pháp dạy học... Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng môi trường dạy học ngoại ngữ trong nhà trường chưa hiệu quả... Cùng với đó, chưa thật quyết liệt trong việc đánh giá năng lực giáo viên tiếng Anh theo chuẩn quốc tế. Nhất là chưa thực sự xây dựng được một môi trường thích ứng cho việc dạy và học, sử dụng tiếng Anh trong nhà trường cũng như ở ngoài cộng đồng.

Từ những bất cập này thì để thay đổi chất lượng dạy học tiếng Anh, quan trọng nhất vẫn là cơ chế chính sách và tạo môi trường dạy học, sử dụng tiếng Anh trong và ngoài nhà trường. Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo phải có chiến lược, kế hoạch dạy học tiếng Anh một cách bài bản từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông cho đến giáo dục đại học và từ đó các cấp học, bậc học, phải có hướng dẫn cụ thể cho các cơ sở giáo dục, các nhà trường cụ thể hóa và chủ động triển khai trong đơn vị của mình.

Giờ học Tiếng Anh của học sinh Trường THCS Hưng Dũng - tp Vinh. Ảnh: MH
Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường THCS Hưng Dũng - TP. Vinh. Ảnh: MH

Cụ thể, các cơ sở giáo dục, các nhà trường cần chủ động phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ có người nước ngoài để xây dựng các chương trình tiếng Anh tăng cường, với cam kết chuẩn đầu ra theo từng lớp học, cấp học và công bố công khai cho học sinh, phụ huynh và cộng đồng được biết để cùng giám sát chất lượng; chỉ đạo việc dạy học ngoại ngữ tăng cường độc lập với việc kiểm tra, đánh giá thi và cấp chứng chỉ quốc tế cho người học. Song song với đó, sẽ tăng cường công tác chỉ đạo các hoạt động dạy học, đánh giá học sinh, theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực. Giáo viên tiếng Anh, ký cam kết chất lượng với hiệu trưởng nhà trường.

Trong bối cảnh việc dạy và học tiếng Anh đang có chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền, sở sẽ tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên tình nguyện, có tinh thần phục vụ cộng đồng để hỗ trợ các cơ sở giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, nhất là các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai giáo án điện tử, xây dựng kho học liệu dạy học tiếng Anh, để giúp học sinh, đặc biệt là học sinh các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận và học với các giáo viên có chất lượng đạt chuẩn quốc tế.

Ngành Giáo dục cũng sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh có cơ chế khen thưởng giáo viên có thành tích cao, đạt các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và xây dựng cơ chế tuyển thẳng, hoặc khen thưởng, có chính sách ưu tiên cho cho sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Xây dựng các sân chơi, môi trường trải nghiệm tiếng Anh cho học sinh, tổ chức các câu lạc bộ dạy tiếng Anh cho người dân tại các trung tâm học tập cộng đồng, nhất là các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch, được tiếp xúc, được học tập với giáo viên tiếng Anh là người nước ngoài, góp phần tạo hứng thú trong việc học ngoại ngữ.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tập trung bồi dưỡng, bố trí sắp xếp sử dụng hợp lý đội ngũ giáo viên tiếng Anh của trường đạt chuẩn quốc tế, tham gia giảng dạy chương trình tiếng Anh tăng cường của nhà trường, hoặc các cơ sở giáo dục khác trên địa bàn, nhằm tạo động lực cho giáo viên và góp phần nâng cao đời sống vật chất, tạo phong trào thi đua dạy học tiếng Anh trên địa bàn toàn tỉnh.

Hiện công tác tuyển sinh đầu vào lớp 10 chúng ta thường theo truyền thống tổ chức thi tuyển 3 môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, trong đó Toán và Văn nhân điểm hệ số 2, Ngoại ngữ hệ số 1.

Tuy vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo đang dự kiến, thời gian tới có thể chúng ta phải nghiên cứu, thay đổi cách tính tương đồng nhau, hoặc tiếng Anh được tính hệ số 2, để khuyến khích học sinh nâng cao chất lượng học ngoại ngữ.

P.V: Vài năm gần đây, việc dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có những tín hiệu mới và tôi nghĩ rằng, chúng ta đang đi đúng hướng để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ một cách toàn diện, giúp học sinh phát huy được bốn khả năng nghe, nói, đọc, viết. Ông có thể chia sẻ thêm về những thay đổi này?

GS.TS.NGƯT Thái Văn Thành: So với những thành phố lớn thì năng lực ngoại ngữ của học sinh Nghệ An có những hạn chế, đặc biệt là các kỹ năng nghe nói. Chính vì thế, trong một vài năm gần đây, Nghệ An đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, như triển khai chương trình tiếng Anh với học sinh tiểu học và THCS. Tất cả những chương trình này đều được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, có sự tham gia của các trung tâm Anh ngữ có uy tín, được Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định, có kiểm tra năng lực đầu vào và có cam kết đầu ra bằng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Điều đáng mừng là số học sinh tham gia các lớp học này rất đông và được tổ chức khá bài bản, chất lượng.

Đặc biệt, sau nhiều năm chuẩn bị, từ hai năm học trở lại đây tỉnh Nghệ An, đã thực hiện thí điểm 14 trường trọng điểm chất lượng cao (9 trường THCS, 5 trường THPT). Các trường trọng điểm này sẽ là động lực thúc đẩy phát triển mô hình học ngoại ngữ cả trong nhà trường và ngoài cộng đồng. Ở bậc THPT công lập, bắt đầu từ năm học 2021- 2022, công tác tuyển sinh vào lớp 10 cho phép một số trường được tuyển thẳng tối đa một lớp tiếng Anh, trong chỉ tiêu tuyển sinh của trường đã được phê duyệt.

Lớp học Tiếng Anh bổ trợ cho học sinh ở Trường THCS Kim Liên - Nam Đàn. Ảnh: MH
Lớp học tiếng Anh bổ trợ cho học sinh ở Trường THCS Kim Liên - Nam Đàn. Ảnh: MH

Dự kiến trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo dự sẽ tham mưu cho UBND tỉnh và xin ý kiến hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (ngôi trường có bề dày phát triển trên 100 năm) thành một trường trọng điểm của vùng. Trong đó có chú trọng phát triển các mô hình quản trị nhà trường, chuyển đổi số, dạy học ngoại ngữ, tin học; chương trình tiên tiến, chương trình tích hợp..., nhằm phát triển toàn diện nhân cách học sinh. Qua đó, thúc đẩy giáo dục toàn diện, đại trà trong toàn tỉnh.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, rút ngắn khoảng cách vùng, miền

P.V:Thưa GS.TS Thái Văn Thành, từ giữa năm 2020, UBND tỉnh đã thông qua Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án này có ý nghĩa như thế nào trong thời điểm hiện nay?

GS.TS.NGƯT Thái Văn Thành: Sau 10 năm thực hiện đề án ngoại ngữ trước đây, chúng ta nhận thấy nhiều bất cập, hạn chế, không phù hợp với thực tiễn hiện nay, đơn cử như: Phương thức thực hiện, cơ chế hay mô hình triển khai…

Nghệ An đang tiến hành sáp nhập các điểm trường lẻ để học sinh tiểu học trên toàn tỉnh được học Tiếng Anh từ lớp 3 theo chương trình mới. Ảnh: MH
Nghệ An đang tiến hành sáp nhập các điểm trường lẻ để học sinh tiểu học trên toàn tỉnh được học tiếng Anh từ lớp 3 theo chương trình mới. Ảnh: MH

Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An đang đẩy mạnh xúc tiến về đầu tư, thúc đẩy về du lịch, kêu gọi và đang chuẩn bị triển khai các dự án trọng điểm. Vì vậy, để đẩy mạnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì đòi hỏi chúng ta phải có một nguồn nhân lực tốt, đảm bảo về số lượng và chất lượng, đáp ứng về kỹ năng và năng lực sẵn sàng cho việc hội nhập và toàn cầu hóa. Do đó, việc phát triển và nâng cao trình độ ngoại ngữ là một trong những hành trang tốt nhất để con em Nghệ An có cơ hội lớn nhanh chóng tiếp cận và hội nhập khu vực và quốc tế, khi đi lao động, du học, hay làm việc trong môi trường công nghiệp hiện đại...

Chính vì thế, đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”, đáp ứng nhu cầu học ngoại ngữ của nhân dân, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong bối cảnh hiện nay.

P.V: Liên quan đến việc triển khai đề án ngoại ngữ, ngành Giáo dục đang có kế hoạch khảo sát năng lực toàn bộ giáo viên tiếng Anh và có chính sách thu hút những giáo viên dạy giỏi, có năng lực. Cụ thể như thế nào, thưa ông?

GS.TS.NGƯT Thái Văn Thành: Công tác tuyển dụng được thực hiện theo kế hoạch phê duyệt, trong đó chính sách ưu tiên cho sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, hoặc có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Hiện tại, sở đang triển khai đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên tiếng Anh theo tiêu chuẩn quốc tế. Qua đó xây dựng các chương trình bồi dưỡng thích hợp với từng giáo viên; xây dựng cơ chế khuyến khích giáo viên tự học, tự bồi dưỡng để dự thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, phấn đấu đạt tiêu chuẩn giáo viên toàn cầu. Tuy nhiên, việc đánh giá không phải là để xếp loại mà mục đích chính nhằm đánh giá giáo viên, nâng cao năng lực ngoại ngữ và có lộ trình bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn năng lực quốc tế, tạo động lực và ý thức tự học, tự bồi dưỡng đạt chuẩn của giáo viên.

Một buổi sinh hoạt câu lạc bộ Tiếng Anh tại Trường THPT Anh Sơn 1. Ảnh: MH
Một buổi sinh hoạt Câu lạc bộ tiếng Anh tại Trường THPT Anh Sơn 1. Ảnh: MH

P.V: Một vấn đề đang tồn tại lâu nay đối với ngành Giáo dục Nghệ An, đó là chất lượng dạy và học ngoại ngữ giữa các miền vẫn chưa đồng đều. Vậy, ngành Giáo dục đã có những giải pháp nào để khắc phục hạn chế trên?

GS.TS.NGƯT Thái Văn Thành: Trước mắt theo chúng tôi, khâu tuyển dụng giáo viên, nhất là giáo viên cho các huyện miền núi đang là vấn đề cấp thiết nhất. Khi đã tuyển đủ, thì chúng tôi sẽ có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên để đáp ứng được yêu cầu.

Thứ hai, tham mưu UBND tỉnh tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất dạy học tiếng Anh cho các huyện miền núi. Quan tâm ưu tiên đầu tư bồi dưỡng giáo viên miền núi đạt chuẩn và tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên tự học, tự bồi dưỡng để đạt được các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Xây dựng đội ngũ giáo viên tình nguyện, để hỗ trợ cho các nhà trường các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chỉ đạo xây dựng kho học liệu dạy học tiếng Anh, để giúp học sinh các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận và học với các giáo viên có chất lượng đạt chuẩn quốc tế.

Chỉ đạo các phòng GD&ĐT có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, sử dụng hợp lý đội ngũ giáo viên tiếng Anh; triển khai có hiệu quả mô hình "Trường giúp trường, phòng giúp phòng", “Điều ước trường em”… Xây dựng kế hoạch xã hội hóa để phát triển các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường có học sinh bán trú, nhằm huy động các nguồn lực, đảm bảo các điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ.

Để việc dạy Tiếng Anh có hiệu quả thì cần trang bị đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại. Ảnh: MH.
Để việc dạy tiếng Anh có hiệu quả thì cần trang bị đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại. Ảnh: MH.

Với sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự đầu tư của tỉnh, cùng với các cơ chế chính sách thúc đẩy việc dạy học ngoại ngữ, với truyền thống hiếu học của ông đồ xứ Nghệ, và truyền thống hiếu học, ham học, học giỏi, khát vọng phấn đấu vươn lên thành tài, xây dựng quê hương đất nước, phồn vinh, hạnh phúc của học trò xứ Nghệ, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt bài bản của ngành Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi tin tưởng, đề án sẽ đạt kết quả tốt đẹp.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Mới nhất

x
Nghệ An: Tạo tư duy mới về dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO